Nguồn cung tôm nuôi trên toàn thế giới vẫn ổn định trong nửa đầu năm 2021, nhu cầu tôm ở Trung Quốc giảm, nhưng tăng mạnh ở thị trường các nước phương Tây.
6 tháng đầu năm 2021, nhờ sản xuất ổn định và các cơ sở chế biến xuất khẩu cũng đã cải thiện, Ecuador đã tăng cường thương mại sang các thị trường truyền thống và mới nổi. Trái lại, ngành công nghiệp ở Ấn Độ tiếp tục phải hứng chịu cuộc khủng hoảng COVID-19 ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng tôm của quốc gia này. Trong khi đó, Việt Nam và Indonesia đã cải thiện xuất khẩu nhờ nguồn cung ổn định và các sản phẩm giá trị gia tăng.
Sản lượng tôm nuôi đã đủ đáp ứng nhu cầu toàn cầu trong nửa đầu năm 2021. Với nguồn cung ổn định, Ecuador vẫn là nhà sản xuất tôm nuôi hàng đầu. Indonesia và Việt Nam cũng báo cáo sản lượng tăng phản ánh qua kết quả xuất khẩu của giai đoạn này. Ấn Độ báo cáo sản xuất được cải thiện trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4, mặc dù ngành công nghiệp này tiếp tục vật lộn với cuộc khủng hoảng đại dịch. Sang tháng 5, đã có những vụ thu hoạch khẩn cấp ở khu vực phía Nam sau những lo ngại về sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng liên quan đến sự bùng phát của đại dịch nghiêm trọng.
Ngoài ra, cơn bão Yaas cũng đã phá hủy vụ đầu khu vực phía Đông (thuộc Tây Bengal). Nông dân Ấn Độ có xu hướng sản xuất tôm cỡ lớn trong khi yêu cầu của thị trường, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc thì lại yêu cầu tôm cỡ trung bình, điều này đã gây mất cân đối trong chế biến xuất khẩu. Ngành công nghiệp tôm cũng bị ảnh hưởng do mất lực lượng lao động qua đào tạo (trong lĩnh vực công nghiệp chế biến) có liên quan đến thương vong/ tử vong do đại dịch COVID-19. Ở Argentina, nghề đánh bắt tôm ở phía Bắc vĩ tuyến 41 đã bắt đầu triển khai từ giữa tháng 4 với sản lượng khai thác tốt và duy trì đến tháng 6, đặc biệt đối với cỡ tôm 20/30 và 30/40. Tại Vịnh Mexico của Hoa Kỳ, các chuyến cập cảng vẫn có sản lượng thấp trong quãng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2021.
Thương mại quốc tế
Xuất khẩu
Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2021, các nhà xuất khẩu hàng đầu gồm có Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan và Argentina. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu từ tất cả các quốc gia này đều tăng (trừ Thái Lan). Ecuador tiếp tục là nước xuất khẩu hàng đầu nhờ tăng sản lượng giá trị gia tăng và đa dạng hóa thị trường được hỗ trợ bởi việc đầu tư thiết bị mới và tăng năng lực sản xuất.
Tuy nhiên, xuất khẩu từ Ecuador đã giảm 38% sang thị trường hàng đầu là Trung Quốc, nguyên nhân có thể do Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu từ các công ty tôm của Ecuador. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Ecuador và chiếm 23% thị phần trong tổng kim ngạch xuất khẩu so với 15,4% của năm trước. Đã có mức tăng hai con số ở nhiều thị trường xuất khẩu của châu Âu, Trung Đông và Đông Á (trừ Trung Quốc) trong 3 tháng đầu năm. Dữ liệu chính thức từ Ấn Độ cũng cho thấy xuất khẩu tăng trong giai đoạn này. Tuy nhiên, xuất khẩu giảm sang ba thị trường hàng đầu là Hoa Kỳ (-2%), Liên minh Châu Âu (-5,5%) và Trung Quốc (-30%).
