Mấy ngày nay xảy ra tình trạng dịch bệnh tôm nuôi, chết rải rác và có nguy cơ lây lan diện rộng do nắng nóng gay gắt, kéo dài.
Ông Nguyễn Văn Thuất ở xã Vinh Xuân (Phú Vang) cho biết, tôm chân trắng nuôi trên cát đến thời điểm này khoảng 2,5 tháng. Tôm sắp đến đến thời kỳ thương phẩm, chừng 1,5 tháng nữa có thể thu hoạch. Tuy nhiên do nắng nóng kéo dài, gay gắt, môi trường thay đổi đột ngột khiến tôm bắt đầu bị bệnh, chết rải rác.
Qua kiểm tra của cán bộ thủy sản, tôm bị bệnh hồng thân. Đây là loại bệnh khá nguy hiểm, hiếm khi xuất hiện trên tôm nuôi. Ngoài hộ ông Thuất, trên địa bàn xã Vinh Xuân cũng có một số ao hồ nuôi xuất hiện một số loại bệnh trên tôm chân trắng, trong đó chủ yếu bệnh hồng thân.
Tại vùng nuôi tôm trên cát xã Phong Hải (Phong Điền) cũng xuất hiện một số bệnh trên tôm chân trắng, trong đó có loại bệnh nguy hiểm là bệnh phân trắng. Ông Nguyễn Xuân Hòa ở xã Phong Hải cho biết, đến thời điểm này, tôm nuôi khoảng 3 tháng, chừng một tháng nữa cho thu hoạch. Trong lúc đang hy vọng thì bệnh xảy ra, tôm chết rải rác khiến ông Hòa cũng như nhiều hộ nuôi lo lắng.
Ông Hòa chia sẻ, khi mùa nắng nóng bắt đầu, ông và các hộ nuôi triển khai các biện pháp ứng phó, bảo vệ tôm chân trắng. Tuy nhiên diễn biến thời tiết khó lường, nắng nóng quá gay gắt, kéo dài, môi trường thay đổi đột ngột khiến sức khỏe tôm không ổn định, ăn kém, đề kháng không đảm bảo nên xảy ra dịch bệnh, chết. Cán bộ thủy sản đang hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, hạn chế nguy cơ lây lan diện rộng.
Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu lo lắng, diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường như hiện nay khiến tôm nuôi có nguy cơ dịch bệnh rất cao. Bệnh phân trắng đã xảy ra, cán bộ thủy sản phối hợp với chính quyền địa phương đang hướng dẫn người dân xử lý. Tuy nhiên, một số bệnh nguy hiểm như đốm trắng… có nguy cơ bùng phát, vì vậy ngành thủy sản cần hỗ trợ, giúp địa phương, các hộ nuôi các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, tránh lây lan diện rộng.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, ngoài thời tiết nắng nóng, diễn biến phức tạp, qua kiểm tra thực tế, các hộ nuôi tôm chân trắng còn lấy nước trực tiếp đưa vào ao nuôi, hoặc nước từ ao nuôi xả thải trực tiếp ra môi trường. Người dân thiếu sự quan tâm nghiên cứu, xử lý các chất khi sử dụng chế phẩm sinh học, chất xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản… Đây là những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ dịch bệnh mà ngành thủy sản đang hướng dẫn người dân khắc phục, cải tiến để đảm bảo nghề nuôi bền vững hơn.
Môi trường tại một số vùng nuôi thủy sản đầm phá cũng thay đổi đột ngột, diễn biến phức tạp. Ghi nhận tại vùng nuôi xã Phú Xuân, một số yếu tố môi trường cao gấp rưỡi, gần gấp đôi ngưỡng cho phép, kèm theo nhiệt độ nước ở mức cao gây hại sức khỏe, bất lợi cho thủy sản nuôi.
Trong khi đó, kết quả quan trắc chỉ tiêu độ kiềm ở một số địa phương như xã Quảng Công, thị trấn Sịa (Quảng Điền), các xã Vinh Thanh, Phú Xuân (Phú Vang) ở ngưỡng quá thấp, dẫn đến hiện tượng bất thường cho thủy sản như giảm ăn, bơi quanh sát bờ ao và rất dễ bị bệnh.
Các vùng nuôi trên cần phải có phương án lấy nước và xử lý nước phù hợp để tránh làm “sốc” cho các vật nuôi trong ao. Người nuôi cần chuẩn bị đầy đủ nguồn nước để cấp vào ao, xử lý, điều hòa môi trường, theo dõi các yếu tố môi trường để thay đổi chế độ, khẩu phần thức ăn hợp lý, tránh dư thừa gây ô nhiễm, bổ sung các loại dinh dưỡng, chế phẩm sinh học nhằm tăng đề kháng cho tôm nuôi.