Thứ Hai, 20/03/2023, 17:04

99% mô hình nuôi biển tại Việt Nam là nhỏ lẻ, cần gỡ nút thắt về chính sách để nuôi công nghiệp

Có đến 99% mô hình nuôi biển tại Việt Nam là quy mô hộ gia đình, trong đó đa số có công nghệ lạc hậu, nhiều rủi ro cho ngư dân, nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ngành nuôi biển cần sớm chuyển sang nuôi công nghiệp để tăng sức cạnh tranh.

Tại hội thảo “Nghề nuôi biển: chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp” diễn ra sáng nay tại Bình Định do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Bình Định tổ chức, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp tiếp tục chỉ ra những thách thức với nghề nuôi biển tại Việt Nam, trong đó nổi bật là vấn đề chính sách.

Ông Trần Công Khôi, phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản – Tồng cục Thủy sản, trình bày tham luận tại hội thảo – Ảnh: Hữu Hạnh

99% nuôi biển là quy mô hộ gia đình

Ông Trần Văn Phúc, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết hiện nay nghề nuôi biển ở Bình Định chủ yếu là nuôi truyền thống, còn nuôi công nghiệp chỉ có 60ha.

“Bình Định là vùng biển hở, bị ảnh hưởng trực tiếp của gió bão nhưng chưa phát triển lồng nuôi HDPE có độ bền cao, chống chọi được với sóng to gió lớn. Người nuôi chủ yếu sử dụng thức ăn tươi sống để nuôi cá biển, chưa đảm bảo môi trường, thường bị ô nhiễm vùng nuôi”, ông Phúc nêu thực trạng.

Trong khi đó, ông Trần Công Khôi, phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho biết tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000ha với các đối tượng nuôi biển phong phú gồm các nhóm cá biển, nhóm nhuyễn thể, nhóm giáp xác, nhóm rong tảo biển. Năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu diện tích nuôi biển cả nước đạt 85.000ha, với 10 triệu m3 lồng nuôi, sản lượng ước đạt 850.000 tấn.

Theo ông Khôi, hiện có khoảng 7.400 cơ sở nuôi biển với 248.768 lồng/bè, trong đó 6.500 cơ sở gần bờ, còn nuôi xa bờ còn ít. Trong khi đó, các mô hình nuôi biển công nghiệp đòi hỏi vốn lớn nên hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp như Australis Việt Nam, Trấn Phú, Marvin, Trường Phát… đầu tư.

“Nuôi còn tự phát, thiếu quy hoạch, cơ sở hạ tầng hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất chưa cao nên sản xuất kém hiệu quả, ô nhiễm môi trường, thiếu bền vững, dịch bệnh, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, bão gió; công nghệ lồng nuôi chưa đáp ứng…” – ông Khôi nói.

Nói về thực trạng nuôi biển, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho biết 99% cơ sở nuôi biển là quy mô gia đình, do hộ ngư dân là chủ thể, tự phát, manh mún. Công nghệ lạc hậu và thiếu chuỗi liên kết. Hiện chưa có cơ sở nuôi cá biển xa bờ, có dưới 10 doanh nghiệp nuôi biển theo hướng công nghiệp.

Tích hợp nuôi biển với du lịch, điện gió

Về định hướng chuyển từ nuôi biển thủ công sang công nghiệp, ông Dũng cho biết xu hướng cần di chuyển từ vùng biển kín, ven bờ ra các vùng biển mở, xa bờ. Cần tích hợp nuôi biển với các ngành kinh tế biển khác như du lịch, dầu khí, nhựa, điện gió, vận tải biển…

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam – Ảnh: Hữu Hạnh

Ông Dũng cũng đề nghị trong thể chế phát triển nuôi biển công nghiệp phải thay đổi tư duy, coi doanh nghiệp là chủ thể, đồng thời phát triển công nghệ tiên tiến, kết hợp với phương thức tích hợp đa ngành.

“Luật thủy sản 2017 quy định thời hạn giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân nuôi trồng hải sản đến 30 năm, gia hạn đến 20 năm. Luật có rồi nhưng đến nay chưa được thực hiện. Các chính sách phát triển nuôi biển Việt Nam có gần như đầy đủ nhưng chưa được thực thi đồng bộ ở các địa phương” – ông Dũng nói.

TS Võ Sĩ Tuấn, thành viên Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ Việt Nam, nguyên viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho rằng thời gian qua nghề nuôi biển đã đem lại nguồn thu cho ngư dân nhưng đã đến ngưỡng và không thể tăng được nữa với cách làm cũ, phải chuyển đổi.

“Nuôi biển truyền thống thường nhỏ lẻ, manh mún, không theo quy hoạch, các bè gỗ nguy hiểm, ô nhiễm môi trường rủi ro. Như Phú Yên, chỉ một đêm ngư dân mất 70 tỉ đồng do thiếu nguồn oxy. Chính vì thế, giải pháp là phải thay đổi kỹ thuật, công nghệ nuôi”, ông Tuấn nói.

Nhưng ông Tuấn cũng lưu ý rằng chuyển đổi ở đây không phải là loại bỏ hoàn toàn nuôi truyền thống mà là thay đổi kỹ thuật, công nghệ nuôi hiện đại hơn. Công nghệ đã có nhưng chuyển giao chưa tốt, chưa mở rộng được vì thiếu chính sách.

“Và về lâu dài, phải phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật để xây dựng cơ chế vay vốn, làm bảo hiểm cho ngư dân, doanh nghiệp”, ông Tuấn đề nghị.

Gỡ nút thắt chính sách

Theo ông Trần Văn Phúc – giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, mục tiêu của địa phương là phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển. Theo đó, sẽ chuyển từ nuôi biển truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

“Tới đây, tỉnh sẽ tổ chức sản xuất nuôi biển xa kết hợp với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo. Chuyển đổi từ thức ăn tươi sống sang thức ăn công nghiệp phù hợp với đối tượng nuôi, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh. Tỉnh cũng sẽ kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực và công nghệ hiện đại đầu tư phát triển nuôi biển hở ứng dụng công nghệ cao tại tại Bình Định”, ông Phúc thông tin.

Tổng cục Thủy sản cho biết đang tập trung xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển và tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Luật thủy sản 2017 và các quy định hiện hành.

Trong đó, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất. Tổ chức lại các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã.

Chí Tuệ

tuoitre.vn

Nhiều giải pháp cho phát triển nghề nuôi biển công nghiệp

Để đạt mục tiêu đề ra, ngành thủy sản tập trung vào các giải pháp gồm đẩy mạnh sản xuất tiêu thụ thức ăn công nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Phát triển công nghệ nuôi, bảo quản sau thu hoạch, chế biến, công nghệ sinh học và khuyến ngư. Tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo vệ an toàn cho lồng bè, lao động…

Đối với phát triển công nghiệp phụ trợ và dịch vụ là các chính sách liên kết với công nghiệp đóng tàu, dầu khí, hóa chất và cơ khí chế tạo để phát triển, hoàn thiện công nghệ sản xuất lồng, bè.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận