Thứ Hai, 13/12/2021, 10:39

C.P Việt Nam: Đặt mục tiêu ngành tôm trở thành kinh tế mũi nhọn

(Aquaculture.vn) – Ngày 9/12/2021, C.P Việt Nam và Tập đoàn PAN đã ký kết hợp tác chiến lược, trong đó nêu rõ nhiệm vụ phát triển và nâng tầm chuỗi giá trị ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới.

Ảnh minh họa: C.P Group

Ngành tôm Việt Nam là một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển nông nghiệp nói chung, đang được Chính phủ quan tâm sát sao. Việc phát triển hơn nữa ngành này không chỉ đảm bảo vấn đề an ninh lương thực quốc gia, mà còn góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống của người dân.

Ông Montri Suwanposri, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc C.P Việt Nam cho biết, trong suốt 20 năm qua, ngành tôm luôn đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đóng góp khoảng 40- 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5- 4 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất ổn định, trung bình 5%/năm trong 5 năm vừa qua. C.P tin rằng, ngành tôm Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, và đây vẫn sẽ là một trong những ngành mũi nhọn của tập đoàn C.P trong tương lai.

“Tôi tin tưởng và hy vọng rằng, với việc hợp tác cùng tập đoàn PAN, chúng ta sẽ cùng phát triển Fimex (FMC) lớn mạnh và cạnh tranh hơn nữa ở các thị trường xuất khẩu. Với kinh nghiệm về con giống và thức ăn chăn nuôi của mình, C.P tin rằng việc kết hợp với FMC sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng cho cả 2 doanh nghiệp. Qua đó chung tay góp sức hoàn thành mục tiêu đạt sản lượng nuôi tôm 1.15 triệu tấn từ nay đến năm 2025 của chính phủ. Mục tiêu của chúng tôi khi đầu tư là mong muốn cùng chung tay phát triển FMC trở thành doanh nghiệp đầu ngành và cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu tôm lớn trên thế giới”, ông Montri Suwanposri cho biết thêm.

Cũng theo Tổng giám đốc C.P Việt Nam, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Với lợi thế là một trong những người tiên phong và am hiểu thị trường, CP Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới và áp dụng các công nghiệp hiện đại nhất vào sản xuất, chăn nuôi, hợp tác với các đối tác trong nước, như tập đoàn PAN, để tạo ra các sản phẩm chất lượng hơn nữa; không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn phục vụ cả thị trường quốc tế.

Phạm Huệ

Trong tháng 10/2021, C.P Việt Nam chi gần 500 tỷ mua vào hơn 9,7 triệu cổ phiếu trong 2 phiên giao dịch, tương đương sở hữu 16,56% vốn của Thực phẩm Sao Ta, chính thức trở thành cổ đông của Tập đoàn PAN. Cụ thể, trong hai ngày 11-12/10, C.P Việt Nam đã mua lần lượt 4,35 triệu cổ phiếu và 5,4 triệu cổ phiếu FMC, để sở hữu 16,56% vốn của Thực phẩm Sao Ta – đơn vị thành viên Tập đoàn PAN.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận