Tăng cường đổi mới khoa học công nghệ (KHCN) là một bước đi cần thiết để củng cố sự vững chắc của của ngành cá tra Việt Nam, tạo lập được một lợi thế bền vững trong cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Lập kỳ tích năm 2022
Cá tra là đối tượng nuôi chủ lực tại các tỉnh ĐBSCL như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long… Diện tích nuôi hàng năm khoảng 5.500 – 6.000 ha, với sản lượng thu hoạch khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Cá tra có nhiều lợi thế trong chế biến xuất khẩu với đặc điểm thịt mềm, giàu dinh dưỡng, chế biến được nhiều món ăn và giá bán rất cạnh tranh. Vì vậy, cá tra được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng và xem là một trong những loài cá thành công nhất về mặt thương mại của Việt Nam.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022, cá tra Việt Nam đã chinh phục hơn 140 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường truyền thống và khắt khe như Mỹ, EU và cả những thị trường vốn không ưa chuộng cá nuôi như Nhật Bản. Với kim ngạch xuất khẩu 1,5 – 2,4 tỷ USD/năm, riêng con cá tra đã chiếm 16 – 26% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Năm 2022, xuất khẩu cá tra mang về 2,4 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, vượt cả năm đỉnh trước đó là năm 2018 (2,26 tỷ USD), tăng trưởng cao nhất trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu.
Mục tiêu năm 2023, ngành cá tra dự kiến thả nuôi 5.600 ha; sản lượng cá tra thương phẩm dự kiến đạt 1,6 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2,3 tỷ USD.
Cần tăng tốc về công nghệ
Việc ứng dụng KHCH của ngành cá tra đã từng bước khẳng định được vai trò quan trọng là đòn bẩy, là động lực thúc đẩy, là chìa khóa giúp ngành vững bước phát triển và vươn xa trong thời gian qua. Vai trò của KHCH đã thể hiện ở nhiều góc độ như: (1) KHCH tác động tích cực vào tăng năng suất, quản lý hiệu quả bệnh, dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. (2) KHCH đã góp một phần không nhỏ, giúp duy trì ổn định việc nuôi trồng, chế biến cá tra, cung cấp nguồn thực phẩm có chất lượng cho thế giới và trong nước. (3) KHCH góp phần gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đóng góp rất lớn cho sự phát triển công nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu của Việt Nam nói chung và các sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra nói riêng; với kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 1,5 – 2 tỷ USD, đã tạo ra nhiều mặt hàng mới, làm thay đổi cơ cấu sản phẩm cá tra từ những mặt hàng sản phẩm sơ chế, đến nay đã rất phong phú, đa dạng, giá trị gia tăng ngày càng cao.
Đại điện lãnh đạo Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho rằng “Nhìn chung sự phát triển của ngành cá tra Việt Nam hiện nay có nhiều yếu tố tác động thuận lợi, điều này tạo nên một năng lực cạnh tranh mạnh cho sản phẩm cá tra. Tuy nhiên, các yếu tố tạo nên năng lực cạnh tranh của sản phẩm cá tra Việt Nam hiện vẫn còn thiếu tính bền vững, không ổn định.
Thêm vào đó, sự phát triển của ngành cá tra còn phụ thuộc nhiều vào các thị trường nhập khẩu, với những đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn đối với những yêu cầu cạnh tranh ngoài giá. Do đó, tăng cường đổi mới KHCN cũng là một bước đi cần thiết để củng cố sự vững chắc của của ngành cá tra Việt Nam, tạo lập được một lợi thế bền vững trong cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường thế giới”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để cá tra “vươn ra biển lớn”, cần các giải pháp phát triển cho ngành hàng này như: Đẩy mạnh liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra giữa nông dân và doanh nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến cá tra; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ; dự báo tình hình cung – cầu và đa dạng hóa sản phẩm theo hướng tuần hoàn để gia tăng giá trị. Đặc biệt, phải tập trung nâng cao chất lượng con giống; chất lượng di truyền về một số tính trạng về kháng bệnh, tỷ lệ fillet, chịu mặn… và việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm của sản phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…
Lãnh đạo Sở NN&PTNT Đồng Tháp nhấn mạnh, để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm cá tra, mỗi doanh nghiệp cần nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chọn, lai tạo con giống mới, cải tiến phương thức sản xuất, chế biến để làm tăng dần hàm lượng KHCN trong sản phẩm cá tra, góp phần thúc đẩy ngành hàng cá tra nước ta phát triển. Cụ thể: (1) Tăng cường đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị công nghệ từ nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu, qua đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. (2) Chú trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị, đồng bộ hóa và tự động hóa dây chuyền chế biến, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. (3) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển, đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm chế biến, chú trọng phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu của khách hàng và tạo ra sự phong phú về sản phẩm. (4) Tăng cường vai trò của Nhà nước, hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ trang bị của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến thủy sản, phát triển kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến phụ phẩm thủy sản, tăng tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng. Khuyến khích thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm có giá trị kinh tế từ phụ phẩm thủy sản như nguyên liệu làm thức ăn bổ sung trong chăn nuôi, phân bón, tách chiết các hợp chất có hoạt chất sinh học cao sử dụng trong dược phẩm hóa chất. Ưu tiên thực hiện phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng cao có nguồn gốc từ nguyên liệu, phụ phẩm thủy sản phục vụ ngành thực phẩm, hóa dược.
Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm và cho rằng, việc ứng dụng KHCN trong ngành cá tra đã được áp dụng từ khâu sản xuất giống, sản xuất thức ăn thủy sản, quy trình nuôi, quan trắc môi trường, chế biến và quản lý… ; tuy nhiên, ứng dụng chưa chuyên sâu, đồng bộ, khiến năng lực cạnh tranh của sản phẩm cá tra hiện còn thiếu tính bền vững, không ổn định. Do đó cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn người nuôi áp dụng các quy trình nuôi cá tra an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh như: VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP; mỗi doanh nghiệp cần nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chọn, lai tạo con giống mới…
Hải Đăng
Nguồn: Tổng cục thủy sản