(Aquaculture.vn) – Đây là lần đầu tiên trên thế giới cá ngừ vây xanh được nuôi nhân tạo thành công tại cơ sở trên đất liền. Bước đột phá này sẽ mang lại ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tính bền vững, nghiên cứu khoa học và cân bằng sinh thái của nghề khai thác cá ngừ vây xanh.
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Hàng hải Tây Ban Nha đã công bố một bước đột phá lớn và thành công trong việc nhân giống nhân tạo cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương. Điều này cũng có nghĩa là nguồn cung trứng cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương không còn phụ thuộc vào mùa sinh sản tự nhiên.
Có ba thành viên trong họ cá ngừ vây xanh: cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương, cá ngừ vây xanh phía Nam và cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương. Trong đó, các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc nhân giống nhân tạo cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương và cá ngừ vây xanh phía Nam.
Bước đầu nghiên cứu
Cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương từ lâu đã được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ thịt mềm và hương vị tuyệt vời. Tuy nhiên, việc đánh bắt quá mức đã khiến quần thể cá ngừ vây xanh giảm mạnh 80% ở một số khu vực.
Để duy trì tính bền vững của nghề khai thác cá ngừ, năm 2015, Trung tâm nghiên cứu Hàng hải Tây Ban Nha đã hợp tác với doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản địa phương Mazarrón để thực hiện nghiên cứu về nuôi cá ngừ trên đất liền.
Trong giai đoạn đầu của thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã sử dụng trứng cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương được thu thập từ các trang trại ngoài khơi để nghiên cứu. Tuy nhiên, điều kiện biển kém, điều kiện môi trường và sự hiện diện của động vật săn mồi ở biển cản trở nghiêm trọng việc thu thập trứng cá. Vì vậy, trung tâm nghiên cứu đã phải xây dựng cơ sở chăn nuôi quy mô lớn để theo dõi tình hình sinh sản của cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương và dễ dàng thu thập trứng cá.
Quá trình nhân giống nhân tạo
Để giám sát cá ngừ ở cự ly gần trong thời gian dài, cơ sở chăn nuôi có 4 ao nuôi nước tuần hoàn với tổng sức chứa 7 triệu lít nước biển, ao nuôi lớn nhất có đường kính 22m, độ sâu 10m.
Trang trại nuôi 2 loài cá ngừ vây xanh: 25 con cá ngừ vây xanh sinh năm 2017 và 8 con cá ngừ vây xanh sinh năm 2018.
Bằng cách cấy hormone tổng hợp vào cá cái, chúng được kích thích sinh sản và thụ tinh. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã thu hoạch thành công hàng trăm nghìn quả trứng được thụ tinh trong vòng 48 giờ và gần 3 triệu quả trứng trong vòng 72 giờ.
Thông thường, mùa sinh sản tự nhiên của cá ngừ là từ tháng 6 đến tháng 7, kéo dài khoảng 45 ngày. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu khoa học đã thành công trong việc kéo dài thời gian sinh sản lên 60 ngày hoặc lâu hơn bằng cách kiểm soát các yếu tố sinh sản tự nhiên như nhiệt độ nước và ánh sáng.
Hướng tới quy mô nuôi thương mại
Việc nhân giống thành công cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương đã truyền cảm hứng cho nhiều công ty thử nuôi cá ngừ trên đất liền. Hiện nay, hai công ty nuôi trồng thủy sản là Nortuna của Na Uy và Next Tuna của Đức đã ký hợp đồng với trung tâm nghiên cứu.
Next Tuna cho biết công ty hiện đang xây dựng trang trại nuôi cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương thương mại quy mô lớn đầu tiên trên thế giới. Trang trại sẽ được sử dụng để nuôi cá ngừ đến trọng lượng 10kg. Để duy trì nuôi mật độ thấp, dưới 10 kg/m3.
Kế hoạch sản xuất sẽ bắt đầu vào năm 2024 và tăng dần, dự kiến sẽ đạt hết công suất vào năm 2028.
Tố Uyên