Thứ Năm, 23/09/2021, 17:00

Doanh nghiệp nuôi tôm liên tục xả thải ra biển: Cần có biện pháp mạnh, xử lý dứt điểm

Thời gian gần đây, nhiều người dân ở 2 thôn Phước Đồng và Xuân Hòa thuộc xã An Hòa Hải (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) tiếp tục phản ánh tình trạng các khu nuôi tôm cao triều ở khu vực này tiếp tục xả nước thải ra biển gây ô nhiễm môi trường. Sở TN-MT đã phối hợp với huyện Tuy An kiểm tra, lấy mẫu nước thải đưa đi xét nghiệm và sẽ có giải pháp kiên quyết chấn chỉnh việc xả thải gây ô nhiễm này.

 

Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại và Vận tải Trí Huệ xả nước thải nuôi tôm trực tiếp ra biển. Ảnh: ANH NGỌC
Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại và Vận tải Trí Huệ xả nước thải nuôi tôm trực tiếp ra biển. Ảnh: ANH NGỌC

Tiếp tục xả thải gây ô nhiễm môi trường

Từ năm 2019 đến nay, các doanh nghiệp nuôi thủy sản tại 2 thôn Phước Đồng và Xuân Hòa nhiều lần vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, năm 2019, Công ty Trường Hải bị xử phạt hơn 130 triệu đồng, Công ty Sao Xanh bị xử phạt 50 triệu đồng, Công ty Trí Huệ bị xử phạt 90 triệu đồng. Năm 2020, Công ty Trí Huệ bị xử phạt 80 triệu đồng, Công ty Trường Hải bị xử phạt 56 triệu đồng. Đến tháng 7/2021, Công ty Trí Huệ bị xử phạt 457 triệu đồng.

Theo phản ánh của người dân, hàng ngày có một lượng lớn nước thải từ việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực 2 thôn Phước Đồng và Xuân Hòa xả trực tiếp ra biển, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân. Ông Võ Thanh Phương, Trưởng Ban nhân dân thôn Phước Đồng cho biết: Ở khu vực ven biển giáp ranh giữa 2 thôn Phước Đồng và Xuân Hòa có hàng chục héc ta với hàng trăm hồ nuôi tôm cao triều của nhiều doanh nghiệp, tổ chức. Nhiều năm nay, nước thải từ các hồ nuôi tôm này thường xuyên xả trực tiếp ra biển, gây ô nhiễm môi trường. Có nhiều hôm, nước thải xả ra biển có màu đen ngòm chảy dọc theo bờ biển bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Đặc biệt, khi gặp gió tây nam thì khu vực thôn Phước Đồng bị mùi hôi xộc vào nhà, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân ở đây. Nhiều năm qua, người dân liên tục phản ánh, kiến nghị nhưng tình trạng xả thải này đến nay vẫn chưa chấm dứt.

Chúng tôi được người dân đưa đến hiện trường và chứng kiến việc xả nước thải từ các khu nuôi tôm. Mỗi khu nuôi tôm ở đây có diện tích vài héc ta đến hàng chục héc ta, nước thải được thu gom lại một đường ống loại lớn xả trực tiếp ra biển. Dọc bờ biển của 2 thôn này kéo dài hơn 3km có 5 khu nuôi, tất cả nước thải đều xả ra biển. Tại cổng xả khu nuôi tôm thứ hai của Công ty TNHH Thủy sản Trường Hải (Công ty Trường Hải) có một lượng bùn mới còn đọng dày trên mặt cát, nước ứ đọng lại, gây mùi hôi thối nồng nặc.

Tại cống xả của Trung tâm Giống thủy sản nước mặn Phú Yên, nước thải có màu xanh đậm, sủi bọt trắng và bốc mùi hôi tanh. Đi vào bên trong cách bờ biển khoảng 100m, có một cống xả đúc bằng bê tông khá lớn, nhưng một đoạn cống dẫn bị nứt gãy nên nước chảy tràn lan ra mặt cát tạo thành một vũng nước đọng lớn và cũng bốc mùi hôi thối. Cách khu vực cống xả thải của Trung tâm Giống thủy sản nước mặn chừng 300m thì gặp ngay cống xả nước thải từ khu nuôi tôm của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại và Vận tải Trí Huệ (Công ty Trí Huệ), xả ra biển làm cả một khu vực gần bờ có màu xanh đen, cũng bốc mùi không thua kém các khu vực kể trên. Trên bờ biển, xác tôm chết nằm rải rác dọc bờ, riêng khu vực cống thải có nhiều người dân đến đây dùng vợt để vớt tôm chết về làm thức ăn cho gia súc và làm mồi câu cá.

Ông Võ Thanh Phương cho biết thêm, thôn Phước Đồng hiện có khoảng 270 hộ dân, trong đó hầu hết sinh sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Nguồn thải gây ô nhiễm chủ yếu là phân tôm, thức ăn thừa, thậm chí còn có cả hóa chất xử lý nước, đặc biệt khi tôm chết mà xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý thì ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần xử phạt vi phạm hành chính, thế nhưng cứ xử phạt xong thì họ lại xả nước thải ra biển, gây ô nhiễm môi trường. Người dân kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện có biện pháp xử lý mạnh hơn nữa nhằm đủ sức răn đe hoặc chấm dứt hoạt động nuôi tôm ở đây đối với các doanh nghiệp vi phạm nhiều lần.

Nước xả thải từ nuôi tôm của Công ty TNHH Thủy sản Trường Hải vẫn còn đọng lại thành vũng lớn, bốc mùi hôi thối. Ảnh: ANH NGỌC
Nước xả thải từ nuôi tôm của Công ty TNHH Thủy sản Trường Hải vẫn còn đọng lại thành vũng lớn, bốc mùi hôi thối. Ảnh: ANH NGỌC

Cần có biện pháp mạnh

Theo UBND xã An Hòa Hải, tại khu vực ven biển giáp ranh giữa 2 thôn Phước Đồng và Xuân Hòa có 5 khu nuôi thủy sản của 3 doanh nghiệp và 1 tổ chức gồm Công ty Trường Hải (2 khu nuôi), Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Sao Xanh (Công ty Sao Xanh), Công ty Trí Huệ và Trung tâm Giống thủy sản nước mặn Phú Yên với tổng diện tích khoảng 30ha. Từ năm 2016, các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động nuôi thủy sản liên tục đến nay. Còn khu Trung tâm Giống thủy sản nước mặn được đưa vào hoạt động từ cuối tháng 3/2021 đến nay. UBND xã đã nhận rất nhiều phản ảnh của người dân về vấn đề gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi thủy sản ở 2 thôn này. Địa phương có báo cáo và nhiều đoàn công tác của tỉnh và huyện cũng về kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường vẫn tái diễn.

Theo UBND huyện Tuy An, năm 2013, tỉnh có quy hoạch dự án vùng nuôi tôm cao triều tại xã An Hải (nay là xã An Hòa Hải) với diện tích khoảng 20ha. Mục tiêu của dự án này là tạo khu sản xuất tôm trên cát hoàn chỉnh với hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi đồng bộ, áp dụng quy trình nuôi tiên tiến, sử dụng có hiệu quả nguồn đất cát ven biển, hạn chế tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường, giúp truy xuất được nguồn gốc để tạo ra sản phẩm tôm thương phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh nói chung và huyện Tuy An nói riêng. Khi triển khai, các doanh nghiệp này đã xây dựng đầy đủ hồ sơ, trong đó mỗi khu nuôi của từng doanh nghiệp đều có bể xử lý nước thải và phải xử lý đạt tiêu chuẩn thì mới được phép xả ra môi trường…

Ông Huỳnh Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết: UBND huyện đã nhiều lần cử cán bộ và phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh đến khu vực nuôi tôm cao triều ở xã An Hòa Hải kiểm tra, xử lý khi có phản ánh của người dân về tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường. Qua kiểm tra, phát hiện sai phạm và nhiều lần xử phạt vi phạm hành chính ở mức cao. Quan điểm của huyện là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nếu thuộc thẩm quyền của huyện, còn thuộc thẩm quyền của tỉnh thì huyện sẽ kiến nghị tỉnh xử lý. Huyện đang chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với địa phương rà soát lại, nếu doanh nghiệp nào vi phạm nhiều lần thì huyện kiên quyết kiến nghị tỉnh xử lý cứng rắn hơn, có thể cho dừng hoạt động.

Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết: Ngay sau khi Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) yêu cầu tỉnh kiểm tra, xử lý thông tin do người dân phản ánh qua đường dây nóng về các doanh nghiệp nuôi tôm xả nước thải trực tiếp ra biển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thị Nguyên Thảo đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với UBND huyện Tuy An khẩn trương kiểm tra. Ngày 8/9, Sở TN-MT thành lập tổ công tác, phối hợp với UBND huyện Tuy An đến hiện trường đã phát hiện có 3 điểm xả nước thải nuôi tôm trực tiếp ra biển. Tổ công tác đã lập biên bản, lấy mẫu nước thải gởi đi xét nghiệm, dự kiến khoảng ngày 21-23/9 sẽ có kết quả. Căn cứ vào kết quả phân tích và đối chiếu với quy định pháp luật liên quan, Sở TN-MT sẽ kiên quyết xử lý nghiêm để kịp thời chấn chỉnh sai phạm. Đối với các trường hợp tái phạm nhiều lần, Sở TN-MT sẽ đối chiếu các quy định và có báo cáo tham mưu cho UBND tỉnh quyết định.

Nguồn tin: Báo Phú Yên