Nhiều hộ tại Thanh Hóa chưa dám thả vụ 3 do sợ tôm không phát triển được trong nền nhiệt thấp. Tuy nhiên, người nuôi tôm trong nhà màng vẫn ung dung thả giống.
Dọc các vùng nuôi tôm của huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) hiện có rất nhiều đầm tôm được cải tạo chuẩn bị thả vụ nuôi đầu tiên trong năm 2022. Tuy nhiên, người nuôi tôm cho biết, nhiệt độ lên xuống thất thường khiến những đầm nuôi dù đã được vệ sinh, khử trùng nhưng chưa thể thả con giống.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, một người có 3 ha nuôi tôm thẻ chân trắng tại thôn Sơn Trang, xã Hoằng Yến (huyện Hoằng Hóa) cho biết, gia đình ông đang chờ nền nhiệt ổn định để thả tôm giống. Những vụ nuôi trước, khi thời tiết chưa ổn định, ông đưa con giống về ương dèo rồi thả nhưng khi bị sốc nhiệt, tỷ lệ tôm chết rất cao.
Cũng vì nuôi tôm ngoài trời, dù đáy lót bạt nhưng phụ thuộc vào thời tiết nên mỗi năm ông chỉ thả được 2 vụ tôm. Vụ tôm thứ 3 trong năm, 3 ha đầm tôm của ông và các hộ dân ở đây hầu như chỉ bỏ không.
Ông Nghĩa chỉ cho chúng tôi tìm đến đầm tôm của gia đình ông Nguyễn Đình Giáp cùng thôn để tìm hiểu về nuôi tôm trong nhà màng. Nhờ nuôi tôm trong nhà màng, ông Giáp đã nuôi được tôm vụ 3 và đến thời điểm này đã có thể xuất tôm thương phẩm, size 65-70 con/kg với giá 180 nghìn đồng/kg, tức là cao hơn tôm thời vụ những 40 nghìn đồng/kg.
“Thời tiết ở vùng biển Bắc Trung bộ khắc nghiệt và nhiệt độ lên xuống rất thất thường. Tôm thẻ chân trắng rất mẫn cảm với thời tiết nên khi gặp điều kiện bất lợi rất dễ bị chết hàng loạt. Sau 6 năm nuôi tôm, lúc được lúc thua thì tôi quyết định làm nhà màng để chủ động trong việc thả tôm giống và đặc biệt có thể nuôi được tôm vụ 3” – ông Giáp cho hay.
Theo ông Giáp, 1 ha nuôi tôm của gia đình ông được chia làm 8 ô, mỗi ô 800m2. Diện tích còn lại ông làm ao lắng, ao chứa và ao cấp. Bình quân, đầu tư cho 1 ha nhà màng nuôi tôm chi phí hết khoảng 2,7 tỷ đồng. Biết là chi phí lớn nhưng vì muốn nuôi hiệu quả, lâu dài ông Giáp quyết định dồn vốn đầu tư. Giữa năm 2021, công trình nhà màng rộng 6.400 m2 của gia đình ông được hoàn tất. Ngoài 2 lứa tôm vụ xuân và vụ thu, năm 2021, ông đã nuôi tôm vụ 3 trong nhà màng. Tuy nhiên, vì lo lắng đến khả năng thành công ông cũng chỉ dám thả nuôi thử nghiệm 1/2 diện tích.
Đến thời điểm đầu tháng 3/2022, khi trên 3 nghìn m2 nuôi tôm đã xuất bán được 1/2 sản lượng ông Giáp mới tin là mình đã thành công.
“Hiện tôi đã bán được 5 tấn tôm thương phẩm trong tổng số khoảng 10 tấn. Thời điểm size 100 con/kg tôi bán vào dịp tết với giá 140 nghìn đồng/kg. Một nửa sản lượng hiện đã cho size 65-70 con/kg. Nếu xuất bán thời điểm này cũng được 180 nghìn đồng/kg. Nhờ thành công bước đầu này, thời gian tiếp theo tôi sẽ thả con giống luân phiên để đảm bảo trong đầm lúc nào cũng có tôm thương phẩm xuất bán”- ông Giáp chia sẻ.
Trước thực tế nghề nuôi trồng thủy sản ở Hoằng Yến phát triển mạnh, năm 2015, ông Nguyễn Đình Giáp đã cùng 11 hộ nuôi tôm thành lập HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Hoằng Yến với tổng diện tích nuôi công nghiệp gần 100 ha. Ban đầu, các hộ chủ yếu nuôi quảng canh sau đó chuyển sang nuôi tôm công nghiệp lót bạt trên cát. Tuy nhiên, vài năm lại đây, nghề nuôi tôm được mất thất thường khiến nhiều hộ lâm vào cảnh khó khăn.
Thấy cách làm của ông Giáp hiệu quả, hiện nay các xã viên HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Hoằng Yến đã học theo và xây dựng được 15 ha nhà màng để nuôi tôm thẻ chân trắng.
Ngoài hộ ông Giáp, một số hộ nuôi trong HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Hoằng Yến hiện đã được chứng nhận sản phẩm VietGap. Theo ông Giáp, đây là hướng đi tất yếu khi người tiêu dùng ngày càng thông thái và tìm đến những sản phẩm chất lượng.
Võ Dũng – Công Điền
Theo Nông nghiệp Việt Nam