Thứ Ba, 6/07/2021, 8:30

Nuôi tôm siêu thâm canh và hướng phát triển thuận thiên

Tỉnh Bạc Liêu đang phát triển nhanh diện tích nuôi tôm siêu thâm canh. Đây là tiềm năng, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo vệ môi trường theo hướng thuận thiên.

Nuôi tôm công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Ảnh: Trọng Linh.
Nuôi tôm công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Ảnh: Trọng Linh.

Nuôi tôm siêu thâm canh với những ưu điểm vượt trội là tôm mau lớn, năng suất cao, tỷ lệ thành công đạt trên 90%. Vì vậy, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, hệ quả lớn nhất của mô hình nuôi tôm siêu thâm canh là vấn đề ô nhiễm môi trường. Nếu không có hướng giải quyết dứt điểm sẽ ảnh hưởng đến các hộ nuôi tôm truyền thống.

Giải quyết nước thải và chất thải từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang là thách thức không nhỏ. Ảnh: Trọng Linh
Giải quyết nước thải và chất thải từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang là thách thức không nhỏ. Ảnh: Trọng Linh

Thực tế cho thấy, mô hình nuôi tôm công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất. Giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, giảm dịch bệnh và nâng cao được sản lượng, chất lượng. Nuôi công nghệ cao con tôm phát triển thông qua ứng dụng quy trình xử lý nước thải hiện đại, không sử dụng kháng sinh. Đây cũng là một trong những giải pháp phát triển mạnh nghề nuôi tôm, góp phần thực hiện mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2025.

Tỉnh Bạc Liêu được chọn là trung tâm công nghiệp tôm của cả nước với Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Đến nay, nơi đây đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 và đang chuẩn bị kế hoạch giai đoạn 2 trong quý 4/2021.

Ở tỉnh Bạc Liêu, nuôi tôm công nghệ cao thật sự đã đem lại sự an toàn và  hiệu quả cho người nuôi. Đặc biệt là khả năng thành công cao, nhưng vấn đề lo ngại nhất hiện nay là việc bảo vệ môi trường. Bởi vì nuôi tôm siêu thâm canh thường có mật độ khá dầy từ 250 – 300 con/m2. Vì vậy vấn đề giải quyết nước thải và chất thải từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang là một thách thức không nhỏ.

Nói về vấn đề ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Văn Mão (xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: Mặc dù, chính quyền địa phương đã xuống tận nơi các hộ nuôi tôm siêu thâm canh để giải thích, vận động ký cam kết xử lý nguồn nước trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, khi không có lực lượng chức năng thì các hộ dân lại lén lút xả thải ra bên ngoài mà không xử lý nguồn nước.

Việc các hộ nuôi tôm siêu thâm canh lén lút xả thải ra môi trường đã xảy ra trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, giải quyết dứt điểm thực trạng này vẫn còn là bài toán khó cho ngành chức năng của tỉnh Bạc

Người dân ở tỉnh Bạc Liêu cải tạo ao nuôi tôm. Ảnh: Trọng Linh.
Người dân ở tỉnh Bạc Liêu cải tạo ao nuôi tôm. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Ngô Quang Hùng, nông dân nuôi tôm ở ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải, cho rằng: Nếu muốn đi xa, đi lâu với nghề nuôi tôm thì phải biết nâng niu và bảo vệ môi trường. Chúng ta phải tự ý thức được việc làm của mình, nếu chúng ta xả thải ra môi trường thì người khác sẽ bơm vào sử dụng. Ngược lại chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân tương tự và sẽ tự hại mình.

“Là người nuôi tôm, tôi mong rằng mọi người cần có ý thức bảo vệ môi trường. Chúng ta muốn phát triển nghề tôm bền vững, hiệu quả cao thì việc bảo vệ môi trường phải ưu tiên số 1, phải tự cứu lấy mình trước khi quá muộn”. (Ông Ngô Quang Hùng, nông dân nuôi tôm ở ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải, Bạc Liêu)

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cần phải xây dựng hệ thống xử lý bài bản như: Ao ương, ao tôm thịt và ao lắng. Bên cạnh đó, khu xử lý chất thải phải được xử lý hoàn chỉnh gồm: Ao chứa thải, chứa bùn để xử lý chất thải triệt để trước khi đưa ra môi trường.

Tuy nhiên, trên thực tế các hộ nuôi tôm siêu thâm canh xây dựng hoàn chỉnh khu nuôi, đảm bảo xử lý chất thải còn hạn chế, chỉ chiếm số ít. Đa số các hộ nuôi xả thải trực tiếp ra môi trường, dẫn đến các tuyến kênh trong khu vực có hộ nuôi tôm siêu thâm canh bị ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước của các hộ nuôi tôm xung quanh.

Hiện nay, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang được người dân tiếp tục phát triển và nhân rộng. Nếu như năm 2020 diện tích chỉ đạt gần 20.000ha thì 6 tháng đầu năm 2021 diện tích đã trên 24.000 ha. Theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, diện tích này có thể mở rộng lên từ 26.000 – 30.000 ha trong thời gian tới.

Đây là thời điểm mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cần được nhìn nhận sâu hơn, phù hợp với hướng đi “thuận thiên” theo Nghị quyết 120 để ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bạc Liêu phát triển bền vững.

Trọng Linh – Đào Chánh

Nguồn: Nongnghiep.vn

 Tags:

2 thoughts on “Inforgraphic: Tổng quan ngành Tôm giống Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *