Thứ Bảy, 7/10/2023, 13:30

Làm ăn thua lỗ, cơ sở tôm giống chuyển sang ương hàu giống

Vỏ hàu thương phẩm đã qua xử lý dùng để làm vật bám cho ấu trùng hàu. Ảnh: Hoàng Trọng

Hơn một nửa cơ sở sản xuất tôm giống trên đường Chi Lăng (phường 12, TP Vũng Tàu) hiện không ương tôm giống mà đã chuyển hoàn toàn sang ương hàu giống Thái Bình Dương.

Nguyên nhân khiến các cơ sở sản xuất tôm giống sang hàu giống là do giá tôm giống bán ra thấp hơn giá thành, thu không đủ bù chi.

Trên đường Chi Lăng (phường 12, TP Vũng Tàu) hiện có 112 cơ sở sản xuất tôm giống. Các cơ sở sản xuất được xây dựng chủ yếu ở giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2010. Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ tôm giống ngày càng khó khăn, thu không đủ bù chi nên các chủ cơ sở không mặn mà trong việc nâng cấp bể nuôi, bể lắng mà chỉ đầu tư mang tính chất thời vụ. Không chỉ tỷ lệ sống thấp mà đầu ra con giống tôm ở đây cũng khó cạnh tranh với thị trường, nhất là với các tỉnh duyên hải miền Trung.

Vỏ hàu thương phẩm đã qua xử lý dùng để làm vật bám cho ấu trùng hàu. Ảnh: Hoàng Trọng
Vỏ hàu thương phẩm đã qua xử lý dùng để làm vật bám cho ấu trùng hàu. Ảnh: Hoàng Trọng

Giá các mặt hàng đầu vào ương nuôi tôm giống ở mức cao và luôn có xu hướng tăng, nhất là các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao như trứng artemia và các loại thức ăn tổng hợp chuyên dùng cho ấu trùng tôm đã đẩy giá thành sản xuất tôm giống Postlarvae 12 cao hơn giá bán buôn. Sản xuất tôm giống không có đơn đặt hàng nên giá bán do thương lái quyết định, thu nhập của cơ sở sản xuất giống gần như không có lãi, thậm chí thua lỗ.

Trước những khó khăn này, nhiều cơ sở sản xuất tôm giống trên đường Chi Lăng đã tìm cách học hỏi lẫn nhau để chuyển sang ương hàu giống. Hàu Thái Bình Dương là đối tượng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế, đang được phát triển nuôi lồng bè tại địa phương.

Anh Hà Xuân Đình ở hẻm 112 (đường Chi Lăng) là một trong những cơ sở đang ương hàu giống cho biết, việc ương hàu giống thay cho ương giống tôm là bước đi hiệu quả, giúp các cơ sở tồn tại, giải quyết việc làm, yêu nghề và cung cấp giống hàu Thái Bình Dương cho các vùng nuôi lồng bè.

Theo anh Đình, để có quy trình sản xuất hàu giống ổn định, anh vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước rồi quyết định chuyển đổi sang ương hàu giống. Với nhiều năm kinh nghiệm sản xuất tôm giống nên khi chuyển sang ương hàu giống anh cũng dễ áp dụng.

Thời gian sản xuất hàu giống mỗi đợt khoảng 40 ngày. Hàu bố mẹ được có kích thước lớn, hình dáng đẹp, vỏ không bị trầy xước, thành thục sinh dục được chọn lọc từ các vùng nuôi đưa về xử lý rồi cho vào bể đẻ. Trứng hàu sau khi thụ tinh khoảng 24 giờ sẽ nở thành ấu trùng bơi lội tự do.

Bể tảo sinh khối phục vụ ương giống hàu. Ảnh: Hoàng Trọng
Bể tảo sinh khối phục vụ ương giống hàu. Ảnh: Hoàng Trọng

Từ ngày thứ 2 ấu trùng bắt đầu lọc thức ăn từ môi trường ngoài. Dùng tảo đơn bào Nanochloropsis occullata đã được cô đặc và đóng chai mua từ cơ sở chuyên nuôi sinh khối tảo đơn bào để cho ấu trùng hàu ăn. Ngày cho ăn 2 lần sáng và chiều.

Sau 10 ngày, người nuôi có thể cấy thêm tảo chuỗi (Chaetoceros calcitrans, một loài tảo sử dụng để ương tôm giống ở giai đoạn Zoea) kết hợp với tảo đơn bào Nanochloropsis oculata cho ăn thêm 2 – 3 ngày để tập cho ấu trùng hàu quen dần với tảo dạng chuỗi, sau đó cho ấu trùng hàu ăn hoàn toàn bằng tảo dạng chuỗi. Với loại tảo chuỗi, cách cho ăn có thể thu sinh khối khoặc bơm trực tiếp từ bể tảo vào bể ương. Ngày cho ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều.

Sau 20 ngày nuôi, ấu trùng hàu chuyển sang sống bám thì tiến hành thả vật bám để ấu trùng hàu bám. Vật bám là vỏ hàu thương phẩm đã qua xử lý, xâu thành chuỗi treo vào bể ương. Hàng ngày quan sát thấy vật bám có ấu trùng bám nhiều thì người nuôi chuyển các dây chuỗi sang bể ương mới đã chuẩn bị sẵn. Thức ăn cho giai đoạn này vẫn là tảo dạng chuỗi. Ấu trùng hàu nuôi ở giai đoạn này thêm khoảng 10 ngày nữa là có thể xuất bán cho người nuôi bè.

Bằng cách làm này, mỗi đợt cơ sở có 12 bể ương nuôi của anh Đình cung cấp cho thị trường trung bình 50 ngàn vật bám có ấu trùng hàu, giá bán trung bình 1.300 đồng/vật bám, doanh thu khoảng 65 triệu đồng.

Anh Phạm Thanh Hà (kỹ sư thủy sản) – một trong những người nuôi hàu đầu tiên tại địa phương cho biết, hiện trên địa bàn có khoảng 55 cơ sở do tình hình sản xuất tôm giống gặp khó khăn về đầu ra, sản xuất không có lãi nên đã chuyển hẳn sang sản xuất hàu giống Thái Bình Dương. Sản xuất hàu giống chi phí thấp, rủi ro ít. Hàu giống không phải lo đầu ra, giá ổn định quanh năm, giúp giải quyết việc làm tại chỗ và tăng thu nhập.
Hoàng Trọng
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam