Tôm sú được coi là một trong những đối tượng nuôi quan trọng của ngành thủy sản Việt Nam. Trong nhiều năm qua, loài này được xem là giống chính giúp đưa Việt Nam vào danh sách những nước cung cấp tôm quan trọng của thế giới. Với tầm quan trọng như vậy thì nhu cầu đáp ứng con giống là rất lớn. Trong sản xuẩt tôm sú, để tạo ra con giống tốt cần rất nhiều yếu tố như nguồn giống, dinh dưỡng, môi trường…trong đó thức ăn tự nhiên là yêu cầu không thể thiếu. Do đó, vấn đề chọn sinh vật làm thức ăn cho ấu trùng thủy sản đóng vai trò rất quan trọng.
Ở nước ta hiện nay, tỷ lệ tôm giống bố mẹ vẫn phụ thuộc nhiều vào khai thác tự nhiên dẫn đến chất lượng phôi giống không đảm bảo. Chính vì vậy, đã có rất nhiều nghiên cứu tập trung vào cải thiện ấu trùng tôm. Trong đó, phương pháp nghiên cứu sử dụng trùn quế trong ương ấu trùng tôm sú đã và đang mang lại những kết quả tích cực.
Thời kỳ ấu trùng của tôm sú gồm các giai đoạn phụ.
+) Nauplius gồm 6 giai đoạn, các nauplius mới nở kéo dài khoảng 36 – 51 giờ, sống trôi nổi trên tầng trên, dinh dưỡng bằng noãn hoàng. Cuối giai đoạn này hệ tiêu hóa bắt đầu hình thành và hoạt động.
+) Zoae gồm 3 giai đoạn, giai đoạn này kéo dài khoảng 105 – 120 giờ, cơ thể gồm 3 phầm đầu – ngực – bụng. Ấu trùng trôi nổi gần mặt nước và bắt đầu ăn lọc thực vật phiêu sinh. Thức ăn chủ yếu của chúng lúc này là tảo khuê như Chaetoceros sp hay Skeletonema sp. Nếu trong quá trình sản xuất giống nhân tạo thiếu tảo thì có thể bổ sung bằng các loại thức ăn công nghiệp như tảo khô Spirulina sp hay Lansy, AP0, AP1…
+) Mysis gồm 3 giai đoạn, ở giai đoạn này đã bắt đầu hình thành các cặp chân, đuôi bụng và có hình dạng giống tôm trưởng thành. Thức ăn của chúng lúc này là động vật phiêu sinh, ấu trùng Artemia, trong sản xuất giống thức ăn bổ sung được sử dụng là Lansy, Frippack 2, AP0, AP1.
Thành phần dinh dưỡng của trùn quế:
Trùn quế và phân trùn tươi hiện đang được sử dụng phổ biến làm thức ăn, xử lý ao nuôi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản và cũng bắt đầu được các nhà khoa học tập trung nghiên cứu nhằm ứng dụng rộng rãi hơn, đặc biệt từ nguồn đạm giàu acid amin sẽ mở ra hướng phát triển mới trong ương tôm giống.
Trùn tươi phơi khô có 93,62% vật chất khô; protein thô 59,90%; năng lượng thô 402,09 Kcalo/100g; béo thô 7,43%; xơ thô 1,73%; Ca 0,11%, P 0,118%.
Trùn tươi có: nước 80,18%; protein thô 11,76%; béo thô 1,32%; xơ thô 0,11%; Ca 0,09%; P 0,14%; tro thô 0,32%. Trùn quế perionyx excavantus có chứa 17 amino acid trong đó có 9 amino acid không thể thay thế rất cần thiết cho sự sinh trưởng và phát dục của gia súc gia cầm: Methionine, Arginine, Threonine, Phenylalanin, Histidine, Isoleucine, Leicine, Lysine, Valine. Dịch trùn quế Promin là một trong số dạng lưu trữ khác của trùn quế ở dạng nước, đây là một sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao bổ sung vitamin và amin cho vật nuôi, đặc biệt là trong thủy sản.
Bố trí thí nghiệm.
Đề tài được thực hiện gồm 6 nghiệm thức với nhân tố liều lượng và cách thức sử dụng promin khác nhau ( Không sử dụng promin , promin được trộn vào thức ăn và promin giàu hóa vào Artemia). Các thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên trong bể nhựa 60 lít với 50 lít nước. Mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần với mật độ 150 ấu trùng/ lít có độ mặn 30‰. Có hệ thống sục khí hoàn chỉnh. Ấu trùng Nauplius được định lượng và xử lý bằng formol ở nồng độ 25ppm trong thời gian 5-7 phút.
Kết Quả:
So sánh giữa các thí nghiệm cho thấy việc bổ sung trùn quế vào thức ăn với liều lượng khác nhau có tác dụng làm giảm hàm lượng TAN (tổng lượng nitơ ở dạng NH3 và NH4+ trong nước) vào cuối chu kỳ ương, riêng ở các nghiệm bổ sung dịch trùn quế bằng cách giàu hóa Artemia không làm giảm hàm lượng TAN.
Thí nghiệm cũng chỉ ra rằng, việc bổ sung dịch trùn quế theo phương pháp trộn vào thức ăn làm cho hàm lượng nitrite tăng cao. Riêng phương pháp giàu hóa Artemia làm hàm lượng nitrite ổn định va tăng chậm đến cuối chu kỳ.
Hàm lượng dinh dưỡng và yếu tố môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ấu trùng. Kết thúc thí nghiệm có sự khác biệt về chiều dài, riêng ở giai đoạn Z2, M2 có sự sai khác không quá lớn, Z2 (1,28±0,01 mm) và M2 (3,81±0,12 mm). Nguyên nhân là do ở 2 giai đoạn này lượng promin chưa được bổ sung nhiều, chất lượng nước, môi trường còn nằm trong khoảng thích hợp.
Đồng thời thí nghiệm cũng chỉ ra tỷ lệ sống ở giai đoạn Z2 là cao nhất sau đó giảm dần về sau của chu kỳ ương. Trong quá trình ương tỷ lệ sống giảm do chọn lọc tự nhiên qua các giai đoạn ấu trùng, ấu trùng ăn lẫn nhau, chất lượng nước và môi trường xấu.
Ảnh: Tỷ lệ sống qua các giai đoạn của 6 thí nghiệm
Thí nghiệm đã cho thấy ở các nghiệm thức bổ sung promin bằng phương pháp giàu hóa Artemia với liều lượng khác nhau có tác dụng làm tăng tỷ lệ sống của ấu trùng tôm sú, riêng việc bổ sung promin vào thức ăn chế biến làm tỷ lệ sống của ấu trùng thấp. Do hàm lượng dinh dưỡng trong promin hòa tan trong nước làm cho hàm lượng NO2– tăng cao dẫn đến tỷ lệ sống của phương pháp trộn promin vào thức ăn chế biến thấp hơn phương pháp giàu hóa Artemia bổ sung promin. Việc sử dụng promin theo phương pháp giàu hóa Artemia với liều lượng 5ppm có ảnh hưởng rất tích cực đến sự phát triển của ấu trùng tôm sú.
Tổng hợp từ đề tài nghiên cứu của tác giả Châu Văn Triều.