Thứ Năm, 16/11/2023, 13:00

Những loài cá rô phi ngoại lai gây hại

Một số loài cá rô phi ngoại lai từng là một đối tượng thủy sản có giá trị cao, nhưng trong nhiều năm trở lại đây, chúng đã trở thành một mối nguy hại lớn bởi loài cá ngoại lai này đã gây ra những thiệt hại đáng kể về môi trường và kinh tế.

Một số loài cá rô ngoại lai gây hại

Cá rô phi đen

Cá rô phi đen (Oreochromis mossambicus) là loài ăn tạp, có thân màu xám tro hoặc nâu và khá giống hình thoi. Loài cá này có mõm tròn, mắt nhỏ, phần bụng màu xám trắng, vảy hơi đen ở phần lưng, mép rìa vây lưng và điểm nhấn là chiếc vây có màu phớt hồng.

Cá rô phi đen có nguồn gốc từ châu Phi nhưng lại là loài cá rất quen thuộc với người dân nước ta. Bởi cách đây rất lâu, nhiều người “đổ xô” nuôi loài cá này, nhưng sau đó nhận thấy hiệu quả kinh tế không cao nên đa phần người dân thả chúng ra môi trường tự nhiên. Điều này vô tình dẫn đến tình trạng cá rô phi đen trở thành loài có sức tàn phá, thậm chí chúng còn được cho là có khả năng gây hại cao hơn cả ốc bươu vàng và chuột.

Ngoài khả năng chịu nhiệt cao (từ 35-40oC), cá rô phi đen còn có tốc độ sinh sản rất nhanh nên mức độ gây hại của loài này hiện đang ở mức báo động. Không chỉ gây ảnh hưởng đến những loài cá cùng chung sống, vào giai đoạn đầu vụ, cá rô phi còn cắn phá lúa non gây thiệt hại nghiêm trọng đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân.

Cá rô phi đen thường cắn phá lúa non. Ảnh: vecteezy.com

Cá rô phi biển

Cá rô phi biển (Caesio caerulaurea) là loài được nhiều người có thú chơi cá cảnh nước mặn bởi chúng không quá đắt đỏ nhưng vừa có màu sắc đẹp, vừa có khả năng kháng bệnh cao. Cá rô phi xanh là có thân thon dài với hai màu chủ đạo là xanh và trắng. Cụ thể, phần thân trên của chúng hơi xanh, còn thân dưới có màu trắng nhạt thiên xanh. Điểm đặc biệt của loài cá này là chúng có một dải màu vàng phía trên thân chạy dọc đến đuôi và càng nghiêng về màu thẫm đen trên vây đuôi.

Cá rô phi biển không có tập tính di cư và thường phân bố ở các vùng ven biển, đầm phá sâu, quanh rạn san hô tại một số nơi trải từ Ấn Độ đến Tây Thái Bình Dương. Thức ăn của chúng khá đa dạng, bao gồm động vật thân mềm tầng đáy và động vật phù du.

Khi chưa trưởng thành, cá rô phi biển có màu sắc rất đẹp nhưng càng về sau màu sắc trên thân chúng sẽ dần nhạt đi khiến tổng thể không còn bắt mắt. Quan trọng hơn, chúng trở thành mối nguy cho những loài cá cùng môi trường chung sống bởi chúng không chỉ cạnh tranh thức ăn, không gian sống của đồng loại mà còn ăn cả các polyp san hô mềm.

Cá rô phi biển ăn cả các polyp san hô mềm. Ảnh: google.com

Cá rô phi xanh

Cá rô phi xanh (Oreochromis aureus) là một loài cá bản địa ở Tây Phi và Trung Đông. Chúng có thân hình màu hơi tím và vảy khá sáng bóng. Thông thường, cá rô phi xanh có vây đuôi màu sọc đen đậm và viền vi lưng, vi đuôi màu hồng nhạt.

Trước đây, chúng là loài cá mang lại giá trị kinh tế cao nên được du nhập vào nhiều quốc gia nhưng hiện tại cá rô phi xanh dần bộc lộ nhiều khả năng gây hại nên dần bị chính quyền một số nước như Nevada, Florida,… “cấm cửa”. Ban đầu, cá rô phi xanh được thả nuôi với mục đích kiểm soát thực vật thủy sinh trong các trang trại nuôi cá và các hồ. Tuy nhiên, sau một thời gian thì loài cá này đã ăn hết các loại thức ăn tự nhiên: mùn, sinh vật phù du, ấu trùng, thực vật thủy sinh và còn xâm chiếm không gian cũng như cạnh tranh với các loài bản địa.

Với tốc độ sinh sản đáng báo động ngay cả ở điều kiện môi trường không thuận lợi (bao gồm nước nước ngọt, nước phèn nhẹ, nước lợ có thể độ mặn tới 32%o), cá rô phi đã khiến một loài cá bản địa tuyệt chủng tại hệ thống sông Muddy. Để có thể diệt trừ cá rô phi xanh tại đây, họ đã phải chi trả hơn 600.000 USD trong vòng 5 năm.

Cá rô phi xanh là loài cá bị nhiều nước “cấm cửa”. Ảnh: www.biolib.cz

Những biện pháp giảm thiểu tình trạng gây hại của cá rô phi ngoại lai

Trước sự gây hại của cá rô phi đen, người dân đã áp dụng những biện pháp như: Đánh bắt để bán cho các hộ chế biến thức ăn chăn nuôi hay đưa đi chôn hủy. Bên cạnh đó, việc tổ chức tháo nước để phơi khô diệt cá trong hệ thống kênh mương cũng được thực hiện.

Khi nuôi cá rô phi biển làm cá cảnh, người nuôi có thể áp dụng phương pháp nuôi độc lập loài cá này khi trưởng thành để tránh việc chúng xâm lấn, đe dọa những loài cá khác. Đồng thời, đảm bảo nguồn nước cũng như chế độ ăn của cá rô phi biển hợp lý để hạn chế và kiểm soát mức độ gây hại của chúng.

Đối với trường hợp gây hại của cá rô phi xanh, hiện nay một số quốc gia đã đưa ra các chính sách giảm thiểu tiêu thụ loài cá này và tổ chức đánh bắt và thậm chí là thiêu hủy chúng.

Tóm lại, đến nay các chuyên gia vẫn chưa tìm được giải pháp thỏa đáng để giảm thiểu mức độ gây hại của những loài cá rô phi ngoại lai mà không làm phát sinh những vấn đề về môi trường và kinh tế. Do đó, chúng ta phải nỗ lực duy trì những biện pháp tối ưu trước mắt để hạn chế khả năng gây hại của những loài này. Trong thời gian sắp tới người dân rất mong có được sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên ngành để có được những biện pháp xử lý mang hiệu quả lâu dài.

Nguyệt Hoa

Tép Bạc