Thứ Hai, 27/03/2023, 16:00

Cao lương: Nguyên liệu thức ăn thủy sản tiềm năng

(Aquaculture.vn) – Cao lương là nguyên liệu tiềm năng thay thế ngô trong thức ăn thủy sản. Các loài ăn tạp có thể sử dụng cao lương làm thành phần thức ăn chính mà không có tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng hoặc khả năng tiêu hóa. Những cải tiến về giá trị dinh dưỡng của cao lương có thể làm tăng giá trị sử dụng trong thị trường thức ăn thủy sản như một chất thay thế mới cho bột cá.

Cao lương, một loại ngũ cốc thuộc họ cỏ Poaceae hay còn gọi là lúa miến. Đây là một loại ngũ cốc chịu hạn tốt thường được trồng trong điều kiện bán khô hạn. Loại ngũ cốc này đã được xếp hạng thứ năm trên toàn thế giới sau lúa mì, ngô, gạo và lúa mạch về cả sản lượng và diện tích trồng. Năm 2022, sản lượng cao lương toàn cầu đạt trên 58,8 triệu tấn và Hoa Kỳ hiện là nhà sản xuất thứ tư (sau Nigeria, Sudan và Mexico) với khoảng 8% tổng sản lượng.

Cao lương cũng đã được sử dụng như một nguyên liệu mới để phát triển thức ăn thủy sản. Một số ưu và nhược điểm khi sử dụng làm thức ăn thủy sản của cao lương:

Ưu điểm Nhược điểm
Sản lượng lớn toàn cầu Hàm lượng protein thấp
Bền vững Tỷ lệ tiêu hóa protein và tinh bột thấp
Không biến đổi gen Tác động tiêu cực đến cơ quan nội tạng
Nguồn dinh dưỡng mới nổi Thiếu lysine và threonine
Hiệu quả tốt ở động vật ăn tạp và động vật ăn cỏ Yếu tố kháng dinh dưỡng
Nguồn tuyệt vời cho các sản phẩm giá trị gia tăng Nghiên cứu hạn chế trong nuôi trồng thủy sản
Mức độ chống oxy hóa cao

Cao lương trong nuôi trồng thủy sản

Trong một nghiên cứu, cá chép được cho ăn chế độ thức ăn công nghiệp (25% protein) và cao lương. Kết quả cho thấy rằng chế độ cho ăn cao lương có tăng trưởng thấp hơn và chất béo cơ thể cao hơn so với cho ăn bằng chế độ ăn thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, ở cá vược cho ăn cao lương, tỷ lệ tiêu hóa protein và chất béo lần lượt là 60 và 79%, tương tự như tỷ lệ tiêu hóa được báo cáo đối với ngô. Khả năng tiêu hóa và năng suất cao lương có sự khác biệt giữa các loài cá.

Khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng của cao lương với ngô và lúa mạch ở cá chép và cá vược
Khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng của cao lương với ngô và lúa mạch ở cá chép và cá vược

Ở cá chim vây vàng, tỷ lệ tiêu hóa vật chất khô và năng lượng của chế độ ăn cao lương lần lượt là 45,4 và 63,9%, thấp hơn so với ngô (58,1 và 71,4%) và cao hơn lúa mì (24,4 và 58,6%).

So sánh năm nguồn ngũ cốc (ngô, lúa mì, lúa mạch, cao lương và gạo) cho thấy cá rô phi được cho ăn chế độ ăn chứa 25% cao lương có hiệu suất tăng trưởng tối đa và hiệu quả duy trì protein vượt trội. Việc bổ sung cao lương cũng làm tăng hàm lượng chất béo trong cơ thể cá rô phi. Trong một nghiên cứu khác, hiệu suất tăng trưởng và chuyển đổi thức ăn của cá rô phi được cho ăn cao lương được chứng minh là tương tự như cá rô phi được cho ăn chế độ ăn công nghiệp.

Cao lương được coi là một sự thay thế thích hợp cho ngô trong chế độ ăn của cá. Cao lương là nguồn cung cấp tinh bột có tiềm năng to lớn để thay thế ngô ở các loài ăn tạp. Ngoài ra, chế độ ăn cao lương không làm thay đổi màu sắc của phi lê cá tra hoặc tính chất vật lý của thức ăn viên (độ đặc và độ nổi). Ở cá da trơn, cũng cho thấy hiệu quả của cao lương cao hơn ngô.

Cải thiện năng suất trong nuôi trồng thủy sản

Sản phẩm sấy khô từ cao lương (DDGS) là sản phẩm phụ của ngành sản xuất nhiên liệu sinh học và chứa 28,7–32,9% protein thô, 8–13% chất béo và 34,7–51,1% chất xơ. Hiệu quả của chế độ ăn DDGS được đánh giá trong hai nghiên cứu về tăng trưởng ở tôm thẻ chân trắng. Kết quả chỉ ra rằng có thể sử dụng tới 40% DDGS trong các công thức thức ăn mà không ảnh hưởng đến năng suất của tôm thẻ chân trắng L. vannamei. Các kết quả tương tự cũng đã được ghi nhận sau khi bổ sung tới 40% DDGS vào thức ăn thủy sản cho cá da trơn, cá hồi vân và cá da trơn.

Giảm tác động của các yếu tố kháng dinh dưỡng, cải thiện khả năng tiêu hóa cao lương

Các quá trình bao gồm lên men, thủy phân bằng enzyme, xử lý nhiệt và biến đổi hóa học đã được sử dụng như các giải pháp để giảm tác động của các yếu tố kháng dinh dưỡng đồng thời cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn từ cao lương.

Lên men: Quá trình lên men từ lâu đã được sử dụng để cải thiện khả năng tiêu hóa protein. Khả năng tiêu hóa cao lương tăng đáng kể đã được báo cáo sau 24 giờ lên men. Ngoài ra, quá trình lên men còn ảnh hưởng đến khả năng hòa tan protein, khả năng liên kết nước và dầu của cao lương.

Biến đổi hóa học: Protein cao lương liên kết với một số polysacarit (carbohydrate) đã được áp dụng để cải thiện các đặc tính chức năng của nó. Nghiên cứu cho thấy rằng khả năng hòa tan protein và khả năng nhũ hóa được cải thiện.

Thủy phân enzyme: Phương pháp an toàn và tốn ít chi phí hơn so với phương pháp hóa học và không độc hại. Protease (enzym phân hủy protein) chủ yếu được sử dụng để tách tinh bột nhằm cải thiện khả năng tiêu hóa thức ăn và tăng quá trình thủy phân tinh bột. Xử lý tinh bột cao lương bằng protease được cho là đã làm giảm hàm lượng protein từ 0,7–1,1% xuống 0,5–0,6%.

Xử lý nhiệt: Khả năng tiêu hóa protein cao lương cũng có thể được cải thiện bằng công nghệ ép đùn.

Quan điểm

Cao lương là một nguyên liệu có tiềm năng thay thế ngô trong thức ăn thủy sản. Các loài ăn tạp có thể sử dụng cao lương làm thành phần thức ăn chính mà không có tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng hoặc khả năng tiêu hóa. Những cải tiến về giá trị dinh dưỡng của cao lương có thể làm tăng giá trị sử dụng nó trong thị trường thức ăn thủy sản như một chất thay thế mới cho bột cá. Các quá trình bao gồm xử lý nhiệt, thủy phân bằng enzyme và lên men có thể cải thiện chức năng và khả năng tiêu hóa cao lương.

Do đó, nghiên cứu trong tương lai nên tập trung vào việc phát triển một phương pháp kinh tế và an toàn phù hợp để chiết xuất protein, tinh bột hoặc các hợp chất phenolic hữu ích cho sức khỏe con người.

Thu Hiền (Lược dịch)