Thứ Ba, 25/05/2021, 8:30

Nuôi tôm trên bạt ở Vạn Ninh: Kiểm soát việc khai thác nước ngầm

Hạn chế cấp phép khoan giếng mới, khống chế lượng nước khai thác, áp dụng công nghệ để nuôi tôm trên bạt, đó là giải pháp được UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai tại xã Vạn Thọ và Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) – nơi đang là điểm nóng về nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm, nhất là trong mùa khô hạn sắp tới.

Sử dụng nước ngầm để nuôi tôm

Đưa chúng tôi đi trên ao tôm rộng 5,5ha tại thôn Tuần Lễ (xã Vạn Thọ), ông Lê Khoa Thông – chủ đìa tôm cho biết, từ ngày UBND tỉnh đưa ra hạn mức chỉ cho phép khai thác nước ngầm để nuôi tôm trên bạt với lưu lượng không vượt quá 10m3/ngày đêm, ông đã cải tạo và đầu tư 2 bể lắng (bể nổi) với giá 75 triệu đồng/bể để có thể hạn chế việc sử dụng nguồn nước ngầm.

Ông Thông nuôi tôm thẻ chân trắng ở khu vực thôn Tuần Lễ đã được 5 năm. Do nguồn nước ở vịnh Vân Phong ngày càng ô nhiễm, nhiều tạp chất gây hại cho tôm nên ngay từ thời điểm nuôi, ông đã đầu tư khoan giếng lấy nước ngầm từ biển để nuôi tôm hiệu quả hơn. “Từ vị trí giếng khoan lấy nước ngầm đến đìa tôm khoảng 400m, dẫn về bằng các ống nước lớn. Trước đây, nước ngầm được bơm trực tiếp vào ao tôm, ngày nào cũng thay nước tràn lan, lãng phí, không kiểm soát. Từ khi áp dụng bể lắng, nước ngầm dẫn về được xử lý vi sinh trước khi đưa vào ao tôm, chất lượng nước ổn định, cứ 2 – 3 ngày mới phải thay nước một lần nên lượng nước ngầm khai thác cũng giảm một nửa so với trước đây”, ông Thông chia sẻ.

Theo kết quả kiểm tra của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), vào thời điểm tháng 5-2020, đối với khu vực xã Vạn Thọ, các hộ xây dựng các đìa nuôi tôm có phủ bạt lót đáy và vách bờ đìa (nuôi tôm trên bạt). Nguồn nước mặn để nuôi tôm được khai thác từ các lỗ khoan đặt tại bờ đìa, thuộc phạm vi phân bố của tầng chứa nước bị nhiễm mặn trên bản đồ địa chất thủy văn tỷ lệ 1/50.000 tỉnh Khánh Hòa (vùng ngập mặn ven bờ vịnh). Nguồn bổ sung chủ yếu cho nước dưới đất là nước mưa nên khi hạn hán kéo dài sẽ thiếu hụt nguồn cấp. Thời điểm kiểm tra, diện tích vùng nước bị nhiễm mặn trong tầng đã phát triển và lấn khá sâu vào đất liền.

 

Tại khu vực xã Vạn Thạnh, hoạt động nuôi tôm trên bạt phát triển ở khu vực ven bờ biển Đầm Môn. Nước để nuôi tôm được lấy từ biển, hòa với nước nhạt lấy từ các lỗ khoan nông, sâu 4 – 6m, đặt cạnh bờ đìa. Để bảo vệ nguồn nước dưới đất, phải giám sát các hoạt động khai thác nước dưới đất tự phát để tránh nguy cơ cạn kiệt trữ lượng và suy thoái chất lượng nguồn nước (hạn chế khai thác, cấp phép khai thác, đăng ký khai thác).

Với thực trạng trên, tháng 7-2020, UBND tỉnh giao Sở TN-MT, UBND huyện Vạn Ninh tập trung chỉ đạo xã Vạn Thạnh, Vạn Thọ, các hộ đều thực hiện kê khai đăng ký với lưu lượng dưới 10m3/ngày đêm. Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc khai thác, sử dụng nước ngầm đối với các hộ đã thực hiện đăng ký, đảm bảo các hộ không khai thác vượt lưu lượng 10m3/ngày đêm; xử lý nghiêm các hộ khoan giếng mới tại khu vực xã Vạn Thọ để lấy nước nuôi tôm.

Ao sử dụng nguồn nước ngầm nuôi tôm trên bạt của hộ ông Thông.

 

Được biết, hiện nay, xã Vạn Thọ và Vạn Thạnh có 121 hộ có giếng khoan khai thác, sử dụng nước ngầm để nuôi tôm. Các hộ đều thực hiện kê khai đăng ký với lưu lượng quy định. Ông Nguyễn Ngọc Thông – Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ cho biết, trên địa bàn xã có 80 hộ đang nuôi thủy sản trên diện tích 55ha thuộc 3 thôn: Tuần Lễ, Ninh Mã, Cổ Mã. Phần lớn các hộ nuôi đều dùng nước ngầm để nuôi tôm trên bạt. Từ khi UBND tỉnh đưa ra hạn mức về khai thác nước ngầm, tất cả các hộ nuôi tôm đều ký cam kết thực hiện và nhiều hộ áp dụng các công nghệ trong nuôi tôm để hạn chế tối đa việc sử dụng nước ngầm; kiểm soát việc đào giếng tràn lan lấy nước nuôi tôm như trước đây.

Cần kiểm soát hạn mức khai thác

Theo ông Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, tuy hạn mức khai thác nước ngầm đã được UBND tỉnh triển khai, nhưng khó khăn hiện nay là ở cấp độ địa phương không có đủ cán bộ chuyên môn, thiết bị để đi kiểm tra thực tế từng hộ và xác định có vượt mức khai thác hay không. Do đó, từ thời điểm UBND tỉnh triển khai áp dụng hạn mức khai thác nước ngầm đến nay, địa phương phải phối hợp với các đơn vị chuyên môn của tỉnh mới có thể thực hiện được việc kiểm tra.

PGS.TS Võ Văn Nha – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nước ngầm là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá; nếu chúng ta khai thác không kiểm soát thì có thể khiến cả vùng bề mặt nước sẽ bị mất, dẫn đến khô hạn và lan qua nhiều vùng xung quanh. Nước ngầm cạn kiệt sẽ làm thay đổi cấu trúc của nền đất và dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn. Với hạn mức khai thác nước ngầm UBND tỉnh đặt ra không vượt quá 10m3/ngày đêm, để kiểm tra hạn mức khai thác, các cán bộ ở địa phương có thể thực hiện thường xuyên dựa vào hiện trạng từng hộ nuôi. Ví dụ, hộ nuôi với diện tích 3.000m2, độ cao 1,5m, có thể tính được ao đó có dung tích khoảng 4.500m3 nước ngầm. Với lượng nước đó, dựa vào quy trình công nghệ nuôi mà hộ đó đang sử dụng (hoặc không sử dụng công nghệ) là thay nước với mật độ bao nhiêu ngày một lần thì sẽ tính ra được lượng nước ngầm có vượt quá quy định hay không.

THÁI THỊNH

Báo khánh Hòa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *