Thứ Ba, 22/06/2021, 14:00

Hạn chế ô nhiễm môi trường nhờ nuôi xen ghép các đối tượng thủy sản

Nuôi tôm xen ghép với cá dìa và cua là mô hình đang được nhiều người dân ở Quảng Nam áp dụng nhằm xử lý tình trạng ô nhiễm nguồn nước một cách tự nhiên.

Những năm trở lại đây, vấn đề ô nhiễm môi trường vùng nuôi trồng thủy sản đã khiến cho nhiều loại bệnh xuất hiện trên tôm gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân. Trước tình trạng này, đa số các chủ hồ đều sử dụng hóa chất để xử lý. Việc lạm dụng các hóa chất như vậy ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của tôm nuôi.

Do đó, tìm ra giải pháp vừa xử lý môi trường vùng nuôi, vừa hạn chế dịch bệnh nhưng đảm bảo được chất lượng tôm nuôi là vô cùng cần thiết. Thực tế những năm qua cho thấy, một số địa phương ở tỉnh Quảng Nam đã áp dụng phương pháp nuôi ghép thủy sản để các đối tượng nuôi trong ao tự xử lý môi trường một cách tự nhiên khá hiệu quả.

Tại phường Cẩm Châu, vùng nuôi tôm lớn nhất của TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) cách đây 5 năm trở về trước, người dân chủ yếu vẫn nuôi độc canh tôm trong ao đất. Trải qua một thời gian dài, nước thải từ các ao nuôi tôm càng ngày càng gây ô nhiễm nghiêm trọng vùng nuôi. Hậu quả, hàng năm, trên địa bàn đều xuất hiện các loại dịch bệnh gây chết tôm, thiệt hại về kinh tế.

Nuôi xen ghéo tôm với cá và cua sẽ tăng khả năng xử lý môi trường một cách tự nhiên, ổn định chất lượng nước. Ảnh: L.K.
Nuôi xen ghéo tôm với cá và cua sẽ tăng khả năng xử lý môi trường một cách tự nhiên, ổn định chất lượng nước. Ảnh: L.K.

Đến khoảng 5 năm trước, một vài chủ hồ đã bắt đầu áp dụng phương pháp nuôi xen ghép tôm với các đối tượng khác trong đó chủ yếu là cá dìa hoặc cá đối mục và cua đã cho thấy được hiệu quả khá rõ rệt. Với các nuôi kết hợp này, những chất thải từ con tôm được các đối tượng nuôi khác trong hồ xử lý.

Nhờ vậy, môi trường nước trong ao nuôi hạn chế ô nhiễm đáng kể, dịch bệnh ít xảy ra hơn. Thấy được những lợi ích mà cách nuôi thủy sản này mang lại, mô hình thả xen ghép ngày càng được áp dụng rộng rãi và hiện nay đã khá phổ biến tại phường Cẩm Châu.

Ông Trần Bổng (SN 1964, trú khối phố An Mỹ, phường Cẩm Châu, TP Hội An) cho biết, gia đình ông áp dụng mô hình nuôi xen ghép đã được 4 năm. Với diện tích 1ha, thông thường, ông thả khoảng 12 vạn con tôm giống, 4.500 con cá dìa và 3.500 con cua. Qua các năm, ông nhận thấy các đối tượng nuôi này đều phát triển rất tốt, chất lượng nước luôn được ổn định nên ít khi chịu thiệt hại do dịch bệnh.

“Cách nuôi này so với nuôi độc canh con tôm như trước thì mật độ thả nuôi thưa hơn. Chẳng hạn như nếu chỉ nuôi tôm mật độ thường khoảng 15 con/m2 thì bây giờ chỉ thả 4 – 5 con. Bên cạnh đó, các đối tượng nuôi không ăn thịt lẫn nhau nên tỷ lệ hao hụt không đáng kể. Trong mô hình, con cá dìa có vai trò rất quan trọng vì nó ăn hết chất thải của tôm, hạn chế được tình trạng ô nhiễm nguồn nước”, ông Bổng nói.

Khi nuôi xen ghép tôm, cá dìa và cua, người nuối sẽ thu hoạch từng đợt nên giá bán cao hơn thu hoạch 1 lần. Ảnh: L.K. 
Khi nuôi xen ghép tôm, cá dìa và cua, người nuối sẽ thu hoạch từng đợt nên giá bán cao hơn thu hoạch 1 lần. Ảnh: L.K. 

Theo các chủ hồ nuôi tại đây, bằng cách nuôi xen ghép này, họ hạn chế được rất nhiều chi phí thuốc kháng sinh cũng như các hóa chất để xử lý ao nuôi. Ngoài ra, TP Hội An là thành phố du lịch nên mô hình cũng rất phù hợp để xây dựng các khu du lịch sinh thái. Du khách vừa đến tham quan vừa có được nhiều sự lựa chọn để thưởng thức các loại hải sản.

Ông Lê Ngọc Lên (trú phường Cẩm Châu, TP Hội An), một chủ hồ áp dụng phương pháp thả nuôi thủy sản xen ghép cho biết thêm, mô hình này không chỉ  hạn chế được ô nhiễm mà còn mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Bởi, với cách nuôi như vậy, người dân không thu hoạch đồng loạt mà theo từng đợt.

“Với tôm thì con nào lớn thu hoạch trước, sau khi thu hoạch hết tôm thì cá dìa sẽ đủ thời gian xuất bán và cuối cùng là cua. Do mỗi lần thu một ít như thế nên giá bán cũng sẽ cao hơn thu hoạch đồng loạt 1 lần. Không chỉ vậy, do môi trường nuôi ổn định, ít sử dụng kháng sinh nên chất lượng tôm, cá, cua trong mô hình cũng ngon hơn, được thị trường ưa chuộng”, ông Lên chia sẻ.

Được biết, vừa qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam cũng triển khai mô hình nuôi ghép tôm với các đối tượng thủy sản khác tại TP Hội An và xã Tam Hòa (huyện Núi Thành) và bước đầu cho thấy những tín hiệu tích cực.

Theo đơn vị này, mặc dù những năm qua, mô hình này đã được người dân áp dụng và cho hiệu quả nhưng nhìn chung thì đa số các chủ hồ nuôi vẫn chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật như: Mật độ giống nuôi, đầu tư thức ăn, chăm sóc, quản lý môi trường ao nuôi, phòng bệnh chưa tốt nên hiệu quả đạt thấp và chưa nhân rộng được.

Ông Hứa Viết Thịnh, cán bộ phụ trách nuôi thủy sản Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam: “Do triển khai nuôi xen ghép tự phát nên mô hình cần được xây dựng để có cơ sở đánh giá hiệu quả và qua đó hình thành quy trình kỹ thuật hướng dẫn nông dân áp dụng và nhân rộng vào sản xuất. Mục đích cuối cùng của các mô hình nuôi xen ghép thủy sản mà chúng tôi đang triển khai nhằm giúp nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh và môi trường, đa dạng hóa đối tượng nuôi, sử dụng hiệu quả mặt nước nuôi trồng thủy sản nước lợ, tăng thu nhập cho nông ngư dân và đảm bảo sản xuất an toàn, bền vững”.

Nguồn: nongnghiep.vn