Thông qua các kênh truyền thông, một số độc giả nắm bắt thông tin về những bất cập trong nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) đang tồn tại trên biển của Quảng Ninh và mong muốn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Trên cơ sở ý kiến của bạn đọc, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Quảng Ninh.
– Xin ông cho biết về những bất cập chủ yếu trong NTTS trên toàn tỉnh hiện nay?
+ Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, Chi cục Thuỷ sản đã tiến hành kiểm tra và tổng hợp, đánh giá về hoạt động NTTS trên biển. Qua đó cho thấy một số địa phương đã để xảy ra tình trạng NTTS tự phát, nuôi ngoài, nuôi trái quy hoạch cả về vị trí, diện tích và đối tượng nuôi, một số hộ NTTS chồng lấn vào luồng lạch giao thông thuỷ, nhiều hộ sử dụng phao xốp làm vật liệu nổi trong NTTS, trong khi đây là loại vật liệu ảnh hưởng tiêu cực đến mỹ quan và môi trường nước.
Cụ thể, tính đến hết tháng 2/2023, toàn tỉnh vẫn còn 333 hộ NTTS trái phép với diện tích 436ha. Các địa phương, đơn vị có số hộ NTTS trái phép lớn là TP Hạ Long 83 hộ, TP Cẩm Phả 77 hộ, TP Móng Cái 133 hộ, Vườn Quốc gia Bái Tử Long trên 60 hộ, TX Quảng Yên 38 hộ. Trước đó, số hộ NTTS trái phép toàn tỉnh là 387 hộ với diện tích 600ha, trong 2 tháng qua, 54 hộ NTTS trái phép đã bị các đơn vị, địa phương cưỡng chế, di dời với diện tích 164ha.
Về tình trạng hộ NTTS sử dụng phao xốp làm vật liệu nổi, toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 1,2 triệu phao xốp sang phao bằng vật liệu HDPE. Hiện trên các vùng NTTS của tỉnh vẫn đang còn hơn 1,2 triệu phao xốp cần tiếp tục được chuyển đổi. Quảng Ninh đặt mục tiêu đến hết năm 2022, 100% hộ NTTS chuyển đổi sang sử dụng vật liệu chuẩn HDPE, góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường, phát triển thuỷ sản bền vững. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện hiện nay là chậm.
– Theo ông, nguyên nhân của tình trạng lộn xộn trong NTTS nói trên xuất phát từ đâu?
+ Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tại những bất cập trong hoạt động NTTS nói trên. Một trong số đó phải kể đến sự buông lỏng quản lý của chính quyền cấp xã, huyện tại các địa phương có biển. Ở những nơi này, trong thời gian dài đội ngũ cán bộ quản lý ít chú trọng đến việc rà soát, nắm bắt số lượng hộ nuôi, diện tích nuôi, đối tượng nuôi thuỷ sản trên biển, ít có những đợt kiểm tra, nắm bắt, đánh giá vi phạm và xử lý vi phạm.
+ Cá biệt có những trường hợp cán bộ quản lý đã cố tình “lỏng tay”, thậm chí tiếp tay cho các hộ NTTS tồn tại và ngày càng phình to, ví dụ như vụ việc ở TP Cẩm Phả mà chúng ta đã biết. Cùng với đó, việc các quy hoạch NTTS cũ đã hết hiệu lực, hoặc bị bãi bỏ, trong khi đó quy hoạch mới chưa được hình thành, mà nhu cầu NTTS của người dân là có thật và ngày càng lớn, thì ít nhiều dẫn đến phát sinh tình trạng NTTS trái phép.
– Là đơn vị chuyên môn cấp tỉnh về quản lý thuỷ sản, Chi cục Thuỷ sản đã triển khai những giải pháp gì để lập lại trật tự trong NTTS, thưa ông?
+ Chi cục Thuỷ sản Quảng Ninh trong vai trò đơn vị chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đã tham mưu cho đơn vị cấp trên, đồng thời tăng cường thực hiện các giải pháp lập lại trật tự trong NTTS.
Cụ thể là hướng dẫn, giám sát, đồng hành cùng các địa phương trong việc xây dựng kế hoạch tổng thể làm cơ sở để giao khu vực biển cho các cơ sở NTTS; lập phương án vùng NTTS tập trung để hỗ trợ giải quyết bài toán NTTS đúng quy hoạch cho người dân. Chi cục Thuỷ sản cũng đẩy mạnh hoạt động thẩm định, cấp mã vùng nuôi trồng cho các cơ sở NTTS đủ điều kiện; cấp giấy phép nuôi trồng cho các hộ NTTS có đủ điều kiện.
Cùng với đó, khuyến khích tổ chức sản xuất thuỷ sản theo chuỗi giá trị, đưa hoạt động NTTS nằm trong vùng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ ưu việt hiện hành của tỉnh. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm tình trạng NTTS trái phép cũng sẽ được Chi cục Thuỷ sản tăng cường hơn theo đúng thẩm quyền chức năng của mình…
Mặc dù thực thi và tham mưu những giải pháp trên, tuy nhiên tiến độ giao, cho thuê mặt nước hiện nay đang khá chậm, trong khi đó một số cơ sở pháp lý cần thiết cho việc này đã có. Nhiệm vụ giao, cho thuê mặt nước thuộc về ngành tài nguyên môi trường và các địa phương, Chi cục Thuỷ sản là đơn vị phối hợp.
Thực tế chỉ khi các hộ NTTS được giao, cho thuê mặt nước mới đủ cơ sở pháp lý để đơn vị chức năng triển khai các hoạt động tiếp theo, bao gồm công nhận NTTS trong quy hoạch, cấp mã vùng nuôi trồng, cấp phép NTTS, hoặc các hội NTTS được thụ hưởng chính sách hỗ trợ hiện hành… Và hơn hết, khi được giao, cho thuê mặt nước thì chính người dân mới yên tâm đầu tư NTTS bền vững, chấp hành các quy định NTTS đã đề ra.
– Xin cảm ơn ông!