Thứ Ba, 18/07/2023, 16:00

Người nuôi tôm trước những thách thức: Hụt vốn, thâm nợ

Người nuôi tôm gặp khó khăn trước cảnh được mùa, mất giá.

Gần đây, nhu cầu về tôm nguyên liệu phục vụ thị trường trong và ngoài nước đang giảm mạnh. Người nuôi tôm lỗ, thâm hụt vốn nặng nề, khiến nhiều hộ nuôi phải thu hẹp diện tích, đành treo ao trong sự tiếc nuối. Ðể từng bước phát triển bền vững ngành hàng tôm, người nuôi không chỉ cần các giải pháp bền vững mà còn mong nhận được sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, cũng như chính quyền địa phương.

Nuôi tôm công nghệ cao được xem là mô hình 1 vốn 4 lời, đó là khi “mưa thuận gió hoà”, nếu không nguy cơ mất cả chì lẫn chài là điều khó tránh.

Kinh phí đầu tư ao đầm cao ngất ngưởng nhưng chỉ cần sơ suất chút là vốn liếng đổ sông đổ biển, đẩy người nuôi vào tình cảnh trắng tay và nợ nần. Ðây là thực trạng của hàng loạt hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.

Người nuôi tôm gặp khó khăn trước cảnh được mùa, mất giá.
Người nuôi tôm gặp khó khăn trước cảnh được mùa, mất giá.

Ngâm nợ đại lý

Say mê và dồn hết tâm huyết với con tôm cùng khát vọng vươn lên làm giàu, vậy mà nuôi tôm siêu thâm canh chưa đến 4 năm thì ông Nguyễn Hoàng Hiện (ấp Thuận Lợi A, xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi) buộc phải cho thuê bớt 2 ao tôm để cắt giảm chi phí. Thời điểm này, bạn bè, người thân đều khuyên ông nên bỏ nghề hoặc chuyển nghề khác vì rủi ro quá lớn. Thế nhưng ông Hiện vẫn cố cầm cự: “Hết đường lui rồi, chẳng còn đường nào nhanh hơn để có tiền trả nợ”.

Năm 2016, khi phong trào nuôi tôm siêu thâm canh khá sôi nổi, ông Hiện lấy sổ đỏ vay tiền, đầu tư hơn 3 tỷ đồng để cải tạo 4 đầm tôm, có diện tích hơn 8.000 m2, nuôi tôm thẻ chân trắng. Ở vụ nuôi đầu tiên, ông đã lãi đậm, lên đến cả tỷ đồng, cũng nhờ vậy thu hút nhiều đại lý ở địa phương sẵn sàng đầu tư con giống, thức ăn… để ông tái vụ. Thế nhưng, đến những vụ nuôi kế tiếp lỗ nặng liên tục, gia đình ông Hiện điêu đứng trước những khoản thu không đủ chi, nợ nần chồng chất, ngân hàng thúc trả lãi hàng tháng… Cũng vụ nuôi này, nhiều người bạn của ông cũng thua lỗ, không còn vốn liếng, bỏ quê đi làm mướn.

Ông Hiện trăn trở: “Chỉ tính riêng tiền thức ăn, thuốc thuỷ sản đã hơn tỷ đồng, chủ đại lý đòi thì tôi cứ lần lựa hứa hẹn sẽ trả dần. Bây giờ, dù cạn vốn nhưng vẫn gồng mình tiếp tục để xoay xở”.

Tương tự, gia đình anh Trần Văn Hiền (ấp Kiến Vàng, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân) dù theo nghề nuôi tôm của gia đình hơn chục năm nay nhưng lỗ nặng nề, không còn vốn xoay xở. Anh Hiền đành bỏ trống 2 ao với diện tích hơn 4.000 m2, anh bộc bạch: “Nghề nuôi tôm rủi ro không lường trước được, nặng lo lắm, không phải dễ dàng như mọi người vẫn hay nghĩ đâu! Mỗi vụ chỉ đủ trả chi phí hoặc thâm vô tiền nhà, thất bại liên tục nên tôi ngán rồi, quyết định treo ao. Sợ những khoản vay lãi cao, nợ chồng thêm nợ, nên giờ cũng rất muốn nuôi tôm nhưng không dám lao vào”.

Mặt khác, nông dân nuôi tôm không thuận lợi cũng gây ra nhiều hệ luỵ cho các đại lý. Ða số đại lý đầu tư thức ăn, thuốc thuỷ sản dựa vào mối quan hệ quen biết và không cần thế chấp tài sản. Vụ tôm nào lãi cao thì đại lý cũng hưởng chút lãi, nhưng tôm cứ liên tục thất bát thì chủ đại lý phải cân nhắc đầu tư, do nặng vốn bỏ ra mà khó thu hồi.

Ông Võ Hữu Nhơn, chủ đại lý Tám Nhơn (ấp Lung Thuộc, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời) chia sẻ: “Trước đây bà con có nhu cầu tôi sẽ đầu tư thức ăn, thuốc men, trong suốt quá trình nuôi đến khi thu hoạch. Vốn đầu tư ngày càng cạn kiệt, trong khi giá tôm rẻ, giá thức ăn, thuốc thuỷ sản đồng loạt tăng khiến hộ nuôi chán nản. Nhiều người nuôi liên tiếp lỗ, các đại lý đành thu hẹp quy mô kinh doanh, không đầu tư thức ăn, thuốc men như trước, mà bán lấy tiền mặt hoặc chỉ đầu tư cho hộ nuôi sau 40 ngày tôm nuôi khoẻ mạnh. Làm vậy giúp đại lý gỡ khó, nhưng với những hộ nuôi không vốn ban đầu thì hết sức khó khăn”.

Tự bơi…

Hiện nay, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh rất lo lắng vì giá tôm thẻ giảm từng ngày. “Trong 2 tháng mà giá tôm thẻ chân trắng giảm hơn 15 ngàn đồng/kg. Giá liên tục giảm mạnh khiến nhiều hộ nuôi tôm lâm vào tình cảnh khó khăn, thua lỗ ngay cả khi trúng mùa. Lúc đầu năm, giá tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg nằm ở mức từ 100-110 ngàn đồng/kg, nay chỉ còn 85 ngàn đồng/kg; loại 50 con/kg tại ao giá 105 ngàn đồng/kg, giảm sâu so với đầu năm từ 20-35 ngàn đồng/kg và có nhiều khả năng tiếp tục giảm”, ông Nguyễn Văn Việt (xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước) than thở.

Chưa kịp vui mừng vì vụ tôm mùa này trúng đậm, ông Nguyễn Văn Việt lại lo lắng vì tôm rớt giá. Với giá tôm thẻ chân trắng thấp như hiện tại, bán chậm ngày nào đồng nghĩa với việc phải bù thêm chi phí phát sinh ngày đó.

Với giá tôm thẻ chân trắng đang ở mức thấp nên nuôi tôm vào thời điểm này rủi ro rất cao.

Không những giá tôm nguyên liệu liên tiếp giảm mạnh, hạn chế về mặt kỹ thuật cũng khiến nhiều hộ nuôi ngán ngẩm. “Lâu lâu thì mấy chú kỹ thuật tới lui, chỉ xem rồi nhắc nhở thuốc men chứ đâu có coi kỹ lưỡng ao nuôi của mình đâu! Hễ họ vào thì sẽ phát sinh thêm đủ thứ chi phí”, ông Hiện lắc đầu.

Trong quá trình nuôi, một số kỹ thuật viên (KTV) của công ty, đại lý còn lạm dụng kháng sinh doxycycline, amoxicillin, cefotaxim… ồ ạt xuống đầm tôm. Ðến khi thu hoạch tôm nhiễm dư lượng kháng sinh cao, sản phẩm không thể bán cho các công ty thuỷ sản lớn, thậm chí các thương lái nhỏ cũng không tiêu thụ hoặc ép giá xuống khoảng 20-30%.

Anh Phạm Thanh Sơn, ấp Cái Bát, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, thấu hiểu được mối hiểm hoạ thường trực, nên luôn tìm hiểu đủ mọi phương thức để rút ra được những kinh nghiệm riêng cho mình. Anh luôn chủ động trong mọi tình huống với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” và không ỷ lại vào KTV của công ty, đại lý.

Ông Huỳnh Nhật Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðầm Dơi, cho rằng, đội ngũ KTV của các công ty, đại lý có nhiều kinh nghiệm, từ kiến thức thực tế đến lý thuyết bệnh tôm luôn được liên tục cập nhật.

“Việc người dân chưa tin tưởng KTV của các công ty, đại lý có thể là do họ muốn cho sử dụng quy trình, thức ăn hoặc con giống theo hướng có lợi cho công ty, đại lý. Về phía Nhà nước, sẽ theo sát vấn đề này, nếu vì mục đích kinh tế của một tổ chức, cá nhân nào đó thì ngành chức năng của huyện sẽ nắm bắt và báo cáo để có hướng xử lý kịp thời”, ông Huỳnh Nhật Trường cho biết.

Tính đến quý I năm 2023, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh 4.462,86 ha/4.660 hộ nuôi (trong đó: diện tích ao nuôi 1.091 ha, còn lại là công trình phụ), đạt 99,17% kế hoạch năm 2023, vượt 20% so với cùng kỳ, năng suất từ 40-50 tấn/ha/vụ (tính trên diện tích mặt nước ao nuôi). Tôm thâm canh 1.827 ha/2.999 hộ nuôi, năng suất 5 tấn/ha/năm (tôm sú) và 8 tấn/ha/năm (tôm thẻ chân trắng). Hiện diện tích ao nuôi không tăng lên, nhưng diện tích nuôi siêu thâm canh vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước do người dân chuyển từ nuôi thâm canh sang nuôi siêu thâm canh. Bên cạnh đó, diện tích ngưng nuôi và chuyển sang nuôi loại hình khác trên 1.000 ha.

Phương Thảo – Việt Mỹ

Nguồn: Báo Cà Mau

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *