Thứ Tư, 7/06/2023, 11:00

Bình Định: Phát triển bền vững nghề khai thác cá ngừ đại dương

Sơ chế cá ngừ đại dương tại Công ty Bidifisco Bình Định

Bình Định hiện đang là tỉnh dẫn đầu về sản lượng khai thác cá ngừ đại dương trên cả nước, nhưng do công nghệ khai khác thô sơ và bảo quản vẫn còn thủ công nên chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu nguyên con hiện nay.

Cá ngừ đại dương là sản phẩm thủy sản chủ lực của tỉnh Bình Định”.Trong ảnh cá ngừ đại dương đang được bốc dỡ lên xe trung chuyển thu mua tại Cảng cá Tam Quan. Ảnh: CCTS
Cá ngừ đại dương là sản phẩm thủy sản chủ lực của tỉnh Bình Định”.Trong ảnh cá ngừ đại dương đang được bốc dỡ lên xe trung chuyển thu mua tại Cảng cá Tam Quan. Ảnh: CCTS

Ứng dụng khoa học, công nghệ trong khai thác thủy sản; Phát triển khai thác cá ngừ đại dương trở thành nghề khai thác chủ lực, nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm, đảm bảo sinh kế bền vững cho ngư dân là định hướng mà tỉnh đang đẩy mạnh hướng tới.

Cá ngừ đại dương, sản phẩm thủy sản chủ lực của tỉnh Bình Định

Bình Định là địa phương có sản lượng khai thác cá ngừ lớn nhất cả nước, với trung bình 12.000 tấn/năm.Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, đội tàu khai thác cá ngừ đại dương của Bình Định lớn với 1450 tàu trong tổng số 3.243 tàu khai thác xa bờ, sản lượng đánh bắt hằng năm chiếm hơn 50% sản lượng cá ngừ khai thác của cả nước. Tuy nhiên, một số hạn chế trong thiết bị, công nghệ khiến cá ngừ đại dương Bình Định chưa đạt chất lượng như mong muốn.

Hiện nay, phần lớn tàu câu cá ngừ đại dương ở tỉnh vẫn đánh bắt cá theo lối truyền thống, công nghệ khai thác, thiết bị bảo quản sau thu hoạch thô sơ khiến phẩm cấp cá ngừ đại dương đạt thấp, chưa tương xứng với giá trị thực. Hầu hết sản phẩm vẫn chỉ dừng lại ở bán đại trà, chưa hướng đến xuất khẩu cá tươi. Giá thu mua mỗi kg cá ngừ đại dương đạt tiêu chuẩn làm sashimi của Nhật Bản tối thiểu là 12 USD, cao nhất tới 35 USD.

Trong khi đó, ngư dân Bình Định bảo quản cá ngừ chưa đảm bảo, chất lượng giảm, chưa đủ tiêu chuẩn để chế biến sashimi nên bán ra thị trường chỉ có 4-5 USD/kg (khoảng 95.000-120.000VNĐ/kg). Hiện sản phẩm cá ngừ đại dương Bình Định chủ yếu xuất khẩu (dạng phi lê đông lạnh) sang các nước là EU, Mỹ, Trung Quốc… với giá thấp hơn nhiều so với xuất khẩu nguyên con sang Nhật Bản để chế biến sashimi.

Sản phẩm cá ngừ tươi CO được chế biến tại Công ty Bidifisco Bình Định
Sản phẩm cá ngừ tươi CO được chế biến tại Công ty Bidifisco Bình Định

Nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương, hướng đến tăng giá trị xuất khẩu

Nhằm nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương, hướng đến tăng giá trị xuất khẩu, tỉnh Bình Định đã quy hoạch phát triển ngành Thủy sản giai đoạn 2021-2025, trong đó cá ngừ đại dương trở thành đối tượng chủ lực, được hỗ trợ đầu tư để phát triển hơn. Bình Định đã đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, giảm khai thác ven bờ hủy hoại nguồn lợi thủy sản, trong đó chuyển đổi mạnh sang nghề lưới vây và câu để khai thác cá ngừ đại dương.

Trong khi nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt thì việc áp dụng khoa học công nghệ trong khai thác cá ngừ đại dương là giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu sức lao động cho ngư dân, đảm bảo an toàn lao động tàu cá và an sinh xã hội cho ngư dân, giúp ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

Bình Định đã triển khai đề án “Tổ chức khai thác, bảo quản, thu mua, xuất khẩu cá ngừ theo chuỗi” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ. Dựa trên nguyên lý cấu tạo, vận hành và cách thức tác động của bộ thu câu cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật, Chi hội điện cơ Hoài Nhơn đã phát triển bộ thiết bị gây tê đánh bắt cá ngừ đại dương và cung cấp cho hàng trăm ngư dân sử dụng có hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Nầy (trú phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn), chủ tàu cá BĐ-98686TS có chiều dài 16m đã áp dụng bộ thiết bị gây tê cá ngừ này được vài năm nay cho biết, việc câu cá ngừ theo truyền thống thì mất từ 20-30 phút mới đưa được cá lên tàu, trong khi câu cá ngừ bằng thiết bị gây tê chỉ mất chừng 10 phút. Thấy hiệu quả nên hiện nay bà con ngư dân chuyển sang làm nghề câu cá ngừ đại dương cũng khá nhiều. Tuy nhiên sản lượng đánh bắt ngày càng ít nên có khi thu không bù được phí tổn.

Sơ chế cá ngừ đại dương tại Công ty Bidifisco Bình Định
Sơ chế cá ngừ đại dương tại Công ty Bidifisco Bình Định

Đến nay, ngành Nông nghiệp đã triển khai thực hiện mô hình sử dụng Nano trong bảo quản cá ngừ làm cơ sở triển khai thực hiện Dự án chuỗi liên kết khai thác, tiêu thụ cá ngừ đại dương Bình Định và nhân rộng chuỗi liên kết cho tàu câu cá ngừ đại dương trong toàn tỉnh. Đồng thời, một đề tài nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy tạo xung trong xử lý cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản cũng đang được tiếp tục thực hiện thử nghiệm trên 1 tàu câu tại vùng biển Quy Nhơn.

Hoạt động của đề tài với mục đích giúp hoàn thiện thiết bị và chuyển giao cho ngư dân Bình Định sử dụng trong nghề câu cá ngừ đại dương, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, Bình Định đã tập trung khuyến khích các lực lượng đánh bắt xa bờ tổ chức hợp tác và hỗ trợ, phối hợp nhau trong khai thác trên biển.

Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 723 tổ đội đoàn kết với 2.878 tàu cá. Ngoài ra, đã thành lập được 1 Nghiệp đoàn nghề cá tại phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn với 141 tàu câu cá ngừ đại dương tham gia.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai thực hiện mô hình chuỗi liên kết khai thác, thu mua, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị cá ngừ đại dương, tăng thu nhập, hiệu quả sản xuất cho ngư dân và doanh nghiệp, trong đó đáng chú ý có chuỗi liên kết giữa Công ty Thịnh Hưng với 160 tàu làm nghề khai thác cá ngừ đại dương; chuỗi liên kết của Công ty Hồng Ngọc với hơn 100 tàu khai thác cá ngừ đại dương; chuỗi liên kết giữa Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định với ngư dân khai thác cá ngừ đại dương để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ.

Ái Trinh

Nguồn: tepbac.com