Xuất khẩu cũng tăng từ Việt Nam và Indonesia thông qua việc cải thiện doanh số bán các sản phẩm sơ chế và chế biến. Các ngành xuất khẩu ở châu Á đang phải đối mặt với tình trạng thiếu container lạnh trầm trọng sau các thủ tục kiểm tra sức khỏe kéo dài ở các nước nhập khẩu, đặc biệt là ở Trung Quốc. Tại châu Á, tình trạng thiếu container đã khiến giá cước vận chuyển tăng gần 1000%, đặc biệt đối với các chuyến hàng liên lục địa. Xuất khẩu tôm từ Argentina tăng. Giá vẫn ở mức cao mặc dù sản lượng khai thác tốt, được hỗ trợ bởi nhu cầu cao từ thị trường châu Âu và Nhật Bản. Đối với một số kích cỡ (lớn và nhỏ), giá thậm chí cũng tăng lên.
Nhập khẩu
Với dự đoán về sự mở cửa trở lại của lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ăn uống (HORECA), nhu cầu vẫn tích cực ở Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ và một số thị trường phương Tây khác. Tuy nhiên, nhập khẩu chậm lại tại thị trường lớn Trung Quốc. Nhập khẩu cũng giảm ở Nhật Bản và ở Đài Loan (Trung Quốc) so với năm 2020. Nhập khẩu tăng ở Hong Kong, Macao, Malaysia, Singapore, Australia và New Zealand. Nhu cầu vẫn yếu ở các thị trường Trung Đông của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ả Rập Xê-út và các thị trường nhỏ khác trong khu vực Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council).
Liên minh Châu Âu
Kể từ đầu năm 2021, các thị trường châu Âu đã có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ khi việc tiêm chủng được triển khai và các nhà hàng đã mở cửa trở lại. Nhập khẩu tôm của Liên minh Châu Âu đạt tổng cộng 180.700 tấn (+5,6%) trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2021. Phần lớn (80%) có nguồn gốc từ các nước ngoài EU. Các nhà cung cấp hàng đầu là Ecuador, Ấn Độ, Greenland, Argentina và Việt Nam . Nhập khẩu tăng ở các thị trường hàng đầu là Tây Ban Nha (35.450 tấn; +4,6%), Pháp (26.930 tấn; +9,90%), Đan Mạch (25.350 tấn; +18%), Hà Lan (21.720 tấn, +21,6%) ) nhưng giảm nhẹ ở Đức (17.050 tấn; -0,23%).
Về thương mại ngoài EU: Bên ngoài khu vực EU, Liên bang Nga nổi lên là thị trường dẫn đầu trong quý đầu tiên của năm 2021 (21.200 tấn; +70%), tiếp theo là Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, nơi nhập khẩu giảm xuống còn 15.300 tấn so với 17 600 tấn của năm trước. Trong giai đoạn này, nhập khẩu cũng tăng ở Ukraine (4.400 tấn; +94%), Na Uy (3.510 tấn; +13%) và Thụy Sĩ (1.770 tấn; +18%).
Kể từ tháng 6 năm 2021, nguồn cung tôm đông lạnh ở châu Âu bị hạn chế cùng với sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà kinh doanh tôm. Nguồn cung từ Ấn Độ bị giảm mạnh do các đợt đóng cửa liên quan đến sự bùng phát COVID-19 và sự thiếu hụt các container lạnh. Tuy nhiên, nhập khẩu tăng từ Ecuador trong bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ từ Hoa Kỳ và sản phẩm dự trữ tại Liên minh châu Âu còn hạn chế. Nhu cầu đối với tôm Argentina vẫn mạnh với mức giá ổn định tại các thị trường châu Âu. Có thể lạc quan về sự hồi sinh của ngành du lịch trong mùa hè này, đặc biệt là ở phía Nam của lục địa châu Âu. Do đó, sản lượng tôm thu mua tăng lên.
Hoa Kỳ
Mặt hàng tôm thắng lớn tại thị trường Hoa Kỳ trong thời kỳ đại dịch. Người tiêu dùng đã chọn tôm vì có thể dễ dàng chế biến tại nhà. Ngoài ra, nhu cầu đối với tôm chế biến/ có giá trị cao hơn cũng tăng lên, và người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các đơn hàng mua tôm. Nhập khẩu tôm diễn ra suôn sẻ và không có vấn đề hoặc trở ngại về nguồn cung đáng kể nào trong quý đầu tiên khi nhập khẩu tăng 10,1% lên 185.900 tấn. Trong số các nguồn cung cấp hàng đầu, nguồn cung giảm 2,5% từ Ấn Độ ở mức 67.515 tấn, nhưng tăng 15% từ Indonesia ở mức 41.890 tấn, 36,5% từ Ecuador ở mức 35.500 tấn và 44% từ Việt Nam ở mức 14.455 tấn.
Nhập khẩu tôm nguyên vỏ giảm 7% đạt 57.455 tấn do nhập khẩu từ Ấn Độ giảm 38%, mặc dù nhập khẩu tăng từ Ecuador và Indonesia đối với nhóm sản phẩm tôm nguyên vỏ. Nhập khẩu tôm lột vỏ tăng 13,6% ở mức 81.000 tấn. Nhập khẩu tôm chế biến bao gồm cả các sản phẩm tẩm bột cũng tăng 31% lên 43.745 tấn. Thị trường có sự lạc quan từ đầu vụ hè với nhu cầu tiêu thụ tôm tăng mạnh, nhưng việc hoàn thành tất cả các đơn đặt hàng vẫn là một thách thức lớn đối với các nhà sản xuất / xuất khẩu. Đối với Ecuador, có vị trí gần thị trường Hoa Kỳ chắc chắn là một lợi thế lớn so với các nhà cung cấp châu Á. Thời gian vận chuyển từ Ecuador đến các cảng của Hoa Kỳ là khoảng 7 ngày so với 30-40 ngày đối với hàng hóa đến từ châu Á.
Trung Quốc
Năm nay, nhập khẩu tôm của Trung Quốc liên tục giảm cho thấy nhu cầu tiêu dùng chậm hơn và dự trữ tôm nhập khẩu cao tại thị trường Trung Quốc. Nhập khẩu trong quý đầu tiên của năm 2021 thấp hơn 16%, ở mức 148.775 tấn so với 176.860 tấn đã nhập khẩu trong năm trước. Nhập khẩu giảm từ hầu hết các nguồn ngoại trừ Ecuador, Việt Nam và Malaysia. Với 61% thị phần, Ecuador là nhà cung cấp hàng đầu cho Trung Quốc. Nhập khẩu tôm không đầu từ Ecuador giảm 43% nhưng nhập khẩu tôm nguyên con ngang bằng với năm 2019 là 10.530 tấn, nhưng thấp hơn so với năm 2020. Nhập khẩu trung bình hàng tháng ở Trung Quốc giảm 25-28% trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2021, và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong những tháng sau đó.
Nhật Bản
Sách Trắng về Thủy sản (the Fisheries White Paper) do Cục Thủy sản Nhật Bản công bố gần đây đã xác nhận mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người của nước này, bao gồm cả tôm, đang giảm dần. Xu hướng này phản ánh nhập khẩu tôm giảm trong thập kỷ qua, từ 290.000 tấn năm 2010 xuống 210.000 tấn năm 2020. Nhập khẩu trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2021 hầu như không thay đổi ở mức 46.630 tấn (-0,11%) nhưng với nguồn cung tôm nguyên liệu (cả vỏ và bóc vỏ) tăng 4,7%, tăng từ Indonesia và Ấn Độ. Nguồn cung tôm nguyên liệu từ Ecuador sang Nhật Bản tăng mạnh 200%. Hoạt động buôn bán tại các nhà hàng tiếp tục lắng xuống cũng khiến nhập khẩu tôm chế biến giảm (-2%). Thị trường tôm Nhật Bản vẫn tiếp tục bất ổn do số vụ COVID-19 tăng cao và Chính phủ thỉnh thoảng phải thực hiện lệnh phong tỏa.
