Ứng Hòa là một trong những huyện trọng điểm về nông nghiệp của thành phố Hà Nội với diện tích đất sản xuất và sản lượng rất lớn
Diện tích lúa hàng năm đạt gần 16.000 ha, nuôi trồng thủy sản đạt trên 4.000 ha, đàn gia cầm trên 2,4 triệu con, đàn lợn trên 82.000 con. Không đơn thuần chạy theo năng suất như trước đây, mấy năm nay địa phương này đã phát triển nông nghiệp theo hướng xây dựng các vùng sản xuất tập trung, đạt an toàn thực phẩm, đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ.
Với đối tượng cây trồng chính là lúa, Ứng Hòa đã đẩy mạnh việc đưa các giống chất lượng cao vào gieo cấy trên những cánh đồng mẫu lớn cùng một quy trình thống nhất để tạo ra lượng sản phẩm hàng hóa lớn. Huyện trở thành địa phương dẫn đầu thành phố về diện tích lúa Nhật Japonica với hơn 3.400ha/vụ.
Huyện đã xây dựng được nhãn hiệu gạo chất lượng gạo Khu Cháy. Không còn là những nông dân đơn lẻ nữa mà được liên kết sản xuất theo chuỗi với sự góp mặt không thể thiếu của các hợp tác xã (HTX) kiểu mới như Đoàn Kết nhằm nâng cao giá trị hàng hóa cho sản phẩm lúa, gạo.
Cụ thể, HTX này đã mạnh dạn đầu tư một số máy móc thiết bị để xay xát, đóng gói lúa gạo theo tiêu chuẩn. Ngoài ra HTX còn đi tiên phong khi cung cấp các dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ cho nông dân như mạ khay, cấy, máy, phun thuốc trừ sâu, phơi sấy đồng thời bao tiêu luôn sản phẩm.
Chính quyền cùng các cơ quan chuyên môn trong ngành nông nghiệp đã đồng hành trong việc hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn cho nông dân về những kỹ thuật sản xuất an toàn theo chuẩn VietGAP cũng hữu cơ. Cùng với đó xây dựng quy chế sử dụng tem nhãn lúa gạo, thúc đẩy xúc tiến thương mại trong các cuộc hội nghị, hội chợ về nông sản hay chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Nhờ đó, từ chỗ chỉ tiêu thụ tự phát qua hàng xáo đến nay sản phẩm gạo Khu Cháy đã được hàng chục cửa hàng gạo tại Hà Nội và một số tỉnh thành lân cận nhận bao tiêu với số lượng hàng trăm tấn.
Là huyện có địa hình trũng, diện tích mặt nước nhiều nên huyện cũng có thế mạnh về chăn nuôi thủy sản với sản lượng khoảng trên 37.000 tấn. Ứng Hòa đã quy hoạch và phát triển 4 vùng nuôi thủy sản tập trung, có 119 trang trại đạt chuẩn. Để đáp ứng chất lượng cũng như đòi hỏi an toàn ngày càng cao hơn của thị trường nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị để áp dụng công nghệ sông trong ao hay VietGAP…
Bên cạnh thủy sản, thủy cầm cũng là một sản phẩm có lợi thế. Trong thời gian qua Ứng Hòa đã bắt đầu xây dựng thương hiệu cho con vịt bản địa độc đáo là vịt cỏ Vân Đình, khuyến khích người dân trở lại với cách chăn nuôi thả đồng hay cho ăn các nông sản tự làm để đạt chất lượng thịt tốt nhất. Đồng thời ở xã Đông Lỗ còn phát triển nghề nuôi vịt đẻ với vài chục hộ nuôi quy mô lớn hàng nghìn con theo hướng an toàn sinh học, đạt chuẩn VietGAP, tạo ra sản phẩm trứng sạch thơm ngon mang thương hiệu riêng.
Song song với trồng trọt, chăn nuôi kiểu truyền thống thì các mô hình ứng dụng công nghệ cao ngày càng có nhiều hơn ở Ứng Hòa. Đó có thể là mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới tại xã Sơn Công hay mô hình trồng dưa chuột, dưa lưới trong nhà lưới ở xã Hồng Quang hay Phù Lưu hay mô hình trồng bưởi VietGAP tại xã Hóa Xá, Đồng Tiến. Ở đây, cây trồng được quản lý chặt chẽ từ giống, đất, nước, phân bón đặc biệt là bảo vệ thực vật, không sử dụng các thuốc hóa học độc hại mà ưu tiên dùng các chế phẩm sinh học để đảm bảo an toàn cho người dùng.
Tuy đạt những kết quả ban đầu ấy nhưng hiện nay việc tiêu thụ nông sản của nhiều trang trại, HTX, hộ dân ở Ứng Hòa vẫn còn bấp bênh. Con đường tìm kiếm các kênh phân phối hiện đại còn phức tạp dù chất lượng nông sản của huyện đã khá tốt và đồng đều. Chính vì vậy mà người dân rất mong chờ chính quyền quảng bá, hỗ trợ hơn nữa, các doanh nghiệp thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hơn nữa. Cấp giấy chứng nhận và truy xuất nguồn gốc rõ ràng nông sản cho họ để có thể nâng cao giá trị của sản phẩm trên một đơn vị canh tác.
Nguồn: Nông nghiệp