Thứ Sáu, 26/05/2023, 8:00

Một số loại cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao

Cá rô phi

(Aquaculture.vn) Dưới đây là một số loài thủy sản nước ngọt dễ nuôi và đem lại giá trị kinh tế cao

Cá lăng

Cá lăng nha - Thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao
Cá lăng nha (Ảnh: tepbac.com)

Cá lăng có rất nhiều loại, một số dòng cá lăng phổ biến ở nước ta: cá lăng đen, cá lăng chấm, cá lăng vàng, cá lăng đuôi đỏ…trong đó, cá lăng đuôi đỏ là dòng có kích thước lớn nhất, cá trưởng thành có thể lên đến 30kg/con.

Cá lăng nha (hay còn gọi là cá lăng đuôi đỏ, Mystus wyckiioides), là loài cá da trơn, sống thành từng đàn ở tần đáy nơi có nước chảy nhẹ, cá thích sống sạch, nếu nuôi trong ao thì chúng thích sống ở nơi có nhiều giá thể để trú ẩn và hoạt động bắt mồi về đêm, là loài ăn tạp thiên về động vật. Cá sinh trưởng tốt ở nước ngọt, có thể sống ở nước lợ có độ mặn 5-7‰. Cá lăng có thể nuôi trong ao hoặc trong lồng bè, tuy nhiên nuôi trong lồng bè cá lớn nhanh hơn.

Cá lăng nha thường sống ở các con sông lớn, hiện nay cá lăng nuôi đang phát triển mạnh ở các vùng nước ngọt thuộc các tỉnh miền Đông Nam bộ và ĐBSCL, trong đó, phát triển mạnh nhất ở các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Tháp và An Giang.

Cá lăng nha có kích thước lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh và giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt ngon, dai, ít mỡ, không có xương dăm.

Hiện nay, cá lăng đuôi đỏ giá khoảng 270.000 – 500.000 đồng/kg, cá lăng vàng có giá khoảng 300.000 – 400.000 đồng/kg, cá lăng chấm có giá khoảng 120.000 đồng/kg.

Cá chép giòn

Cá chép giòn
Nguồn: ST

Cá chép giòn là cá nước ngọt, nuôi cá chép giòn giai đoạn đầu giống với các loại cá chép trong tự nhiên. Người nông dân có thể sử dụng thức ăn công nghiệp, thức ăn hữu cơ chuyên dùng cho cá để nuôi cá chép thường trong khoảng 9 tháng. Khi cá đã đạt trong lượng 1 kg sẽ tiến hành chọn lọc con cá chất lượng để vỗ béo thành các chép giòn.

Cá chép giòn như cá chép thường được cho ăn đậu tằm liên tục, thành phần thức ăn có thể làm thay đổi cấu trúc, thành phần protein trong thịt khiến thịt cá chắc giòn.

Có nhiều mô hình nuôi cá chép giòn như ao đất, lồng bè hoặc bể xi măng. Cá chép ưa sống ở tầng đáy để có kích thước lớn, khỏe mạnh.

Cá chép giòn được nuôi phổ biến khắp cả nước, đặc biệt ở các tỉnh miền Bắc như Hải Dương, ở ĐBSCL như An Giang và Đồng Tháp…

Cá chép giòn thương phẩm thường có giá dao động từ 150.000-250.000 đồng/kg.

Cá trắm cỏ

Cá trắm cỏ
Nguồn: ST

Cá trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella) là một loài cá thuộc họ Cá chép (Cyprinidae), loài duy nhất của chi Ctenopharyngodon. Đây là loài có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, được nuôi phổ biến ở hầu hết các tỉnh thành, đặc biệt là các tỉnh khu vực đồng bằng phía Bắc.

Trắm cỏ là loài cá nước ngọt, thường sống chủ yếu ở các khu vực ao, hồ và các con sông lớn, thức ăn chính của cá là cỏ, các loại rau xanh, lá và thân cây chuối…hay các loại bột ngô, khoai, cám gạo…Có thể nuôi cá ở nhiều hình thức khác nhau như trong ao, hồ hoặc thả nuôi trong lồng bè trên sông. Độ sâu thích hợp của chúng là khoảng 0 – 30m, đây là khu vực tầng nước giữa và thấp – nơi môi trường nước sạch và rất trong.

Cá trắm cỏ có thịt thơm ngon, ít xương dăm, cá thương phẩm có gía dao động từ 50.000-100.000 đồng/kg.

Cá tra

Cá tra
Nguồn: ST

Cá tra là một loại cá da trơn thuộc họ Pangasiidae. Đây là một trong những đối tượng nuôi chính của nước ta với sản lượng hằng năm chiếm khoảng 30% tổng sản lượng thủy sản cả nước và đồng thời cũng là đối tượng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Cá tra là đối tượng cá thịt trắng được người tiêu trùng trên thị trường thế giới ưa chuộng.

Hiện, diện tích nuôi cá tra khoảng 5.700ha, tập trung chủ yếu tại các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long như: Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre và Vĩnh Long… Trong đó, Đồng Tháp là tỉnh sản xuất cá tra lớn nhất ĐBSCL, chiếm hơn 33% diện tích và 34,8% sản lượng cá tra toàn vùng với sản lượng hằng năm hơn 505.000 tấn, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu thủy sản (cá tra) của Đồng Tháp so với cả nước chiếm khoảng gần 40%.

Cá tra sống chủ yếu trong nước ngọt, có thể sống được ở vùng nước hơi lợ. Ngưỡng oxy của cá tra thấp, nhờ vậy có thể nuôi ở mật độ cao. Các mô hình nuôi cá tra gồm nuôi ao đất, nuôi lồng.

Giá cá tra hiện nay dao động từ 27.000-33.000 đồng/kg.

Cá rô phi

Các loài thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao
Nguồn: ST

Cá rô phi (Tilapia) là tên gọi chỉ chung cho các loài cá nước ngọt phổ biến, có nguồn gốc từ châu Phi, gồm nhiều chủng, thuộc họ Cichlidae. Cá được nuôi ở hầu hết các tỉnh thành của nước ta.

Các loài được nuôi phổ biến là cá rô phi vằn, rô phi xanh, rô phi đỏ và rô phi đen, trong đó phổ biến nhất là cá rô phi vằn. Những năm gần đây, dòng rô phi đơn tính đang được nuôi rộng rãi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cá rô phi là loài cá dễ nuôi, có khả năng thích nghi tốt với nhiều môi trường nuôi khác nhau, có thể nuôi cá rô phi trong ao hồ, trong lồng bè trên sông, hồ chứa nước, là loài ăn tạp. Cá rô phi có thể nuôi đơn hay nuôi ghép với các loài cá nuôi khác.

Cá rô phi có thịt thơm ngon, giá trị thương phẩm cao. Cá sinh trưởng nhanh, rất ít khi bị bệnh, thức ăn cho cá cũng có giá thành thấp, có thể dễ dàng nuôi cá ở nhiều mô hình khác nhau.

Cá rô phi thương phẩm có giá dao động từ 30.000-35.000 đồng/kg.

Thu Hiền (Tổng hợp)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận