Huyện Thường Xuân có các hồ thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt, Bái Thượng, Xuân Minh, với dung tích nước lớn lại sở hữu cảnh quan tự nhiên phong phú. Năm 2018, huyện Thường Xuân đã xây dựng và phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, giai đoạn 2019-2021”; trong đó, chú trọng hỗ trợ phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng an toàn sinh học tại vùng lòng hồ thủy lợi, thủy điện, tạo điều kiện để người dân vươn lên làm giàu từ nuôi trồng thủy sản. Chính vì vậy, số lượng các đơn vị, người dân trong huyện đã đăng ký, đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng ngày càng tăng.
Khi triển khai mô hình, các hộ dân đã tận dụng tối đa những lợi thế ở hồ Cửa Đạt, đó là nguồn nước tự nhiên trong xanh, thích hợp với nuôi các loại cá da trơn và cá nước ngọt. Ông Trịnh Văn Châu, thị trấn Thường Xuân, một chủ nuôi cá lồng ở hồ Cửa Đạt, cho biết, khu vực lòng hồ thủy điện Cửa Đạt có hơn 180 lồng cá của các cá nhân, doanh nghiệp và HTX trên địa bàn. Vị trí đặt lồng cá chủ yếu gần bờ và chia thành các cụm lồng để thuận tiện cho việc chăm sóc, giao thương sản phẩm cá. Từ năm 2019, được sự hỗ trợ của UBND huyện Thường Xuân, gia đình đã phát triển hơn 20 lồng nuôi cá trắm, cá trôi và một số loại cá đặc sản như cá lăng… Nhờ điều kiện khí hậu thuận lợi, nguồn nước sạch nên cá sinh trưởng, phát triển tốt. Thời gian nuôi khoảng 10 tháng đến 1 năm, cá đạt trọng lượng từ 1,7 đến 2 kg trở lên. Với lồng nuôi khoảng 36m2, năng suất đạt từ 7 – 8 tạ cá/lồng/năm, doanh thu khoảng 75 – 80 triệu đồng/lồng, lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/lồng. Nhờ đó, điều kiện kinh tế của gia đình được nâng lên rõ rệt.
Điểm mới trong mô hình nuôi cá lồng ở lòng hồ Cửa Đạt những năm gần đây là các hộ dân vừa nuôi cá lồng cung cấp cho thị trường, vừa gắn với phát triển du lịch sinh thái. Để sự gắn kết này mang lại hiệu quả kinh tế cao, các hộ dân đã chủ động kết hợp vừa nuôi cá, vừa đầu tư thuyền du lịch để phục vụ du khách, như: dịch vụ đưa đón khách trên thuyền vào các điểm tham quan trong quần thể hồ Cửa Đạt, phục vụ nhu cầu ẩm thực ngay trên thuyền, đưa khách tham quan khu nuôi cá, chế biến các món ăn từ sản phẩm cá lồng… Nhờ những cách làm này, du khách được trải nghiệm những dịch vụ mới mẻ, tham quan và sử dụng dịch vụ, sản phẩm đặc sản của địa phương.
Được biết, từ năm 2019, một số hộ dân nuôi cá lồng trên lòng hồ đã manh nha phát triển du lịch sinh thái khi cung cấp các dịch vụ cho du khách đến tham quan các thắng cảnh trong cụm thắng cảnh hồ Cửa Đạt. Nhưng đến năm 2020, việc đầu tư đã bài bản, quy mô hơn và hiện đã có 6 hộ dân và 1 doanh nghiệp đầu tư 8 thuyền du lịch để đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Sau khi tham quan các địa điểm du lịch, du khách có thể dừng chân hòa mình với thiên nhiên, non nước tại các bến du lịch, thưởng thức những món ăn đặc sắc của địa phương. Trung bình các hộ nuôi cá trên lòng hồ thủy điện đón khoảng 1.200 khách/tháng đến tham quan, trải nghiệm các dịch vụ, tổng doanh thu đạt khoảng 300 triệu đồng/tháng.
Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 30–3-2016, của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thường Xuân về phát triển du lịch huyện Thường Xuân, giai đoạn 2016–2020, định hướng đến năm 2025 và Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 15–1-2018 của UBND huyện về việc triển khai xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã tạo thuận lợi để người nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy lợi, thủy điện phát triển du lịch sinh thái. Trong đó, huyện chú trọng đầu tư, hỗ trợ và kích cầu khai thác, phát triển du lịch, hoàn thiện công trình đường ven hồ, từ trung tâm đón khách của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên lên trạm Sông Khao, đường vào thác Thiên Thủy… Đồng thời, cải tạo, nâng cấp một số điểm như bản Mạ, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thành dịch vụ lưu trú homestay và thành lập tổ, nhóm làm dịch vụ du lịch. Ngoài tổ chức lễ hội đua thuyền, lễ hội đền Cửa Đặt và trồng hoa, cây cảnh, xây dựng bến thuyền, làm đường lên thác nước Hón Yên cũng được ưu tiên đầu tư để tạo điểm nhấn về du lịch.
Đánh giá về tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên các lòng hồ thủy điện kết hợp với du lịch sinh thái, ông Cầm Bá Đứng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, cho rằng: Tận dụng diện tích nguồn nước mặt của lòng hồ thủy điện để nuôi cá lồng chính là một hướng phát triển kinh tế mới, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng lòng hồ, nhưng bảo đảm không gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái của vùng. Trên cơ sở đó, huyện xây dựng chính sách bảo vệ môi trường cho các hộ nuôi trồng thủy sản, nhất là phát huy vai trò của HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản hồ Cửa Đạt trong việc thu gom rác thải trên lòng hồ và thực hiện đúng hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, thức ăn, thời điểm thu hoạch để sản phẩm thủy sản đạt những tiêu chuẩn chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm… Đồng thời, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa địa phương để khách du lịch đến đây không chỉ trải nghiệm vẻ đẹp tự nhiên mà còn được khám phá, hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của các dân tộc.
Thanh Hòa
Nguồn: Báo Thanh Hóa