Những năm gần đây, nghề nuôi thẻ chân trắng ở Hà Tĩnh đã có sự phát triển cả về quy mô diện tích cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi người dân vẫn còn lạm dụng việc sử dụng hóa chất, kháng sinh để xử lý ao nuôi và phòng trị bệnh cho tôm. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thương phẩm của tôm khi thu hoạch cũng như ảnh hưởng tới môi trường ao nuôi cho những vụ sau
Nhằm từng bước khắc phục và cải thiện dần môi trường phục vụ cho nghề nuôi tôm, với mục tiêu hướng đến một môi trường nuôi tôm bền vững cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra thì việc sử dụng chế phẩm sinh học vào nuôi tôm là hết sức cần thiết. Vì vậy, năm 2020 Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã thực hiện mô hình “Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm thẻ chân trắng” với diện tích 01 ha tại 2 xã: Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên) và Đan Trường (huyện Nghi Xuân) bước đầu đã khẳng định được hiệu quả.
Tại mỗi điểm thực hiện mô hình người nuôi được nhận hỗ trợ 50 % số lượng tôm giống và chế phẩm sinh học EM gốc, vật tư để nhân sinh khối EM thứ cấp; tập huấn kỹ thuật về sử dụng chế phẩm sinh học EM trong nuôi tôm thẻ chân trắng.
Trong suốt quá trình nuôi, cả 2 chủ hộ thực hiện mô hình đều sử dụng chế phẩm sinh học EM theo đúng quy trình cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn. Nhờ đó, sau hơn 70 ngày thả nuôi, tỷ lệ sống của tôm đạt hơn 90 %, kích cỡ đạt 70 con/kg tại xã Đan Trường và 60 con/kg tại xã Cẩm Dương, dự kiến sản lượng thu được khoảng 6 tấn tôm thương phẩm tại mỗi điểm. Theo tính toán, tổng doanh thu mô hình đạt gần 1 tỷ đồng/vụ, trừ các khoản chi phí mô hình thu lãi trên 200 triệu đồng. Điều quan trọng nhất từ kết quả mô hình là môi trường ao nuôi luôn ổn định, các chỉ số vật lý, hóa học luôn được kiểm soát, tôm có sức đề kháng cao nên phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra.
Tại buổi tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện mô hình, anh Nguyễn Văn Đồng – chủ hộ thực hiện mô hình tại xã Cẩm Dương đã chia sẻ: “Gia đình tôi đã nuôi tôm thẻ chân trắng từ 5 năm nước nhưng đây là năm đầu tiên tôi chỉ hoàn toàn sử dụng chế phẩm sinh học EM trong ao nuôi. Từ khâu cải tạo ao, gây màu nước đến chăm sóc quản lý ao nuôi tôi đều sử dụng chế phẩm sinh học EM theo định kỳ. Và đây cũng là năm đầu tiên tôi thấy màu nước nuôi tôm đẹp, tôm nuôi khỏe mạnh, phát triển tốt không gặp vấn đề gì về bệnh tật”.
Còn anh Phương – Chủ hộ thực hiện mô hình tại xã Đan Trường cho biết: “Nhờ sử dụng chế phẩm sinh học EM trong nuôi tôm mà năm nay chi phí đầutư đã giảm được một nửa so với vụ nuôi trước. Đồng thời tôm nuôi lại lớn nhanh hơn và màu sắc sáng đẹp hơn, kích cỡ đồng đều, giá bán được thương lái trả cao hơn so với những hộ nuôi tôm không sử dụng chế phẩm sinh học như tôi”
Đánh giá về kết quả mô hình đạt được, anh Nguyễn Hữu Minh – Cán bộ thủy sản phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Năm 2020 này, ở huyện Cẩm Xuyên nuôi tôm thẻ chân trắng khá nhiều nhưng tại ao nuôi của anh Đồng được đánh giá là đạt kết quả tốt nhất. Nhờ tuân thủ đúng quy trình sử dụng chế phẩm EM nên trong suốt quá trình nuôi các chỉ số môi trường ao như: pH, DO, CO, độ mặn, nhiệt độ … luôn ổn định, các loại khí độc được kiểm soát. Tôm nuôi có tốc độ phát triển rất nhanh, màu sắc đẹp, sức đề kháng cao nên không xảy ra các loại bệnh. Đặc biệt, đã sử dụng chế phẩm sinh học EM nên người nuôi không sử dụng hóa chất hay kháng sinh vào ao nuôi, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn phục vụ cho người tiêu dùng”.
Sự thành công của mô hình “Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm thẻ chân trắng” đã khẳng định được hiệu quả về mặt kinh tế cũng như về vấn đề môi trường, dần mở ra hướng đi phù hợp và hướng tới phát triển nghề nuôi tôm bền vững cho các hộ tham gia mô hình nói riêng cũng như trên toàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung. Từ đó tạo điều kiện cho bà con nuôi tôm được tiếp cận khoa học kỹ thuật, tin tưởng, mạnh dạn, đầu tư chế phẩm sinh học vào nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, từng bước loại bỏ hoàn toàn hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm.
Quế Hà
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh