Theo VASEP, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu giảm trên diện rộng. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận mức giảm 2 con số. Giảm mạnh nhất là cá tra với mức 41%, đạt 570 triệu USD.
Kế đó là cua ghẹ và giáp xác khác giảm 40% so với cùng kỳ, xuống 41 triệu USD. Xuất khẩu tôm cũng bị tác động mạnh, với kim ngạch giảm 37% xuống 887 triệu USD. Tính chung trong 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2,6 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ.
Xét riêng từng thị trường, xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm mạnh nhất. Tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này ghi nhận ở mức 412 triệu USD trong 4 tháng đầu năm, giảm từ mức 851 triệu USD của cùng kỳ. Với kết quả này, Mỹ không còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân khối lượng và giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ giảm mạnh là do lượng cá tra tồn kho ở Mỹ đến hết quý III/2022 còn khá nhiều. Tuy nhiên, lượng tồn kho này đang có xu hướng giảm. Cùng với các yếu tố khác, nhiều khả năng, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ sẽ dần phục hồi trở lại từ quý II/2023.
Vasep phân tích rằng, mặc dù cá tra Việt Nam vẫn đang chiếm vị trí chủ đạo tại thị trường Mỹ nhưng cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn từ một số nước khác ở châu Á cũng đang phát triển nghề nuôi cá tra.
Nhiều nhà bán lẻ, siêu thị ở Mỹ đang gia tăng quảng bá, bán các sản phẩm thủy sản hợp túi tiền, có khả năng bảo quản lâu sau khi nhận thấy sự thay đổi trong thói quen sử dụng thủy sản ở nhà thay vì đến các nhà hàng. Đây là cơ hội để cá tra Việt Nam thâm nhập trở lại thị trường này trong thời gian tới.
Trong khi đó, thị trường Nhật Bản ghi nhận mức giảm nhẹ hơn xuống 444 triệu USD và trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam trong 4 tháng đầu năm. Thị trường Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) giảm từ 584 triệu USD xuống 418 triệu USD, tương đương gần 40%.
Trong báo cáo ngành thủy sản hồi đầu năm, chứng khoán SSI Research kỳ vọng rằng doanh thu từ thị trường Trung Quốc sẽ bù đắp một phần cho sự suy giảm doanh thu từ thị trường Hoa Kỳ và EU, nhưng không đủ để mang lại cơ hội phục hồi lợi nhuận của các công ty trong nửa đầu năm 2023. Điều này có thể là do mức lợi nhuận so sánh cao vào năm 2022.
Đơn vị này dự báo giá bán bình quân sẽ giảm 20-30% so với cùng kỳ trong năm 2023 và chi phí thức ăn thủy sản cũng sẽ giảm theo. Với lượng đơn đặt hàng tăng chậm, SSI Research cho rằng nguồn cung sẽ không thiếu hụt đối với cả tôm và cá nguyên liệu, qua đó dự báo giá nguyên liệu tôm và cá sẽ giảm nhẹ do nhu cầu yếu cho đến hết nửa đầu năm 2023.
Theo dự báo của VASEP, bức tranh xuất khẩu thủy sản có thể sáng dần lên trong quý II và kỳ vọng sẽ phục hồi tốt hơn từ quý 3 khi thị trường Trung Quốc có sự khởi sắc rõ nét hơn và các doanh nghiệp thủy sản có sự điều chỉnh cơ cấu sản phẩm và thị trường phù hợp bối cảnh năm 2023.
Có thể thấy rằng, việc thủy sản Việt Nam đang ngày càng được các quốc gia khó tính như Nhật Bản quan tâm là một tín hiệu tốt đối với chất lượng cũng như khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn trong tương lai. Chính vì vậy, dù nhu cầu thế giới đang giảm mạnh nhưng ngành thủy sản vẫn có cơ sở để tin tưởng vào sự phát triển trở lại vào cuối năm 2023.
P.V
Nguồn: petrotimes.vn