Thứ Sáu, 26/05/2023, 11:00

Hành trình ACIAR 30 năm: 243 dự án nghiên cứu nông nghiệp năng suất, bền vững tại Việt Nam

(Aquaculture.vn) Suốt 30 năm hoạt động tại Việt Nam (1993-2023), với sứ mệnh hỗ trợ các quốc gia đối tác xây dựng hệ thống nông nghiệp năng suất, bền vững và có khả năng thích ứng, Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) đã và đang triển khai 243 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ là 157,5 AUD.

Trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 30 năm hoạt động tại Việt Nam, ngày 20/5, tại Nha Trang, ACIAR đã tổ chức buổi hội thảo gặp gỡ các đối tác và chia sẻ về các dự án do ACIAR hỗ trợ. Hội thảo có sự góp mặt của các đối tác nghiên cứu, khách mời đã hợp tác với ACIAR trong thời gian vừa qua.

Hội thảo đã giới thiệu về hành trình 30 năm tại Việt Nam của ACIAR và những chương trình, dự án cho giai đoạn tiếp theo.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Giải quyết những thách thức mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt

Trong suốt những năm qua, các quan hệ đối tác chiến lược ACIAR – Việt Nam hướng đến giải quyết những thách thức mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt thông qua nâng cao năng suất, giảm nghèo và quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn.

Hiện nay, ACIAR đang ưu tiên các dự án đồng đầu tư và có sự tham gia của khu vực tư nhân thông qua các hệ thống kinh doanh nông nghiệp bao trùm.

Mục tiêu của ACIAR là tập trung đầu tư cho các dự án nghiên cứu nông nghiệp tại 3 vùng chính là Tây Bắc, Tây Nguyên và ĐBSCL. Các dự án hướng tới việc giúp giải quyết những thách thức mà người nông dân đang phải đối mặt. Năm 2023, ACIAR dự kiến sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác với Bộ NN&PTNT, tập trung vào lý do và cách thức phối hợp để tăng cường lợi ích chung và khả năng cùng đầu tư vào các dự án nghiên cứu mới.

Theo đánh giá của TS Nguyễn Văn Bộ, thành viên Hội đồng Cố vấn Chính sách của Australia về nông nghiệp quốc tế (PAC), một trong những thành công từ các dự án ACIAR là thông qua khoa học công nghệ, tăng cường khả năng trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Australia. ACIAR đã góp phần đưa những công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. Không chỉ hợp tác phát triển về vấn đề công nghệ, ACIAR còn quan tâm hỗ trợ các vấn đề liên quan tới chính sách như chính sách thị trường, chính sách về chuỗi giá trị, chính sách đất đai… Đặc biệt, ACIAR dành nhiều sự quan tâm hỗ trợ tới vấn đề phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam.

“Đã có 120 người chính thức được đào tạo nâng cao sau đại học, nhận học bổng từ ACIAR để du học tại Australia trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trở thành những hạt nhân tiếp tục đóng góp phát triển tại Việt Nam. Những người tham gia dự án của ACIAR cũng đã được nâng cao về mặt phương pháp luận, tiếp cận với thế giới và có nhiều cơ hội nắm bắt những cơ hội mới. Đồng thời, những nhân sự tham gia dự án ACIAR đã trưởng thành rất nhiều về năng lực ngoại ngữ, đây là chìa khóa quan trọng để Việt Nam bước vào nền khoa học thế giới”, TS Bộ nhận định.

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, ông Trần Nam Anh, Phó trưởng Đại diện ACIAR Việt Nam cho biết, hiện tại, ACIAR đang thực hiện chiến lược hợp tác nghiên cứu 10 năm (2017 – 2027) với Việt Nam. Mục tiêu của chiến lược là nhằm tạo cơ hội cho người dân nghèo ở cả khu vực nông thôn và thành thị thông qua phát triển các hệ thống nông nghiệp toàn diện. Song song với đó, chiến lược cũng chú trọng đến việc tạo ra các cơ hội mới, tạo sự thay đổi dành cho phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh nông nghiệp.

Ông Trần Nam Anh, Phó trưởng Đại diện ACIAR Việt Nam
Ông Trần Nam Anh, Phó trưởng Đại diện ACIAR Việt Nam

Cũng tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), đánh giá cao những đóng góp từ dự án ACIAR mang lại đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Theo ông Ninh, những dự án do ACIAR tài trợ, từ vấn đề khoa học công nghệ đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã góp phần tạo ra những sản phẩm có giá trị như hiện nay để phục vụ cho xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

“Những dự án ACIAR hỗ trợ phần lớn tập trung vào việc tạo sinh kế cho người dân, tạo việc làm ổn định. Những đối tượng phục vụ phát triển của ACIAR đều hướng tới việc bảo vệ môi trường. Riêng lĩnh vực thủy sản, các dự án ACIAR tài trợ đã đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của người dân và được ứng dụng trong phát triển sản xuất”, ông Nguyễn Hữu Ninh cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT)
Ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT)

Từ những ứng dụng thực tiến cao mà dự án ACIAR mang lại, Bộ NN&PTNT đã triển khai một số dự án khuyến nông giúp nhân rộng và chuyển giao công nghệ đến các cơ sở sản xuất cũng như người dân nhằm ứng dụng vào sản xuất đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu từ dự án của ACIAR cũng được Bộ đánh giá là góp phần nâng cao năng lực, tạo nền tảng để Việt Nam mở ra những hướng nghiên cứu với các đối tượng mới.

