(Aquaculture.vn) – Đó là nhận định của ông Trần Đình Luân, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản trong phiên Hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển nuôi tôm tháng cuối năm 2021 và năm 2022”, do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng ngày 10/12/2021, tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tính đến thời điểm hiện tại diện tích thả nuôi tôm nước lợ nước ta ước đạt 740 nghìn ha, bằng 100,5% so với năm 2020. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 630 nghìn ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 110 nghìn ha.
Sản lượng tôm 11 tháng đầu năm 2021 đạt 902,7 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, tôm sú đạt 255,2 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 597,5 nghìn tấn. Ước tính sản lượng nuôi năm 2021 đạt 970 nghìn tấn, tăng 4,3% so với năm 2020. Trong đó, tôm sú ước đạt 277,5 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng ước đạt 642,5 nghìn tấn.
Cũng theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tháng đầu năm 2021 đạt 3,2 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Ước kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2021 đạt 3,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2020.
“Như vậy so với thời điểm khó khăn tháng 7,8,9 do chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, đã có những lúc giá tôm giảm một nửa xuống chỉ còn 50.000 – 60.000 đồng/kg, hiện tại với những gì đã đạt được ngành tôm Việt Nam có thể tạm yên tâm về kế hoạch thực hiện năm 2021 đã đề ra. Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn bộn bề trước mắt đối với ngành tôm trong năm 2022”, ông Trần Đình Luân, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định.
Cũng trong hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, theo dự báo của VASEP, tháng 11 xuất khẩu tôm ước đạt 740 triệu USD. Dự kiến tháng 12 sẽ ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan từ thị trường này. Tháng cuối năm với nhiều sự kiện như Giáng sinh, Tết dương lịch… dự kiến nhu cầu tiêu thụ tôm sẽ tăng. Nếu giá trị xuất khẩu tháng 12 đảm bảo trên 800 triệu USD, tổng cả năm 2021 xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ đạt 8,6 – 8,7 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra là 8,5 tỷ.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, thị trường xuất khẩu tôm đang có nhiều thuận lợi. Giá tôm có xu hướng tăng cao là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm tận dụng tốt cơ hội nhanh chóng phục hồi sau đợt giãn cách xã hội kéo dài. Với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia sẽ là cơ hội thuận lợi nâng cao năng lực tổ chức sản xuất đảm bảo theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc với quy trình từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học đến thu hoạch, sơ chế và chế biến phục vụ xuất khẩu.
Là một trong những địa phương có thế mạnh về nuôi tôm, ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, nhìn chung năm 2021, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành kế hoạch về diện tích, sản lượng đã đề ra. Cụ thể, năm 2021 toàn tỉnh có 137.560 ha thả nuôi tôm nước lợ, đạt 101,2% kế hoạch và cao hơn 2,48% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thu hoạch đạt 105.467 tấn, đạt 107,6% kế hoạch và cao hơn 14% so với cùng kỳ.
“Đây có thể được coi là tín hiệu khả quan cho ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Năm 2022, Kiên Giang dự kiến phát triển tôm nuôi với diện tích 140.000 ha, sản lượng đạt 107.000 tấn. Trong đó, mục tiêu chính trong năm 2022, tỉnh sẽ tập trung toàn lực trong việc cấp mã số vùng nuôi cho các hộ nuôi. Dự kiến đến hết năm 2021, tỉnh sẽ phấn đấu hoàn thành cấp mã số cơ sở nuôi ít nhất cho khoảng 30.000 hộ nuôi”, ông Thao nói.
Để khai thác tốt cơ hội thị trường và vượt qua thách thức, phấn đấu đạt mục tiêu những tháng cuối năm 2021, và cả năm 2022, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm tôm, trong đó năng suất và chất lượng là hai yếu tố then chốt. Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị, địa phương cần chú trọng các yếu tố nguyên liệu đầu vào đặc biệt là con giống, hạ tầng trong chuỗi sản xuất tôm.
“Dù khó khăn do biến đổi khí hậu, dịch Covid-19, nông sản Việt Nam nói chung và ngành tôm nói riêng sẽ vượt qua thách thức, phấn đấu đạt mục tiêu năm 2022 ngành tôm đạt sản lượng 980.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu từ 3,9 đến 4,1 tỷ USD”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Phạm Huệ