Nguyễn Minh Tân, 20 tuổi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại tỉnh Lâm Đồng, kinh tế chính của gia đình phụ thuộc vào những mảnh đất trồng cà phê và hồ tiêu. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu làm năng suất, sản lượng của cà phê, tiêu giảm, cùng với giá cả bấp bênh đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của gia đình Tân. Với niềm đam mê nông nghiệp và ý chí quyết tâm làm giàu, Tân đã tạm gác lại con đường học vấn để thực hiện ước mơ của mình.
Qua tìm hiểu trên Internet, Tân thấy mô hình nuôi ốc bươu đen (ốc nhồi) đang phát triển ở nhiều vùng miền nhưng còn rất ít ở Tây Nguyên, trong khi nhu cầu về loại thực phẩm này khá lớn. Với số vốn vẻn vẹn 20 triệu đồng dành dụm từ công việc làm thêm, Tân quyết định cải tạo lại 200 m2 ao cũ của gia đình và đặt mua ốc giống về nuôi thử nghiệm.
Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nuôi nên Tân rất tích cực tham gia các hội nhóm nuôi ốc trên mạng để học hỏi, song là thành viên mới nên Tân được rất ít các thành viên trong nhóm chia sẻ. Với ý chí quyết tâm học hỏi, Tân không nản chí, thường xuyên lắng nghe, trao đổi và cập nhật những thông tin kỹ thuật mới của các thành viên. Lâu dần Tân được các thành viên trong nhóm quan tâm và chia sẻ kinh nghiệm nhiều hơn, từ đó mô hình nuôi ốc của Tân bước đầu đem lại thành công, cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Do cuộc sống mưu sinh nên đầu năm 2021, Tân cùng gia đình chuyển về Đắk Nông sinh sống. Tại đây, với vốn kinh nghiệm đã được đúc rút và thành công tại quê nhà, Tân mạnh dạn chuyển đổi 1.000m2 trồng cà phê sang mô hình nuôi ốc bươu đen. Với diện tích 1.000m2, Tân chia làm 6 bể nuôi, mỗi bể diện tích khoảng 130m2, cao 1m, mực nước 80 cm, được lót bạt nhựa chắc chắn.
Tân chia sẻ: “Đối với từng giai đoạn phát triển của ốc, tôi nuôi ở mỗi bể riêng biệt để thuận lợi cho việc quản lý và thu hoạch. Khi lấy nước vào ao nuôi tôi xử lý nước bằng vôi bột hoặc bằng vitamin C, để khử khuẩn tạo môi trường thuận lợi cho ốc phát triển và hạn chế dịch bệnh cho ốc. Sử dụng bạt nhựa lót hồ nuôi sẽ kiểm soát tốt nguồn nước, tránh bị nhiễm phèn, ốc ít bị dịch bệnh và người nuôi cũng quản lý tốt được số lượng, kích thước của ốc”.
Sau khoảng 6-8 tháng nuôi, ốc có khả năng sinh sản và duy trì ổn định trong khoảng một năm rưỡi. Tại bể ốc bố mẹ, Tân làm những tấm xốp kèm bèo cái, bèo tây thả nổi trên mặt nước làm nơi tránh nắng cũng là nơi để ốc lên sinh sản. Sau khi ốc đẻ trứng, gom trứng ốc và thả vào thùng xốp để ấp. Để duy trì nhiệt độ, ẩm độ, Tân dùng khăn nhúng ướt thường xuyên phủ lên trứng ốc. Sau khoảng 15 ngày ấp, trứng có hiện tượng nở, đem thả xuống tráng lưới để tiếp tục ươm giống, giúp ốc nở và thích nghi với môi trường. Khi ốc con đạt kích thước bằng khoảng hạt đậu đen, là có thể xuất bán giống hoặc tiếp tục nuôi để bán ốc thương phẩm. Đối với ốc thương phẩm, mật độ tốt nhất để ốc phát triển là từ 120-150 con/m2. Một năm Tân nuôi 2 vụ. Thực tế sau 3 tháng nuôi, ốc có thể xuất bán nhưng thời gian tốt nhất để thịt ốc dai, ngon, đáp ứng được nhu cầu của thị trường là từ 4-5 tháng, ốc đạt kích thước khoảng 30 con/kg. Trong thời gian nuôi, ốc dễ bị những bệnh như: bệnh sưng vòi, bệnh đường ruột, bệnh mòn đít. Các bệnh này rất dễ xử lý, chỉ cần người nuôi thường xuyên quan sát, phát hiện, diệt khuẩn và xử lý nguồn nước kịp thời là có thể hạn chế được bệnh lây lan.
Thức ăn của ốc bươu đen khá đa dạng và có sẵn ở tự nhiên, đa phần là rau, cỏ, củ, quả hay các giống cây thủy sinh như rêu, bèo tấm,… Chính vì vậy, xung quanh ao nuôi, Tân trồng mướp, bí đỏ,… và một phần diện tích, Tân nuôi thả bèo tấm, bèo cái để cung cấp thức ăn cho ốc. Mỗi ngày, ốc tiêu thụ lượng thức ăn bằng khoảng 12% khối lượng của cơ thể. Vì vậy, suốt quá trình nuôi, Tân hầu như không tốn chi phí thức ăn cho ốc.
Tân cho biết, chi phí đầu tư ban đầu cho 1.000 m2 ao nuôi ốc bươu đen không cao, chi phí tiền giống khoảng 60 triệu đồng và chi phí tiền bạt, thuốc xử lý nguồn nước, thuốc trị bệnh khoảng 3 triệu đồng. Đối với các hộ nuôi ốc thương phẩm, sau 4-5 tháng nuôi, cho thu hoạch khoảng 3 tấn ốc thương phẩm, với giá bán trung bình 55.000 đồng/kg, doanh thu trên 155 triệu đồng/1.000m2. Còn đối với Tân, ngoài nuôi ốc thương phẩm, Tân còn nuôi bán ốc giống. Tân cũng nhiệt tình hỗ trợ tư vấn kỹ thuật nuôi, giải đáp mọi thắc mắc của người mua cũng như bao tiêu sản phẩm luôn nên mọi người tin tưởng và làm theo. Mỗi tháng, Tân cung cấp ra thị trường khoảng 200.000 con ốc giống, với giá 500 đồng/con và khoảng 3 tấn ốc thương phẩm, thị trường chủ yếu là tỉnh Đắk Nông và các tỉnh lân cận như: Đắk Lắk, Lâm Đồng,…
Theo Tân, nuôi ốc bươu đen thực sự rất nhàn so với công việc nương rẫy của gia đình trước đây vẫn làm, chỉ cần bớt chút thời gian nhàn rỗi mỗi sáng để cho ốc ăn, buổi trưa hoặc chiều theo dõi, kiểm tra sinh trưởng của ốc. Vì vậy, các hộ dân có thể kết hợp vừa nuôi ốc, vừa thực hiện được các mô hình kinh tế vốn có của gia đình. Thời gian tới, Tân có ý định mở rộng thêm diện tích ao nuôi, để cung cấp cho nhu cầu thị trường ngày càng tăng.
Bằng sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi và ý chí, quyết tâm làm giàu, dám nghĩ dám làm, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Minh Tân đã bước đầu thành công trên con đường khởi nghiệp từ mô hình nuôi ốc bươu đen. Không chỉ góp phần hỗ trợ kinh tế cho gia đình, Tân còn thiệu cho nông dân các vùng lân cận, giúp giải quyết vấn đề việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tân được xem là tấm gương điển hình tiêu biểu của tuổi trẻ có ý chí, quyết tâm vươn lên làm giàu, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào khởi nghiệp của địa phương .
Bà con nông dân có nhu cầu tham quan, học hỏi mô hình sản xuất liên hệ với Nguyễn Minh Tân tại thôn Nghĩa Tín, phường Quảng Thành, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, số điện thoại:0398968078./.
Nguyễn Thị Ngọc Ánh
Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông