Thứ Tư, 23/11/2022, 13:47

Thu nhập cao với mô hình nuôi lươn

Tận dụng chỉ hơn 30m² đất trống của gia đình, anh Trần Châu Á đã khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi lươn bùn, thu lợi nhuận cao. Anh Á được xem là điển hình của thanh niên làm kinh tế giỏi ở ấp Phụng Sơn, xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng).

Hàng ngày, cứ đến con nước lớn là anh Á bắt đầu công việc thay nước cho các bồn nuôi lươn. Anh Á cho biết, đàn lươn chỉ chịu nước sông, nếu sử dụng nước máy hay nước ngầm thì lươn sẽ không khỏe. Đây là kinh nghiệm mà anh rút ra được từ sự cố hao hụt con giống khi bắt đầu khởi nghiệp.

Anh Á cho biết, năm 2019, nhận thấy nghề nuôi lươn có nhiều tiềm năng để phát triển, anh bắt tay thử nghiệm nuôi lươn bùn. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thuật nuôi lươn, anh dùng bạt cao su làm thành một chiếc bồn có diện tích 6m², đầu tư hệ thống bơm nước, đáy bồn lót một lớp bùn dày, bỏ thêm tràm, sậy và thả bèo lên trên mặt nước, rồi tìm mua hơn 1.000 con lươn đồng giống thả nuôi. Nhờ chăm sóc đúng cách, đàn lươn hao hụt ít và lớn nhanh. Sau gần 1 năm, lứa lươn đầu tiên xuất bán, mang về cho anh Á lợi nhuận hơn 20 triệu đồng. Thấy việc nuôi lươn hiệu quả, anh Á quyết định mở rộng diện tích nuôi.

Anh Trần Châu Á là điển hình thanh niên khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi lươn. Ảnh: XUÂN THANH

Được hỗ trợ vốn với số tiền 40 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội, anh Á làm thêm 3 chuồng lươn bằng bạt cao su, mua thêm con giống. Thức ăn của lươn là cá vụn, mua từ những người làm nghề đóng đáy. Cá mang về cắt nhỏ, lươn rất chịu ăn. Giá cá vụn rẻ, chỉ 5.000 đồng/kg, mỗi bồn lươn tùy theo lứa lớn nhỏ, tiêu tốn khoảng 1 – 1,5kg cá vụn. “Mô hình nuôi lươn bùn đơn giản, chi phí thức ăn rẻ, con lươn sống dưới bùn gần với tự nhiên nên bán có giá. Lươn có đề kháng tốt, dễ nuôi, tuy nhiên, lươn rất mẫn cảm với môi trường nước, do đó phải thường xuyên thay nước sau khi cho ăn, nếu nước bẩn lươn sẽ dễ bị bệnh. Để lươn khỏe, ăn mạnh, ngoài nguồn thức ăn đảm bảo an toàn, sạch sẽ, cần bổ sung thêm men tiêu hóa” – anh Á chia sẻ kinh nghiệm.

Theo anh Á, lươn nuôi khoảng 12 tháng, đạt trọng lượng từ 300g/con thì có thể xuất bán. Hiện tại, ngoài bán lẻ cho bà con trong vùng, nguồn thu mua lươn với số lượng lớn của anh Á là ở Thành phố Hồ Chí Minh, với giá lươn thương phẩm khoảng 250.000 đồng/kg. Trong năm nay, anh Á đã xuất bán 2 lần với số lượng hơn 200kg và đến trước tết Nguyên đán này, dự kiến sẽ tiếp tục bán ra hơn 200kg lươn thương phẩm. Anh Á cho biết, quá trình mua con giống, anh chọn lựa, phân loại cỡ lươn lớn rồi thả nuôi theo bồn, nhờ đó mà trong năm có sản lượng bán nối tiếp.

Mới đây, sau khi tìm hiểu về mô hình nuôi lươn không bùn, anh Á quyết định đầu tư thêm 2 bồn ximăng lớn nuôi thử nghiệm. Anh cho biết, với mô hình nuôi lươn không bùn, chỉ cần thả ống nước, treo các bụi dây nilon làm chỗ cho lươn trú ngụ, ưu điểm của mô hình này sản lượng lươn nuôi nhiều hơn, năng suất cao, dễ quan sát, tuy nhiên phải tốn nhiều công chăm sóc, thay nước thường xuyên. Hiện đàn lươn này rất khỏe, lại lớn nhanh, hứa hẹn sẽ giúp gia đình anh có thêm thu nhập.

Bí thư Đoàn xã Song Phụng Huỳnh Hoàng Nhân cho biết: “Anh Trần Châu Á là người đầu tiên ở ấp Phụng Sơn khởi nghiệp thành công với nghề nuôi lươn. Thời gian qua, thu nhập từ mô hình nuôi lươn bùn đã giúp cuộc sống gia đình anh Á thoải mái hơn. Anh Á cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm nuôi lươn với bà con trong khu vực, thành công của anh đã góp phần tạo thêm động lực, khích lệ người dân nơi đây cùng nhau làm kinh tế trên mảnh đất quê hương. Hiện nay ở ấp Phụng Sơn có hơn 10 hộ nuôi lươn đạt hiệu quả kinh tế cao, có người vươn lên làm giàu. Có thể nói, nghề nuôi lươn đã mở ra một hướng đi mới trong sản xuất của người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương chúng tôi”.

XUÂN THANH

Báo Sóc Trăng