Thứ Năm, 25/05/2023, 16:00

Phòng trị bệnh ngoại ký sinh trùng trên thủy sản nuôi

Trong nuôi trồng thủy sản, giai đoạn chuyển mùa từ mùa thu sang mùa đôngnhiệt độ môi trường thay đổi nhiệt độ giảm trong khoảng từ 20-280C là thời điểm thuận lợi cho mầm bệnh trên đối tượng thủy sản nuôi phát triển nhất là bệnh do ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn…

Phòng trị bệnh ngoại ký sinh trùng trên thủy sản nuôi

Các loài ký sinh trùng tồn tại với số lượng lớn ở hầu khắp các môi trường nước, ký sinh vào cơ thể động vật thủy sản và gây hại đến sức khỏe của đối tượng nuôi vì chúng sử dụng chất dinh dưỡng của chủ thể cũng như tạo ra các vết loét tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh khác có cơ hội xâm nhập gây bệnh cho thủy sản nuôi.

Bệnh ngoại ký sinh trùng là tất cả các loài ký sinh trùng thường bám vào phía ngoài cơ thể cá như mang, thân, đuôi và vây cá, hầu hết có thể được nhìn thấy bằng mắt thường. Một số loại ngoại ký trùng thường gặp như trùng mỏ neo, rận cá, giáp xác chân chèo, sán lá đơn chủ, trùng bánh xe, bào tử trùng, nấm thủy mi…

Nguyên nhân gây bệnh ngoại ký sinh trùng thường là do chất lượng môi trường nuôi ao nuôi không được đảm bảo; ao nuôi không được cải tạo tốt trước khi thả giống. Dẫn đến còn tiềm ẩn mầm bệnh dưới ao, chờ thời cơ thích hợp sẽ bám lên cơ thể cá và gây bệnh cho đàn cá nuôi.

Khi đối tượng nuôi nhiễm bệnh sẽ gây ra những tác hại như:

– Cá ngứa và chảy máu nơi bị ký sinh, tạo điều kiện cho mầm bệnh khác tấn công.

– Cản trở hô hấp, gây tắc nghẽn quá trình hô hấp

– Gây lở loét và nhiễm trùng trên cơ thể

– Cá bỏ ăn dẫn đến sức đề kháng yếu và làm chết cá

– Thường gây tỷ lệ chết cao ở giai đoạn nhỏ (giai đoạn hương và giống)

Có một nguyên tắc trong nuôi thủy sản đó chính là không để bệnh xảy ra rồi mới xử lý mà chủ động áp dụng một số biện pháp phòng bệnh để hạn chế tối đa sự xuất hiện của mầm bệnh.

Một số biện pháp phòng trị bệnh như sau:

– Trước khi thả, nên cải tạo ao thật tốt: Sau khi hút bùn đáy, sử dụng vôi 10-15kg/100m2 rải đều đáy ao và phơi nắng 7-10 ngày để tiêu diệt mầm bệnh.

Nếu có điều kiện xây dựng các ao lắng, hệ thống lọc để hạn chế tối đa mầm bệnh.

– Kiểm tra cá giống thật kỹ:

Chỉ lựa chọn mua giống ở những nơi uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Kiểm tra hình thái bên ngoài bằng quan sát: vận động, mầu sắc, vây, vẩy, không có dấu hiệu bất thường.

– Chăm sóc quản lý trong quá trình nuôi:

Không thả với mật độ cao, thường xuyên bổ sung thuốc bổ, dinh dưỡng cho đối tượng nuôi để tăng sức đề kháng.

Thường xuyên kiểm tra các yếu tố chất lượng nước, định kỳ tháng 02 lần sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý môi trường nước.

Quan sát các hoạt động của đối tượng nuôi, bắt lên xem nếu có xuất hiện ký sinh trùng thì tiến hành trị bệnh kịp thời./.

Theo Phòng thủy sản
 Sở NN&PTNT Hải Dương