Thứ Ba, 1/06/2021, 14:00

MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP TRÊN CÁ RÔ PHI VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG, TRỊ BỆNH

ể đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn cá rô phi đơn tính trong quá trình nuôi, bà con chú ý tới một số bệnh và biện pháp phòng.

Bệnh xuất huyết do cầu khuẩn Streptococcus sp

Khi cá mắc bệnh, đầu tiên cá yếu bơi lờ đờ, kém ăn hoặc bỏ ăn, hậu môn, gốc vây chuyển màu đỏ; mắt, mang, cơ quan nội tạng và cơ xuất huyết; máu loãng; gan, thận, lá lách mềm nhũn. Cá bệnh nặng bơi quay tròn không định hướng, mắt đục và lồi ra, bụng trương to.

Bệnh xuất huyết do cầu khuẩn Streptococcus sp

Bệnh gặp ở nhiều loài cá nước ngọt. Khi nuôi cá rô phi năng suất cao (nuôi thâm canh), cá dễ mắc bệnh. Bệnh có thể lây cho người khi chế biến cá không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phòng trị bệnh bằng cách bón vôi bột hoặc vôi tôi cho ao nuôi với liều lượng 1-2kg/100m3 (2 – 4 lần/tháng). Dùng thuốc kháng sinh Erythromyxin hoặc thuốc KN-04-12 trộn vào thức ăn cho cá với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và cho cá ăn 5-7 ngày liên tục. Sử dụng Vitamin C để tăng sức đề kháng phòng bệnh cho cá.

Bệnh viêm ruột do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra

Bệnh tương tự bệnh xuất huyết do cầu khuẩn Streptococcus sp. Bệnh tích điển hình ruột trương to, chứa đầy hơi. Thường gặp ở cá rô phi nuôi thương phẩm và cá bố mẹ nuôi sinh sản khi môi trường nuôi bị ô nhiễm, đặc biệt là thức ăn không đảm bảo chất lượng.

Phòng và điều trị bệnh bằng cách dùng một số kháng sinh cho cá ăn như Erythromyxin với liều lượng tương tự như đối với bệnh xuất huyết do cầu khuẩn Streptococcus sp hoặc sử dụng Oxytetramyxin.

Bệnh trùng bánh xe

Dấu hiệu bệnh: Khi mới mắc bệnh, trên thân và vây cá có nhiều nhớt màu hơi trắng đục, ở dưới nước thấy rõ hơn so với khi bắt cá lên cạn. Da cá chuyển màu xám; cá cảm thấy ngứa ngáy, thường nổi từng đàn lên mặt nước, một số con tách đàn bơi quanh bờ ao. Khi bệnh nặng trùng bám dày đặc ở vây, mang, phá huỷ các tơ mang làm cho cá bị ngạt thở, những con bệnh nặng mang đầy nhớt và bạc trắng. Cá bơi lội mất phương hướng, cuối cùng cá lật bụng mấy vòng, chìm xuống đáy ao và chết.

Phân bố và lan truyền bệnh: Trùng bánh xe gây bệnh chủ yếu ở giai đoạn cá giống và là bệnh ký sinh đơn bào nguy hiểm nhất của giai đoạn này. Khi ương cá trong nhà, bệnh gây tỷ lệ chết cao 70-100%. Bệnh thường phát vào mùa xuân, mùa thu, khi nhiệt độ nước 25-300C.

Phòng trị bệnh: Dùng nước muối NaCl 2-3% tắm cho cá 5-15 phút, dùng formalin nồng độ 200-250 ppm (200-250 ml/m3) tắm trong 30-60 phút hoặc nồng độ 20-25 ppm (20-25 ml/m3) phun xuống ao.

Bệnh do vi rút Tilapia Lake Virus (TiLV)

Để chủ động phòng, chống bệnh do vi rút TiLV trên cá rô phi, người nuôi cần nắm vững một số đặc điểm, dấu hiệu bệnh: Vi rút TiLV gây bệnh ở các loài cá rô phi nuôi. Cá ngoài tự nhiên khi mắc bệnh, tỷ lệ chết từ 9-90%; bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu tập trung ở cá giống (cá con). Cá rô phi đỏ (cá diêu hồng) giống nuôi trong lồng khi bị nhiễm bệnh, tỷ lệ chết có thể lên tới 90% trong vòng một tháng sau thả. Bệnh lây từ cá bệnh sang cá khỏe trong cùng ao nuôi, trang trại, qua nguồn nước, dụng cụ,…

Bệnh gây chết cao trong đàn cá nuôi, đặc biệt ở cá nhỏ. Do đó khi thấy hiện tượng cá rô phi nuôi chết nhiều, không rõ nguyên nhân có thể nghi do vi rút TiLV gây ra. Cá mắc bệnh có biểu hiện giảm ăn, màu sắc cơ thể sẫm màu hơn so với bình thường; tập trung nhiều ở bề mặt ao, bơi lờ đờ, không kéo đàn sau đó chết. Các dấu hiệu bên ngoài có thể có gồm: Vảy cá dựng lên, có thể bong tróc; đuôi bị ăn mòn; lở loét từ dạng điểm đến từng mảng trên da; mắt cá mờ đục, bị teo lại hoặc lồi ra; mang tái nhợt; xoang bụng và hậu môn phình to.

Bệnh TiLV trên cá rô phi do vi rút gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy cần tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn cá nuôi để phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh. Khi nghi ngờ hoặc phát hiện bệnh do vi rút TiLV gây ra trên cá rô bà con cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, trong đó lưu ý các biện pháp: Chọn mua cá giống ở các cơ sở sản xuất giống có uy tín; với cá giống được mua ngoài địa bàn tỉnh cần phải được kiểm dịch của cơ quan thú y nơi cung cấp; Cá rô phi trước khi thả nuôi cần được lấy mẫu gửi phòng thử nghiệm có đủ năng lực để xét nghiệm sàng lọc đối với mầm bệnh TiLV; Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, tăng cường quản lý ao nuôi để hạn chế mầm bệnh lây lan qua dụng cụ, phương tiện và con người (sử dụng các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng); Khi phát hiện cá rô phi chết nhiều bất thường, phải báo ngay cho cơ quan thú y nơi gần nhất để triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống; Tuyệt đối không vận chuyển cá rô phi sống từ các ao nuôi đã bị bệnh sang các ao/vùng nuôi không bị bệnh để hạn chế dịch bệnh lây lan; Không vứt xác cá chết, cá bệnh, xả thải nước ao nuôi bị bệnh nhưng chưa qua xử lý ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh; xử lý cá chết và chất thải theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

Nguồn: sonnptnt.vinhphuc.gov.vn

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận