Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là nuôi trồng thủy sản – một trong những lĩnh vực đang được tỉnh Bạc Liêu tập trung thực hiện trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Từ đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản chú trọng ứng dụng những thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tạo nên vòng nuôi tuần hoàn khép kín, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế vừa hạn chế ô nhiễm môi trường.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao trong nhà kín của Tập đoàn Việt – Úc.
NUÔI TÔM SIÊU THÂM CANH TRONG NHÀ KÍN
Nuôi trồng thủy sản, trong đó con tôm – một thế mạnh kinh tế của tỉnh – được xem là mũi nhọn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thời gian gần đây, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín ứng dụng công nghệ cao được nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Đi tiên phong và gặt hái nhiều thành công từ mô hình này phải kể đến là Tập đoàn Việt – Úc.
Để đảm bảo mô hình tôm nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả và không gây ô nhiễm môi trường, Tập đoàn Việt – Úc đã đầu tư hệ thống xử lý nước tuần hoàn theo công nghệ của Mỹ, Hà Lan. Từ khâu lọc nước, sản xuất giống đến khâu nuôi tôm thương phẩm, Tập đoàn Việt – Úc đều ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất để tạo ra chuỗi giá trị tuần hoàn khép kín và hướng đến xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc. Hệ thống tuần hoàn được xử lý qua 3 bước lọc tuần hoàn gồm: hệ thống lọc trống, hệ thống xử lý nước bằng đèn UV và hệ thống lọc sinh học theo công nghệ MBBR. Nguồn nước nuôi tôm sau khi thu hoạch không thải ra ngoài mà được đưa vào hệ thống xử lý nước tuần hoàn và hoàn toàn khép kín. Ông Lương Thanh Văn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt – Úc, chia sẻ: “Với khát vọng nâng tầm tôm Việt, Tập đoàn Việt – Úc đã đưa ra định hướng chiến lược dài hạn trên cơ sở áp dụng các công nghệ nuôi tiên tiến nhất để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành tôm. Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ cao vào chuỗi sản xuất tôm tuần hoàn nước khép kín từ khâu tôm giống đến khâu nuôi như công nghệ nhà màng, kiểm soát môi trường và dịch bệnh, công nghệ cho ăn tự động, công nghệ xử lý nước… nhằm mục tiêu xây dựng thương hiệu “con tôm hoàn hảo”, tạo chỗ đứng vững chắc cho con tôm Bạc Liêu – con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới”.
Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Phan Khắc Nhật Tiến (Phường 5, TP. Bạc Liêu). Ảnh: M.Đ
MÔ HÌNH NUÔI LƯƠN KHÔNG BÙN
Không chỉ Tập đoàn Việt – Úc mà một số doanh nghiệp, công ty và các nông hộ nuôi tôm, nuôi các loài thủy sản cũng ứng dụng công nghệ cao theo hướng tuần hoàn khép kín, tái sử dụng nguồn nước bảo vệ môi trường.
Với 120 bể xi-măng nuôi lươn không bùn ứng dụng công nghệ cao, anh Phan Khắc Nhật Tiến (Phường 5, TP. Bạc Liêu) thu về hàng tỷ đồng/năm. Từ hiệu quả này, với tinh thần cầu tiến, hiện anh Tiến mở rộng nuôi thêm nhiều loài thủy sản khác theo hướng tuần hoàn khép kín.
Theo anh Tiến, nuôi lươn theo mô hình tuần hoàn nước có thể hạn chế tối đa mầm bệnh từ bên ngoài, nên con lươn phát triển tốt và ít bị bệnh. Chính vì thế, anh Tiến dành nhiều tâm huyết cho mô hình nuôi lươn không bùn công nghệ cao theo hình thức tuần hoàn nước khép kín. Anh Tiến cho biết: “Trước khi nuôi lươn không bùn công nghệ cao, tôi bỏ nhiều thời gian và công sức để học tập kinh nghiệm, khảo sát thị trường. Khi mới bắt tay vào làm thì gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề chăm sóc và vệ sinh hằng ngày cho con lươn. Cho nên tôi quyết định đầu tư nuôi lươn không bùn theo công nghệ tuần hoàn nước”.
Với mô hình mới, anh Tiến đưa nước nuôi lươn sang nuôi các loài thủy sản khác để ăn cặn bã, thức ăn thừa và nước đó được lắng lọc và bơm vào nuôi lươn thành một hệ thống tuần hoàn khép kín liên tục. Cách nuôi này đã giúp môi trường nuôi lươn ổn định, đồng thời giảm thiểu công chăm sóc, vệ sinh…
Ngoài nuôi lươn không bùn, anh Tiến còn thực hiện mô hình nuôi 15 loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Chỉ tính riêng mô hình nuôi lươn không bùn, trung bình mỗi năm anh Tiến bán ra thị trường khoảng 30 tấn lươn, lợi nhuận khoảng 2,5 tỷ đồng.
Với mô hình nuôi trồng các loài thủy sản ứng dụng công nghệ cao của anh Tiến, nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh thường xuyên đến tham quan và học tập.
Nguồn: Báo Bạc Liêu