Thứ Tư, 5/05/2021, 17:01

Lần đầu tiên Việt Nam có công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương

Bộ Công Thương đã nghiệm thu đề tài ‘Nghiên cứu công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam’ do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thực hiện.

Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương, thay thế thức ăn tươi truyền thống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Đề tài thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.

Mục tiêu của đề tài xây dựng quy trình công nghệ, mô hình thiết bị và sản xuất được thức ăn nuôi ốc hương từ enzyme và một số loại nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam để nâng cao hiệu quả kinh tế nuôi ốc hương và hạn chế ô nhiễm môi trường. Sự thành công của đề tài đã góp phần giúp cho nghề nuôi ốc hương phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại.

                                  Thạc sĩ Trần Thị Thu Hiền và sản phẩm của đề tài nghiên cứu

Thạc sĩ Trần Thị Thu Hiền, chủ nhiệm đề tài cho biết: Ốc hương là loài động vật thân mềm, có giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon, là đặc sản biển được nhiều người ưa chuộng, đối tượng nuôi thủy sản xuất khẩu quan trọng ở các tỉnh miền Trung và một số tỉnh miền Bắc. Tiềm năng phát triển nghề nuôi ốc hương ở nước ta là rất lớn, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu cao, cung không đủ cầu.

Nhờ đó, sản lượng ốc nuôi đã tăng rất nhanh trong những năm vừa qua, góp phần quan trọng trong việc giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ven biển. Đến nay, nghề nuôi ốc hương ở nước ta đã phát triển lan rộng ra nhiều tỉnh ven biển trong cả nước, với sản lượng ước đạt trên 6.200 tấn/năm.

Tuy nhiên, nghề nuôi ốc hương hiện nay đang còn rất lạc hậu, theo kiểu quảng canh truyền thống, sử dụng thức ăn tươi đánh bắt từ tự nhiên như tôm, cua, cá tạp… không kiểm soát được mầm bệnh, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Vì vậy trong quá trình nuôi ốc hương thường phải sử dụng kháng sinh, hóa chất để phòng và trị bệnh, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và an toàn thực phẩm cho sản phẩm ốc hương.

Mặt khác, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ lớn, chiếm khoảng 60% sản lượng ốc hương của nước ta, đang có chính sách kiểm soát chất lượng sản phẩm ốc hương nhập khẩu từ Việt Nam bằng hàng rào kỹ thuật. Chất lượng sản phẩm sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng tiêu thụ, giá thành sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

“Ở Việt Nam hiện nay, các nghiên cứu công nghệ sản xuất thức ăn cho ốc hương đang còn sơ khai, chỉ giới hạn ở nghiên cứu thử nghiệm, chưa có sản phẩm thức ăn công nghiệp cung cấp cho nuôi ốc hương thương mại. Ngay cả trên thị trường thế giới cũng chưa có thức ăn công nghiệp để giúp cho nghề nuôi ốc hương phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại” – Thạc sĩ Trần Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình công nghệ sản xuất thức ăn tổng hợp cho ốc hương dựa trên sự phối trộn các thành phần như bột cá, bột ruốc, bột gluten lúa mì, bột cám gạo, dầu cá ngừ, vitamin hỗn hợp, chất bổ sung dinh dưỡng… góp phần giảm giá thành, giảm sự phụ thuộc nguồn thức ăn tự nhiên, chủ động nguồn thức ăn, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ enzyme để bổ sung vào thức ăn sẽ giúp cho việc tiêu hóa của ốc được cải thiện, hấp thụ được tối đa dinh dưỡng và có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, tăng cường đề kháng. Sản phẩm thức ăn tổng hợp do đề tài sản xuất đã được sử dụng để nuôi thử nghiệm ốc hương tại Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Thủy sản Khánh Hòa. Ốc hương được nuôi bằng sản phẩm thức ăn do đề tài sản xuất có kích thước đồng đều, khỏe mạnh, không có dấu hiệu bệnh lý.

“Sử dụng thức ăn công nghiệp giúp người nuôi có thể chủ động kiểm soát được chất lượng đầu vào, truy xuất được nguồn gốc, sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đa dạng hóa được nguồn kênh thị trường xuất khẩu sản phẩm, qua đó giúp nghề nuôi phát triển ổn định, bền vững” – Thạc sĩ Trần Thị Thu Hiền khẳng định.

Bên cạnh đó, thức ăn công nghiệp giúp đa dạng hóa được các hình thức nuôi, tùy theo nguồn vốn và khả năng quản lý mà người nuôi có thể lựa chọn các hình thức nuôi phù hợp, đặc biệt nuôi thâm canh với công nghệ Biofloc (quá trình tự Nitrat hóa trong ao nuôi không cần thay nước), công nghệ RAS (hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn) là công nghệ nuôi đang được quan tâm hiện nay. Qua đó, nâng cao ý thức cộng đồng, làm thay đổi tư duy của người nuôi, từ nuôi quảng canh sử dụng thức ăn tươi sang nuôi công nghiệp công nghệ cao, sử dụng thức ăn công nghiệp.

Kết quả của đề tài đã tạo ra công nghệ mới, góp phần phát triển sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương, góp phần làm giảm giá thành, tăng hiệu quả sản xuất, giảm sự phụ thuộc nguồn thức ăn tự nhiên, tạo đà phát triển vững chắc cho nghề nuôi ốc hương ở nước ta.

Nguồn: Báo Mới