Châu Á Thái Bình Dương
Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2021, nhập khẩu tôm của Việt Nam tăng từ Ecuador và Ấn Độ để tái chế / tái xuất khẩu. Để bổ sung nguồn cung trong nước thiếu hụt, Thái Lan cũng nhập khẩu nhiều nguyên liệu thô hơn (+90%) chủ yếu từ Ecuador để chế biến xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng. Giá tôm xuất xưởng vẫn ổn định ở Châu Á. Tuy nhiên, giá CFR (gồm giá hàng hóa + cước vận chuyển) đến Bắc Mỹ và Châu Âu đã tăng từ 20-23% trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2021. Điều này là kết quả của sự thiếu hụt nghiêm trọng các container đông lạnh và sự gia tăng cước phí (600%) trong vận chuyển đường biển, từ 3.000 USD vào năm 2019 đến 18.000 USD vào năm 2021 cho một container lạnh 40 chân. Nhờ nhu cầu tăng cao từ thị trường châu Âu và Nhật Bản, giá tôm Argentina vẫn duy trì ở mức cao đối với các loại cỡ lớn và nhỏ, cho dù sản lượng khai thác tốt kể từ tháng 4 / tháng 5.
Dự báo
Năm 2021, những bất ổn về tình hình đại dịch và cuộc khủng hoảng kéo dài có khả năng ảnh hưởng đến sản lượng tôm nuôi trong những năm tiếp theo ở các nước Nam Á và Đông Nam Á. Tình trạng thiếu container đối với hàng hóa vận chuyển liên lục địa, cùng với việc cước phí vận chuyển tăng cao và sự di chuyển chậm trễ trong thời gian dài của các chuyến hàng là những mối lo ngại đối với các nhà xuất khẩu tôm châu Á. Ở châu Âu, nhu cầu tôm vào mùa hè sẽ vẫn tốt trên toàn châu lục. Trong những tháng tới, nguồn cung tôm nuôi từ châu Á có thể không đồng đều do cuộc khủng hoảng COVID-19 diễn ra ở hầu hết các nước sản xuất. Điều này sẽ tạo cơ hội bán hàng cho Ecuador khi nhu cầu từ Trung Quốc vẫn chậm. Trong khi đó, nguồn cung tôm Argentina đã cải thiện, một số đợt điều chỉnh giảm giá có thể xảy ra trong những tháng tới.
Tại Hoa Kỳ, nhu cầu đối với tôm được dự đoán là tăng mạnh trong suốt năm 2021. Các nhà tiếp thị dự báo nguồn cung khan hiếm trong những tháng mùa hè từ các nguồn trong nước (Vùng Vịnh Hoa Kỳ) và nước ngoài. Trong khi đó, nhu cầu bán lẻ tốt có khả năng tiếp tục và sẽ thúc đẩy kinh doanh nhà hàng khi nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh với việc làm tăng và thu nhập khả dụng cao hơn. Xu hướng nhập khẩu giảm ở Trung Quốc tiếp tục trong tháng 4 và tháng 5 năm 2021 đã khiến nhập khẩu lũy kế từ tháng 1 đến tháng 5 thấp hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Mô hình này khó có thể đảo ngược cho đến lễ hội mùa thu của tháng Mười. Trong khi đó, nhập khẩu trực tiếp của Trung Quốc giảm trong thời gian ngắn sẽ khiến Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn từ Ecuador và các nguồn khác. Rất có thể một phần trong số này sẽ được chuyển hướng sang Trung Quốc thông qua thương mại biên giới.
Ngọc Thúy (theo FAO)
Tổng Cục Thủy sản