Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 6/2023 chỉ đạt gần 65 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 382 triệu USD, giảm 31% so với quý 1/2022.
XK các sản phẩm cá ngừ tươi, đông lạnh và khô có giá trị cao vẫn thấp hơn so với cùng kỳ. Giá trị XK nhóm sản phẩm này giảm 46% so với cùng kỳ. Trong khi đó, XK các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp tăng. Giá trị XK các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp trong 6 tháng đầu năm đạt gần 175 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu là do giá tăng.
Về thị trường, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Canada.. vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Trong khi đó, XK sang EU, Mexico, Israel và Thái Lan đang ghi nhận sự tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ tiếp tục giảm
Xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ tiếp tục giảm trong tháng 6/2023, chỉ đạt gần 26 triệu USD, giảm 48% so với cùng kỳ. Do đó, tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, giá trị XK cá ngừ sang Mỹ chỉ bằng một nửa cùng kỳ năm trước, đạt 143 triệu USD.
Người Mỹ đang lựa chọn cá ngừ đóng hộp phù hợp với ví tiền trong bối cảnh lạm phát khó khăn. Hiện tại, Lượng cá ngừ tồn kho tại Mỹ đã bắt đầu vơi bớt, các nhà NK đang xem xét việc tăng NK trở lại. Tuy nhiên, hiện giá cá ngừ tại Nam Mỹ đang thấp hơn tại khu vực Châu Á, điều này đang làm gia tăng cạnh tranh tại thị trường này.
Xuất khẩu sang EU tăng liên tiếp trong 2 tháng qua
Sau khi tăng trưởng trong tháng 5/2023, XK cá ngừ sang EU tiếp tục tăng trưởng về giá trị trong tháng 6, tăng 28% đạt hơn 12 triệu USD. Nhờ đó mà tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch XK cá ngừ sang EU ở mức tương đương so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý tại khối thị trường này là XK sang Hà Lan liên tục tăng trưởng “phi mã” trong 2 tháng gần đây ở mức 3 con số. Cùng với Hà Lan, XK cá ngừ sang Đức cũng vẫn đang duy trì sự tăng trưởng tốt, với mức tăng 30% trong tháng 6. Trong khi đó, XK sang Bỉ vẫn thấp hơn so với cùng kỳ.
Chiến tranh Nga-Ukraine, người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm, vật giá tăng, xăng dầu tăng, đồng EUR mất giá là những nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ tại thị trường này chậm. Nhưng ưu đãi về thuế quan đang là lợi thế thúc đẩy các nhà NK EU tìm kiếm các đơn hàng từ Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại hạn ngạch NK cá ngừ đóng hộp, loin cá ngừ hấp đông lạnh đang được sử dụng gần hết. Do đó, XK cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường sẽ chậm lại.
XK sang khối CPTPP không khả quan
XK cá ngừ sang 2 thị trường NK lớn nhất khối là Nhật Bản và Canada tiếp tục sụt giảm trong tháng 6. Trong khi đó, XK sang Mexico và Chile lại tăng trưởng cao.
Tại Nhật Bản, sau khi tăng trưởng trong quý 1/2023, XK cá ngừ sang thị trường này giảm liên tục trong quý 2. Riêng trong tháng 6, XK sang thị trường này giảm gần 31%, đạt hơn 3 triệu USD. Do đó, tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 kim ngạch XK sang Nhật Bản giảm 10%, đạt gần 17 triệu USD. Sự mất giá của đồng yên đang khiến việc tiêu thụ các sản phẩm thủy sản, trong đó có cá ngừ, bị kìm hãm.
Cùng với Nhật Bản, XK cá ngừ sang Canada cũng đang ảm đạm. XK sang thị trường này giảm sâu liên tục. Tính riêng trong tháng 6, XK cá ngừ sang đây giảm tới 54%.
Trong bối cảnh đó, XK cá ngừ sang Mexico và Chile lại tăng mạnh lần lượt là 100% và 90%.
Cùng với Mexico và Chile, XK cá ngừ của Việt Nam sang Israel và Thái Lan cũng đang tăng cao ở mức 164% và 65%.
Nguyễn Hà
Nguồn: www.vasep.com.vn