Tạo sinh kế cho người nuôi trồng thủy sản vùng ven biển Việt Nam

Mới đây nhất, hai dự án thủy sản điển hình đã được ACIAR triển khai hiệu quả là dự án “Nâng cao kỹ năng chuyên môn hỗ trợ nuôi trồng hải sâm trong cộng đồng ở Việt Nam và Philippines” do TS. Nguyễn Đình Quang Duy – PGĐ Trung tâm Quốc gia Giống Hải sản miền Trung, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 phụ trách; và dự án Phát triển ngành nuôi trai lấy ngọc tại Tonga và Việt Nam do ThS. Phùng Bảy, Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 phụ trách.

Dự án của ACIAR đã hỗ trợ xây dựng thành công quy trình nuôi ghép hải sâm cát và ốc hương trong ao. Mô hình này không chỉ giúp nông dân có thêm sản phẩm thứ hai và nâng cao lợi nhuận mà còn giúp cải thiện chất lượng nước nuôi, giảm tác động tới môi trường.

Xây dựng được quy trình nuôi thương phẩm hải sâm bằng bổ sung nguồn thức ăn chế biến từ rong mơ, mùn bã hữu cơ từ các loài hải sâm nuôi ghép khác, làm cơ sở để tiếp tục cải thiện các biện pháp nuôi ao với hải sâm cát, tối ưu năng suất và giá trị của hải sâm nuôi với các đối tượng khác. Không chỉ quan tâm tới vấn đề nuôi, dự án đã giúp kết nối liên kết đầu ra giúp người nuôi yên tâm đầu tư nuôi trồng, bước đầu hình thành chuỗi giá trị sản xuất hải sâm cát bền vững tại Việt Nam.

Đối với dự án nuôi trai cấy ngọc, ACIAR đã hỗ trợ cải tiến phương pháp nuôi trồng nhằm hỗ trợ sự phát triển bền vững nghề nuôi trai. Khép kín vòng đời nuôi trai cấy ngọc từ khâu cho đẻ, ương nuôi, cấy ngọc, chế tác và tìm đầu ra cho sản phẩm. Dự án đã giúp tạo ra nghề mới, thu hút người dân ven biển Khánh Hòa tham gia sản xuất. Góp phần quảng bá sản phẩm ngọc trai ra các vùng miền cả nước và khách nước ngoài.

Sự thành công của hai dự án đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất, tạo sinh kế trực tiếp cho những người nông dân ven biển, đưa ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam phát triển theo hướng bền vững.

Đánh giá về kết quả của 2 dự án mang lại, ông Nguyễn Hữu Ninh cho rằng, ngoài việc tăng cường năng lực sản xuất, những dự án này còn góp phần vào phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là việc hỗ trợ sinh kế cho những bà con nông dân ở khu vực khó khăn, khu vực ven biển. Đặc biệt, sự tham gia của nữ giới trong những dự án này đã góp phần tạo công ăn việc làm cho phụ nữ tại địa phương, giúp tạo sản phẩm nông nghiệp có giá trị cho ngành thủy sản nói riêng và cho ngành nông nghiệp nói chung.

Phạm Huệ

Trong thời gian qua, đối với ngành chăn nuôi ACIAR đã triển khai 4 dự án, gồm: Nghiên cứu tính trội của gen gà châu Á để nâng cao chất lượng gà, cải thiện đầu ra cho sinh kế ở Đông Nam Á; Các hệ thống sản xuất và tiếp thị dê ở Lào và Việt Nam; Chăn nuôi thâm canh bò thịt trong các hệ thống canh tác đất dốc vùng miền núi Tây Bắc Việt Nam; Hợp tác cấp cao về Quản trị thú y toàn cầu.

Đối với ngành thủy sản đã triển khai 4 dự án nghiên cứu trong chương trình ACIAR tại Việt Nam, bao gồm: Nâng cao kỹ năng chuyên môn hỗ trợ nuôi trồng hải sâm trong cộng đồng ở Việt Nam và Philippines; Kinh tế đại dương: Đánh giá tiềm năng kinh tế thông qua khả năng lưu trữ các bon trong ngành hàu; Hỗ trợ các nông hộ nuôi cá mú quy mô nhỏ nhằm cải thiện mô hình kinh doanh vừa và nhỏ thông qua hợp tác với các công ty thức ăn chăn nuôi để sản xuất thức ăn thương mại; Phát triển ngành nuôi trai lấy ngọc tại Tonga và Việt Nam.