Chi phí thức ăn tăng mạnh từ đầu năm đến nay khiến giá thành nuôi thủy sản tăng cao trong khi giá bán sản phẩm bấp bênh, khiến người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh “đứng ngồi không yên”.
Tăng mạnh chưa có hồi kết
Ông Trần Văn Thành – hộ nuôi cá lồng bè ở sông Cổ Cò đoạn qua phường Cửa Đại (Hội An) cho biết, chưa bao giờ giá thức ăn cho cá tăng liên tục như hiện nay.
Từ đầu năm 2023 đến nay, giá thức ăn đã tăng lên 8 nghìn đồng/kg, kể thêm giá xăng dầu, các loại chi phí khác như vật tư thủy sản, thuốc cũng tăng mạnh khiến giá thành nuôi cá điêu hồng, chẽm đội lên cao.
“Trước đây với mỗi ký cá thương phẩm bán ra, tôi lãi được 7 nghìn đồng. Chừ thì không có lãi. Nuôi đạt sản lượng may ra hòa vốn” – ông Thành nói.
Trường hợp của ông Thành là mua thức ăn thủy sản bằng tiền mặt tại đại lý bán hàng trên địa bàn. Nhiều nông hộ khác vì thiếu vốn nên mua nợ và chờ đến ngày thu hoạch thủy sản mới trả thì phải chịu mức giá thức ăn tăng thêm khoảng 5 nghìn đồng/kg.
Ông Mai Khắc Hạ – hộ nuôi cá lồng bè trên sông Trường Giang đoạn qua xã Bình Giang (Thăng Bình) lo lắng: “Nuôi các loại cá sặc, cá chim vây vàng, cá lăng nha từ đầu năm đến nay tôi tính tiền thức ăn đã tốn hơn 50 triệu đồng.
Còn hơn 2 tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch. Lúc đó bán ra không biết thu được bao nhiêu để trả nợ tiền thức ăn. Chỉ mong thời tiết ủng hộ, môi trường nước sông ổn định để cá nuôi sinh trưởng, phát triển tốt”.
Giá thức ăn nuôi tôm cũng tăng cao. Ông Trần Kỳ Hai (thôn Quý Thượng, xã Tam Phú, Tam Kỳ) cho biết: “Hiện tôm thẻ chân trắng cỡ 70 – 80 con/kg chỉ có giá 100 nghìn đồng/kg. Giá thức ăn, giá thuốc các loại, vật tư nuôi thủy sản đều tăng; giá thành để nuôi được 1kg tôm thương phẩm đã ngót 90 nghìn đồng. Đó là nuôi tôm đạt, chưa biết quá trình nuôi tôm hao hụt bao nhiêu”.
Nguyên nhân giá thức ăn thủy sản tăng là nguyên liệu sản xuất như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, phụ gia, khô dầu tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu. Nước ta phải nhập khẩu hơn 80% nguyên liệu nói trên nên phải phụ thuộc.
Bài toán tái cơ cấu
Giá thành nuôi thủy sản tăng cao có nguyên nhân là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Trong bối cảnh “bão giá thức ăn” hiện nay, bài toán tái cơ cấu ngành nuôi thủy sản đặt ra.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, để giảm giá thành đầu vào, hộ nuôi thủy sản cần tăng quy mô để tiết giảm chi phí. Theo đó, cần tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ nuôi thủy sản của tỉnh như hỗ trợ thành lập hợp tác xã, hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, chính sách đối với nuôi thủy sản VietGAP.
Ông Võ Văn Long – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, ngành chức năng đang áp dụng đồng bộ giải pháp kiểm soát chất lượng và giá thức ăn thủy sản để giúp người nuôi ổn định sản xuất, tránh tăng giá bán bất hợp lý. Người nuôi thủy sản cần áp dụng các mô hình nuôi an toàn dịch bệnh.
Một khi tỷ lệ sống của thủy sản nuôi đạt cao sẽ có lãi. Các nông hộ cần tổ chức quá trình sản xuất bài bản hơn, nhất là sử dụng con giống sạch bệnh, quy trình nuôi thủy sản khoa học để đạt hiệu quả, thu được giá trị kinh tế khá.
Việt Nguyễn
Nguồn: Báo Quảng Nam