7 tháng đầu năm nay, NK tôm vào Mỹ từ Ấn Độ và Ecuador đều tăng mạnh. Thị phần của hai nguồn cung này trên thị trường Mỹ cũng tăng. Cũng phải chịu những tác động nặng nề do Covid-19 gây ra, tuy nhiên Ấn Độ và Ecuador vẫn nỗ lực để tăng trưởng ổn định và lâu dài sang Mỹ. Tôm Việt Nam sẽ ngày càng phải chịu áp lực cạnh tranh mạnh hơn với hai nguồn cung đối thủ này trên thị trường Mỹ.
Tháng 5/2021, NK tôm của Mỹ cao thứ hai trong kỷ lục, với tổng cộng 177,084 triệu pound tăng 112,4% so với 83,357 triệu pound của cùng kỳ năm ngoái. NK từ Ấn Độ tăng 271,8% so với tháng 5/2020 tương đương 70,48 triệu pound, Ecuador tăng 191,9%, tương đương 37,14 triệu pound, Việt Nam tăng 85,5%, tương đương 13,56 triệu pound.
Tháng 6/2021, Ecuador XK 49,7 triệu pound (22.548 tấn) tôm sang Mỹ, trong khi Ấn Độ xuất 56,2 triệu pound (25.509 tấn). Tổng sản lượng của hai quốc gia tăng lần lượt là 109,8% và 115,8% so với tháng 6/2020.
6 tháng đầu năm 2021, Ecuador XK 199 triệu pound (90.270 tấn) tôm sang Mỹ, tăng 86,2% so với 106,8 triệu pound (48.456 tấn) cùng kỳ năm ngoái. Trong cả năm 2020, Ecuador đã xuất 277,4 triệu pound (125.818 tấn) tôm sang Mỹ, nghĩa là nước này đang trên đà tăng tổng XK tôm vào Mỹ cao nhất từ trước đến nay.
Ấn Độ với 315,6 triệu pound (143.143 tấn) tôm XK sang Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2021, cũng đang trên đà vượt qua tổng XK năm 2020 của nước này sang Mỹ là 599,3 triệu pound (271.831 tấn). Ấn Độ XK 246 triệu pound (111.604 tấn) tôm trong 6 tháng đầu năm 2020 trước khi đạt mức tăng đột biến vào nửa cuối năm 2020.
Việt Nam đã tăng XK tôm sang Mỹ lên 16,4 triệu pound (7.452 tấn), tăng từ 12,3 triệu pound (6.151 tấn) vào tháng 5/2021 và tăng so với 10,7 triệu pound (4.864 tấn) vào tháng 6/2020.
Tháng 7/2021, NK tôm của Mỹ đạt 167,791 triệu pound, tăng 11,7% so với tháng 7/2020. 7 tháng đầu năm nay, NK đạt 1,055 tỷ pound. NK từ Ấn Độ tăng 24,6%, Ecuador (+ 24,9%) và Việt Nam (+ 39,6%).
7 tháng đầu năm nay, thị phần của Ấn Độ chiếm 36% tổng khối lượng NK tôm của Mỹ (ổn định so với cùng kỳ), Ecuador chiếm 22% thị phần (tăng từ 17% của cùng kỳ năm ngoái), Việt Nam chiếm 9% (từ 7% của cùng kỳ năm ngoái).
7 tháng đầu năm nay, tôm thịt đông lạnh (HS 0306170040) là sản phẩm tôm chính NK vào Mỹ, chiếm 37% tổng khối lượng NK tôm của Mỹ, tăng 16% về lượng và 14% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Ấn Độ là nhà cung cấp lớn nhất sản phẩm này, tăng 16% về lượng và 14% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Ecuador đứng thứ 3 tăng 75% về lượng và 95% về giá trị. Việt Nam đứng thứ 4, tăng 7% về lượng giảm 9% về giá trị.
XK tôm Ecuador sang Trung Quốc gặp trở ngại từ tháng 7/2020 do Trung Quốc đình chỉ NK từ một số công ty chế biến tôm lớn của Ecuador và luôn duy trì các biện pháp kiểm tra vệ sinh nghiêm ngặt để phòng chống Covid-19. Ấn Độ cũng gặp phải một số trở ngại khi các container từ Ấn Độ bị từ chối tại biên giới Trung Quốc. Do vậy, 2 nguồn cung này tập trung nhiều cho thị trường Mỹ. Nên NK tôm vào Mỹ từ 2 nguồn cung này sẽ còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm.
Ecuador với lợi thế vị trí địa lý gần với Mỹ, vận chuyển dễ dàng và đang nỗ lực nâng cao trình độ chế biến. Trước đây, Ecuador chỉ bán tôm nguyên con vì không có lao động chế biến, nay Ecuador tăng cường nhập lao động nữ từ các nước lân cận để nâng cao trình độ chế biến.
Ấn Độ giữa tháng 9 năm nay đang tăng thả nuôi trở lại khi giá tôm nguyên liệu tăng và số ca nhiễm Covid có dấu hiệu giảm, Ecuador trỗi dậy tập trung cho thị trường này. Cả hai nguồn cung này đều có chiến lược bài bản để gia tăng thị phần trên thị trường Mỹ. Trong khi, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức về logistics, giá cả thuê container tăng liên tục, thiếu container và thời gian vận chuyển dài hơn. Tuy nhiên, Ecuador chỉ giỏi về chế biến tôm bóc vỏ trong khi Việt Nam có lợi thế hơn về chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, tôm hấp, bóc vỏ rút chỉ lưng phục vụ phân khúc bán lẻ.
Nhu cầu NK tôm từ thị trường Mỹ từ nay đến cuối năm vẫn rất lớn để đáp ứng nhu cầu nội địa phục vụ các dịp lễ cuối năm. Tồn kho đang thấp, các nhà nhập khẩu Mỹ đang cạnh tranh mua vào để đảm bảo nguồn cung sản phẩm. Các nhà bán lẻ cũng đang cố gắng đảm bảo nguồn cung trên thị trường Mỹ đến quý I/2022.
Để bù lại những gián đoạn trong sản xuất do giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid trong thời gian qua, ngành tôm cần khẩn trương ổn định lại sản xuất. Để đảm bảo khôi phục sản xuất, DN rất cần tiêm đầy đủ vaccine cho toàn bộ công nhân, giao thông đi lại trong nước được thông suốt và các chính sách hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cụ thể như điện, lãi suất ngân hàng, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn…
giao thông đi lại trong nước được thông suốt và các chính sách hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cụ thể như điện, lãi suất ngân hàng, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn…