Thứ Hai, 23/08/2021, 14:00

Bệnh đỏ thân: Mối đe dọa cho người nuôi tôm

 Bệnh do virus WSSV gây ra, xuất hiện từ giai đoạn ấu trùng đến giai đoạn tôm thương phẩm, tuy nhiên giai đoạn phát triển mạnh nhất là từ tháng nuôi đầu tiên đến tháng nuôi thứ 2 (khi tôm đạt từ 4 – 15g và vào thời khắc trước chu kỳ lột xác tôm dễ mắc bệnh nhất), có thể gây thiệt hại lên đến 100% ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh tế của vụ nuôi.

Ảnh: Biểu hiện đỏ thân trên tôm thẻ và tôm sú
Ảnh: Biểu hiện đỏ thân trên tôm thẻ và tôm sú

Như vậy ngoài kĩ thuật nuôi bà con cần tìm hiểu kỹ về những dịch bệnh trên tôm, giúp bà con có thể phòng tránh kịp thời và hạn chế tối đa những rủi ro về kinh tế. Dưới đây là một số thông tin về căn bệnh đỏ thân ở tôm sú, tôm thẻ chân trắng mà bà con cần biết để phòng ngừa cho ao nuôi của mình.

Nguyên nhân bị đỏ thân trên tôm sú, tôm thẻ?

Virus WSSV là tác nhân chính gây bệnh đỏ thân trên tôm sú. Ngoài ra, nhóm vi khuẩn Vibrio (Stapphylococus spl, Vibrio vulnificusV.anginolyticus) tuy không là tác nhân chính gây bệnh nhưng chúng tác động khiến dịch bệnh bùng phát nhanh chóng trong diện rộng. Khi tôm bị nhiễm bệnh sẽ nhanh chóng bị bội nhiễm, bùng phát hội chứng chết đỏ, đặc biệt vào mùa đông xuân khi mà nhiệt độ xuống thấp dưới 300C.

Dấu hiệu tôm bị đỏ thân

Bệnh đỏ thân trên tôm sú, tôm thẻ với các biểu hiện của bệnh lý rất rõ ràng có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Khi tôm nhiễm bệnh, xuất hiện các dấu hiệu như: tôm yếu, tiêu thụ thức ăn kém, ruột rỗng không có thức ăn, bơi lờ đờ tấp mé, cơ thể tôm chuyển sang màu hồng hoặc đỏ bầm (1 số trường hợp đỏ từ đốt đuôi trở lên). Xuất hiện đốm trắng với kích cỡ 0,5 – 2 mm ở vỏ tôm, đặc biệt ở phần giáp đầu ngực, đồng thời thân tôm chuyển sang màu đỏ. Khi giải phẫu quan sát thấy gan tụy của một số con có màu trắng xám. Tôm có thể chết rải rác sau khi nhiễm bệnh, bệnh lây lan nhanh sau 5-7 ngày nhiễm bệnh tỷ lệ chết có thể lên đến 100% ao nuôi. Nguyên nhân của việc tôm chết rải rác là bởi nguồn tôm giống khác nhau và thời điểm bị nhiễm bệnh cũng là khác nhau.

Cách phòng bệnh đỏ thân trên tôm sú, tôm thẻ

Theo các kết quả nghiên cứu cho biết, hiện nay bệnh đỏ thân ở tôm có 3 nguyên nhân gây bệnh, đó là do nhiễm virus, do môi trường và nhiễm khuẩn. Tôm bị nhiễm bệnh do môi trường và nhiễm khuẩn có thể xử lý, khắc phục được, còn những tôm bị nhiễm bệnh do virus thì chưa có biện pháp hữu hiệu để điều trị. Do vậy, việc phòng bệnh ngay từ ban đầu là việc cần thiết và rất quan trọng.

Phòng bệnh

Hiện tại hội chứng chết đỏ thân mới chỉ áp dụng các phương pháp phòng bệnh, chưa có liệu pháp trị bệnh. Để phòng được hội chứng chết đỏ ở tôm thẻ chân trắng cần phải chú ý hai yếu tố quan trọng nhất là phải chọn con giống sạch bệnh và hạn chế nuôi tôm thẻ chân trắng trong điều kiện nhiệt độ thấp.

Sử dụng phương pháp PCR để loại bỏ các con giống bị nhiễm virus WSSV. Chọn mùa vụ nuôi thích hợp. Nếu nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông xuân thì phải chủ động phương pháp điều chỉnh nhiệt độ trong môi trường nuôi như phương pháp nuôi tôm trong nhà bạt.

Ngoài ra còn phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho tôm, tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho tôm, giảm sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh trong nước, tránh hiện tượng bội nhiễm trên tôm nuôi.

Cần có biện pháp cải tạo ao nghiêm ngặt, đánh chlorine cho ao để diệt sạch giáp xác hoang dã, động vật đáy có thể mang mầm bệnh. Ổn định môi trường nuôi bằng cách đánh vi sinh định kỳ thậm chí đánh hằng ngày với liều lượng thấp.

Sát trùng ao nuôi bằng chlorine để tiêu diệt giáp xác và các mầm bệnh virus, vi khuẩn trong môi trường ao nuôi trước khi đưa tôm vào nuôi. Làm lưới chắn cẩn thận để kiểm soát địch hại mang mầm bệnh từ bên ngoài vào môi trường nuôi.

Góc hỏi đáp:

Hỏi: Ao rộng 1.000 m2, sâu 1,2 m thả tôm thẻ chân trắng được 2 tháng thì xuất hiện tôm bị bệnh hồng thân và chết, lây lan, đã tát cạn ao. Hỏi cách xử lý, bao giờ có thể thả tôm mới?

Trả lời: Theo mô tả thì tôm chết có thể vì bệnh đỏ thân do virus. Khắc phục: Xử lý toàn bộ đáy ao bằng vôi bột 10 – 15 kg/100 m2 ao hoặc có thể xử lý bằng các loại hóa chất diệt khuẩn khác được phép của Bộ NN&PTNT. Phơi khô ao thời gian tối thiểu 30 ngày, sau đó đưa nước vào ao lắng. Xử lý nước tại ao lắng sau đó cấp vào ao nuôi qua túi lọc, gây màu rồi thả tôm theo kỹ thuật hướng dẫn. Chú ý mua tôm giống ở cơ sở có uy tín, có giấy kiểm dịch của cơ quan chuyên ngành.

Vũ Hải

Nguồn: Nguoinuoitom.vn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *