Trung tâm Công nghệ thức ăn và sau thu hoạch thủy sản thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, đã nghiên cứu, sản xuất thành công thức ăn công nghiệp kích thích cua lột xác, với hiệu suất lột vỏ lên đến 87,5% và tỷ lệ lột vỏ đồng loạt đạt gần 43% sau 20 ngày nuôi
Một số loại giáp xác như tôm, cua, ghẹ sau khi lột vỏ có thành phần dinh dưỡng cao với canxi và phốt pho dễ hấp thụ để phục hồi nhanh chóng tình trạng thiếu hụt canxi ở trẻ em và người cao tuổi. Bên cạnh đó, thịt cua lột còn chứa nhiều loại axit amin, có thể ăn nguyên con nên được thị trường ưa chuộng. So với giáp xác vỏ cứng, sản phẩm giáp xác lột vỏ có giá trị kinh tế cao hơn 1,5-2 lần.
Theo TS. Nguyễn Văn Nguyện, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, nguồn thức ăn nuôi cua lột hiện nay phần lớn là cá tạp và nhuyễn thể nhỏ. Khi nguồn thức ăn tự nhiên khan hiếm, người nuôi dùng thức ăn nuôi tôm để nuôi cua. Thức ăn này không phù hợp về dưỡng chất cũng như tập quán bắt mồi của cua. Để kích thích cho cua lột vỏ đồng loạt, người nuôi thường cắt mắt, bẻ chót chân bò, bẻ chót càng và trộn chất kích thích lột vỏ (saponi, chitosan) vào thức ăn cho cua. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công không cao và cơ chế tác dụng chưa rõ ràng. Hiện nay, trên thị trường chưa có thức ăn công nghiệp được sản xuất chuyên dùng cho nuôi cua lột.
Sau khi phân tích, đánh giá chất một số loại nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn cho cua nuôi lột thương phẩm, nhóm nghiên cứu đã xây dựng công thức thức ăn nuôi cua đáp ứng các nhu cầu dinh dưỡng giai đoạn trước khi lột vỏ và trong quá trình lột vỏ. Thức ăn này gồm các nguyên liệu như bột cá, bột đậu nành, bột mì, cám gạo, tấm gạo, chất hấp dẫn, dầu cá, vitamin, khoáng chất và bổ sung Ecdysone (hóc môn kích thích lột vỏ) với nồng độ từ 5, 10 và 15 mg/kg thức ăn.
Kết quả nuôi thử nghiệm cua lột trong phòng thí nghiệm và trong ao đất tại Cần Giờ bằng thức ăn công nghiệp do nhóm sản xuất cho thấy, hiệu suất lột vỏ lên đến 87,5%, tỷ lệ lột vỏ đồng loạt gần 43% sau 20 ngày nuôi. Viên thức ăn có đường kính 3-5 mm, độ bền trong nước trên 2 giờ, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, có mùi hấp dẫn, phù hợp với thói quen và tập tính ăn của cua. Giá thành thức ăn vào khoảng 35.000 đồng/kg, thấp hơn 20% so với thức ăn cá tạp (45 – 50.000 đồng/kg), cao hơn khoảng 5.000 đồng/kg so với thức ăn nuôi tôm (30.000 đồng/kg, 40% đạm).
Khi nuôi thử nghiệm cua lột bằng loại thức ăn này cho lãi cao gần gấp ba so với nuôi bằng cá tạp. Trong khi đó, nuôi bằng thức ăn cho tôm thì bị lỗ do hiệu suất cua lột thấp (25 – 45%), thời gian lột kéo dài (25 ngày) và không đồng loạt.
Thành công của đề tài nghiên cứu giúp người nuôi cua có thể chủ động nguồn thức ăn, không phụ thuộc vào thời tiết, mùa vụ, và cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nhóm nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất ở quy mô công nghiệp. Nhóm cũng đang tiếp tục nghiên cứu sử dụng các hoạt chất phytoecdysteroids có tác dụng kích thích lột xác được chiết xuất từ một số loài thảo mộc như rau sam, dâu tằm, bình linh, vạn tuế, dền đỏ trong sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi cua, ghẹ lột.
Kiều Anh