Ngày 24/8, Chi cục Thủy sản Đồng Nai tổ chức thả hơn 260.000 con giống thủy sản các loại xuống rừng ngập mặn tại huyện Nhơn Trạch nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Rừng ngập mặn là nơi sinh sản, cư trú của các loài thủy hải sản. Tuy nhiên, việc khai thác, đánh bắt thủy sản tùy tiện, tận diệt cũng như tác động của ô nhiễm môi trường… đã làm đa dạng sinh học thủy hải sản bị suy giảm.
Nằm trong chương trình tái tạo nguồn lợi thủy sản của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, Chi cục Thủy sản Đồng Ngai đã tiếp tục thả giống phù hợp với môi trường nước lợ tại rừng ngập mặn – rừng sác Nhơn Trạch. Hoạt động được UBND huyện Nhơn Trạch và UBND xã Phước An phối hợp thực hiện.
Ông Châu Thanh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai cho biết, hơn 250.000 con tôm giống, 6.500 con cá chẽm và 5.000 con cua đã được thả xuống bìa rừng sác.
“Đặc biệt, lần thả này chúng tôi lựa chọn hàng ngàn con cua giống và thả sát bờ rừng vốn dĩ dễ thích nghi với môi trường rừng ngập mặn và sẽ sinh trưởng tốt, tránh được những thiên địch tự nhiên”, ông An chia sẻ.
Tận tay thả những con cá, cua, tôm giống xuống dòng sông Đồng Tranh, ông Trương Thanh Tâm, Phó phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch kỳ vọng hoạt động ý nghĩa này sẽ cân bằng hệ sinh thái tại khu vực này, giúp phục hồi hệ sinh vật trước nạn tận diệt thuỷ hải sản vẫn còn diễn ra nan giải tại Đồng Nai.
Trước đó, ngày 17/8, Sở NN-PTNT Đồng Nai cũng phối hợp với Tổ Đình Long Thiền (phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa) tổ chức hội nghị tuyên truyền và thả phóng sinh hơn 307.000 cá giống bản địa trên sông Đồng Nai.
Chi cục Thủy sản Đồng Nai cũng thăm hỏi, nhắc nhở người dân không sử dụng kích điện, thuốc nổ, hóa chất, ngư lưới cụ thuộc danh mục cấm để khai thác thủy sản…
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam