Thứ Hai, 28/03/2022, 8:49

Mô hình nuôi cá sộp cho hiệu quả kinh tế cao

Vốn năng động, luôn tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, ông Lương Văn Thu là một trong những người đầu tiên ở thôn Kênh, xã Yên Thành, huyện Yên Mô ( Ninh Bình) nuôi thành công cá sộp trong ao, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Thu cho cá sộp ăn cám công nghiệp, sử dụng bằng máy bắn thức ăn nên cá phát triển nhanh, đồng đều.

Theo chân cán bộ xã Yên Thành, chúng tôi tới thăm mô hình nuôi cá sộp của gia đình ông Thu. Rót chèn trà mời khách, ông Thu kể: ” Gia đình tôi thuần nông, thu nhập chỉ trông chờ vào 3 tấn lúa/2 vụ/năm. Mặc dù đã nỗ lực, bằng việc nuôi thêm con gà, con bò, đào ao thả cá, làm cả nghề đan bèo bồng… nhưng kinh tế cũng không khấm khá lên được.

Tình cờ, một lần xem tivi, tôi thấy người ta nuôi cá sộp cho doanh thu bạc tỷ mỗi năm nên nảy ra ý định nuôi giống cá này. Tôi dành nhiều thời gian đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm và tìm hiểu kỹ thuật nuôi thông qua sách, báo, mạng internet”…

Cá sộp là loại cá có sức sống mạnh mẽ, thích nghi tốt trong môi trường nước thiếu ô xy, chịu được lạnh; chúng ăn tạp, ngoài côn trùng, tôm cá nhỏ, nó còn ăn cả thức ăn chế biến. Quan trọng hơn, đây là loại cá có chất lượng thịt thơm ngon, dai, ít xương dăm, được thị trường rất ưa chuộng. Hiện tại, giá cá sộp đang ở mức cao và nguồn cung thì luôn thiếu hụt so với nhu cầu.

Ông Thu cho biết: “Mặc dù cá sộp là loài dễ nuôi, nhưng đây là đối tượng nuôi mới, đòi hỏi có vốn ban đầu khá, đặc biệt ao nuôi phải được thiết kế an toàn, chắc chắn. May mắn được Ngân hàng CSXH tiếp sức bằng món vay 50 triệu đồng của nguồn vốn hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn nên tôi đã không ngần ngại, chuyển đổi toàn bộ diện tích ao nuôi cá truyền thống trước kia sang nuôi cá sộp”.

Vụ đầu tiên, gia đình ông Thu thả 1,7 vạn con cá giống. Do áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật phòng bệnh, chăm sóc tốt nên đàn cá sinh trưởng và phát triển nhanh, tỷ lệ con sống cao. Sau 8 tháng nuôi thả (từ tháng 2 đến tháng 10), ông xuất bán 5 tấn cá với trọng lượng mỗi con đạt 1,2 – 1,7kg, giá 41-45 nghìn đồng/ kg, tổng thu trên 200 triệu đồng.

Sau khi trừ các khoản chi phí vật tư làm ao thả cá, tiền mua giống, công chăm sóc, thức ăn… ông lãi 100 triệu đồng. Vụ thứ 2, ông Thu chuyển sang nuôi trái vụ, thả cá vào tháng 10 và thu hoạch vào tháng 5, tháng 6, tuy sản lượng cá không bằng chính vụ nhưng giá cá lúc này lên được 50-55 nghìn đồng/kg và tiền lãi tăng lên gấp rưỡi.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá sộp của mình, ông Thu cho biết: Cá sộp rất hung dữ, con cá lớn sẽ ăn con cá nhỏ hơn bất kể cùng loài hay khác loài nên khi thả giống phải thả đồng loạt một lứa cá. Bên cạnh đó, loài cá này bật nhảy rất tốt, nó có thể nhảy cao 1,5 m do vậy bờ ao phải gia cố chắc chắn, tránh thất thoát.

Thức ăn cũng là điều đáng lưu ý khi nuôi cá sộp, nếu khẩu phần ăn không hợp lý cá chậm lớn, hiệu quả kinh tế không cao. Một số hộ nuôi dùng cá tạp cho cá ăn, tuy nhiên loại thức ăn này thường gây ô nhiễm môi trường nước nếu dư thừa, chất lượng và nguồn cung không đảm bảo.

Do vậy, bà con có thể cho cá ăn cám công nghiệp để đảm bảo chất dinh dưỡng và giảm bớt các chi phí phát sinh, tạo thói quen cho cá phản xạ ăn mồi (ví dụ như cho ăn đúng giờ, gõ kẻng khi cho ăn), giúp cá phát triển đồng đều, không bị đói do không tìm được thức ăn. Ngoài ra, nguồn nước sạch là yếu tố quyết định nuôi cá sộp thành công hay thất bại, nếu ao tù nước đọng thì không thể nuôi được cá sộp.

Từ mô hình nuôi cá sộp đầu tiên của ông Thu, đến nay trên địa bàn xã Yên Thành đã có một số hộ dân khác học hỏi làm theo. Những mô hình nuôi thủy sản đáp ứng nhu cầu của thị trường như thế này góp phần phát huy tiềm năng mặt nước sẵn có của địa phương, tăng hiệu quả nuôi trồng, từ đó giúp người nông dân có thể làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Bài & ảnh: Hà Phương

Theo Báo Ninh Bình