Thứ Tư, 1/09/2021, 8:30

Cà Mau: phấn đấu sản xuất lúa tôm với diện tích 36.220 ha trong năm 2021 (29-08-2021)

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau ban hành Kế hoạch sản xuất lúa tôm năm 2021. Theo đó, trên địa bàn tỉnh phấn đấu sản xuất lúa tôm với diện tích 36.220 ha trong năm 2021.

Kế hoạch đưa ra mục tiêu tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất lúa tôm đạt diện tích, sản lượng năm 2021. Tổ chức lại sản xuất lúa tôm thích ứng biến đổi khí hậu nhằm tận dụng và khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của vùng lúa tôm, đẩy mạnh hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa tôm theo chuỗi giá trị qua đó phát triển ổn định bền vững các vùng sản xuất lúa tôm góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế nông hộ nâng cao thu nhập cho người dân.

Cụ thể, phấn đấu tổng diện tích xuống giống lúa tôm năm nay là 36.220 ha, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, huyện Thới Bình là 18.000ha, huyện U Minh trên 15.220ha, huyện Trần Văn Thời là 2.000ha, huyện Cái Nước là 500ha và thành phố Cà Mau là 500ha. Để nâng cao hiệu quả và hạn chế thiệt hại trong sản xuất lúa tôm, từng địa phương, từng vùng, tiểu vùng đã có kế hoạch tổ chức lại sản xuất, trên cơ sở xác định những vùng sản xuất đủ điều kiện thuận lợi, vùng sản xuất khó khăn, qua đó có giải pháp bố trí lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa, kỹ thuật canh tác phù hợp. Bên cạnh đó, mở rộng vùng nguyên liệu liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa tôm với các doanh nghiệp. Trong đó, xây dựng các vùng nguyên liệu lúa tôm an toàn, lúa tôm sinh thái, hữu cơ quy mô 25.000ha cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp.

Để quyết tâm phấn đấu thực hiện các mục tiêu trên, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau: các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo ở cơ sở để hỗ trợ địa phương và người dân sản xuất lúa tôm đạt hiệu quả; chuẩn bị tốt các điều kiện cho sản xuất lúa tôm như máy móc cải tạo làm đất, lúa giống, nguyên liệu vật tư phục vụ sản xuất lúa tôm; tổ chức lại sản xuất lúa tôm theo từng vùng tập trung, quy mô lớn có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng các vùng nguyên liệu lúa tôm sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp bao tiêu thu mua.

Xác định những vùng, tiểu vùng có đủ điều kiện, tập trung chỉ đạo bố trí sản xuất ăn chắc vụ lúa tôm. Những vùng điều kiện sản xuất lúa tôm khó khăn, bấp bênh không đảm bảo, hàng năm hay xảy ra thiệt hại không khuyến cáo sản xuất để tránh thiệt hại. Rà soát, đánh giá phân ra các vùng, tiểu vùng có mức độ nhiễm mặn khác nhau như nhiễm mặn cao, mặn thấp, mặn chậm để bố trí thời vụ và cơ cấu giống lúa cho phù hợp. Đối với các vùng sản xuất lúa tôm ổn định, bố trí phân vùng sản xuất lúa tôm chất lượng cao, vùng sản xuất lúa tôm sinh thái, hữu cơ cung cấp nguyên liệu cho xuất khẩu,.. Cùng đó, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về sản xuất lúa tôm,  đặc biệt thông tin kịp thời, nhanh chóng về diễn biến thời tiết, những giải pháp ứng phó để địa phương và người dân chủ động sản xuất, phòng tránh rủi ro thiên tai. Tăng cường công tác tuyên truyền tư vấn, tập huấn chuyển đổi cơ cấu giống lúa, quy trình sản xuất lúa tôm cho nông dân sản xuất đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và thị trường. Đồng thời, tuân thủ lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa cho sản xuất lúa tôm năm 2021, trên cơ sở đó các địa phương xây dựng lịch thời vụ cụ thể, bố trí sản xuất chặt chẽ ở từng địa bàn xã, ấp nhằm tránh rủi ro giảm thiệt hại,..

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, lượng mưa để chủ động quản lý nước, tháo nước nếu mưa nhiều ngập lúa, luôn giữ mực nước thích hợp theo chiều cao cây lúa trong suốt vụ, tránh để ruộng khô thiếu nước làm tăng độ mặn; thường xuyên kiểm tra độ mặn để kịp xử lý và gia cố bờ bao hạn chế xâm nhập mặn, nhất là thời điểm cuối mùa mưa; tùy điều kiện từng vùng đất sử dụng loại phân và lượng phân bón hợp lý. Tăng cường sử dụng các loại phân bón chuyên dùng cho lúa tôm, phân bón hữu cơ, sinh học để chống chịu điều kiện mặn, giải độc mặn cây lúa. Đặc biệt, nên chọn phân bón chứa chất trung lượng Canxi, Magiê, Siclic, phân bón lá sinh học áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM,.. khuyến cáo người nuôi sử dụng các chế phẩm sinh học, không sử dụng thuốc hóa học gây tác động xấu cho môi trường nuôi tôm.Bên cạnh thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, thì các giải pháp kỹ thuật sản xuất lúa tôm là một trong những yếu tố quan trọng được ngành chức năng quan tâm triển khai một cách sâu rộng. Theo đó, người sản xuất cần tập trung cải tạo rửa mặn ngay đầu mùa mưa đến tháng 9 năm 2021, đảm bảo độ mặn giảm dần trong ruộng và giảm đến mức dưới 2‰ trước khi gieo cấy lúa 15 ngày. Cùng với đó, thực hiện kết hợp rửa mặn bằng nước mưa  với các biện pháp như cày, trục bón vôi, xẻ rãnh trên mặt ruộng để tháo rửa mặn nhanh triệt để. Riêng những vùng có độ mặn cao, hàng năm sản xuất khó khăn cần kết thúc vụ nuôi tôm sớm, tháo khô ruộng để chủ động rửa mặn.

Kế hoạch đưa ra mục tiêu phấn đấu sản xuất lúa tôm với diện tích 36.220 ha trong năm 2021 được triển khai đến các ban ngành đoàn thể, các địa phương, đơn vị liên quan để phối hợp thực hiện. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động xây dựng kế hoạch để thực hiện đạt được mục tiêu phấn đấu sản xuất lúa tôm năm 2021 đạt hiệu quả cao.

Thanh Thủy

Nguồn: Tongcucthuysan.gov.vn

2 thoughts on “Inforgraphic: Tổng quan ngành Tôm giống Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *