Cá thát lát cườm (Notopterus notopterus) là loài bản địa, cá có phẩm chất thịt thơm ngon, có thể chế biến được nhiều món ăn phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Hiện nay sản phẩm cá thát lát cườm được chế biến và tiêu thụ ở dạng tươi sống, cá phi lê, chả cá và cá thát lát nguyên con rút xương…, đây là những mặt hàng thực phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Thông thường cá thát lát tươi sống có giá trị 150.000 – 200.000 đồng/kg, chả cá thát lát khoảng 270.000 – 300.000 đồng/kg, cá thát lát rút xương có giá khoảng 350.000 – 400.000 đồng/kg. Với mức giá này, thát lát được cho là một trong những loại cá có giá trị thương phẩm lớn. Ngoài tự nhiên, cá thát lát cườm bị khai thác quá mức, thiếu các biện pháp bảo vệ nguồn lợi, nên sản lượng cá tự nhiên ngày càng giảm, kích cỡ cá khai thác ngày càng nhỏ. Đây là loài cá quý hiếm được đưa vào danh sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ.
Trên thế giới, cá thát lát cườm phân bố tự nhiên ở các quốc gia Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanma, Malayxia, Indonexia và Việt Nam. Ở Việt Nam cá thát lát cườm xuất hiện từ Quảng Bình trở vào các tỉnh phía Nam. Chúng phân bố chủ yếu ở một số nhánh sông lớn đổ vào sông Mekong và các thủy vực thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Cá sống trong các loại hình thủy vực nước ngọt như cửa sông, ao, hồ, kênh rạch. Cá có thể sống được trong môi trường chật hẹp, ao nước tĩnh với hàm lượng oxy hòa tan và pH thấp. Ngoài ra cá thát lát cườm còn có thể sống và phát triển được ở vùng nước nhiễm phèn nhẹ và vùng nước lợ cửa sông ven biển.
Cá thường sinh sản vào mùa mưa, tập trung từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Cá có chiều dài 20 cm, khối lượng 200 g có sức sinh sản tối đa khoảng 1500 trứng. Trong điều kiện tự nhiên cá thát lát cườm tái phát dục sau 7 – 10 tuần và có thể sinh sản hai đến ba lần trong mùa mưa. Cá nuôi trong ao hồ có thể chủ động nuôi thành thục cho sinh sản kéo dài từ tháng 2 đến tháng 11 nếu được nuôi dưỡng tốt. Để chủ động sản xuất giống đáp ứng nhu cầu nuôi, một số địa phương đã hoàn thiện quy trình sản xuất giống và cung cấp một phần số lượng cá giống cho nhu cầu nuôi thương phẩm tuy nhiên chất lượng cá giống chưa ổn định. Cá thát lát cườm có nhược điểm là tỷ lệ sinh sản rất thấp do đó việc cho sinh sản nhân tạo cá gặp nhiều khó khăn. Một số cơ sở vẫn áp dụng phương pháp sản xuất giống truyền thống như: vuốt trứng, tiêm kích dục tố và cho đẻ tự nhiên. Với phương pháp này tỷ lệ sống của cá giống rất thấp vì các loài thiên địch và nếu ổ bị động cá quay lại ăn luôn trứng của mình. Khắc phục các nhược điểm nhiều cơ sở đã thay đổi phương pháp cho sinh sản bằng khử dính và cho ấp trong bể vòng hoặc bình vây tuy nhiên số lượng và chất lượng cá giống chưa đạt được như mong muốn.
Tại Nghệ An, mặc dù Trung tâm giống thủy sản đã sản xuất thành công giống cá Thát lát tuy nhiên số lượng và chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu cho người dân nuôi thương phẩm, bên cạnh đó cá thương phẩm nuôi lớn vẫn không có thị trường tiêu thụ ổn định, sản phẩm đầu ra còn manh mún nhỏ lẻ, chưa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên chưa thể phát triển được ở quy mô hàng hóa với yêu cầu về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nắm bắt được nhu cầu đó, từ năm 2018 đến nay bà Nguyễn Thị Tuyết đã tiếp nhận công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm đối tượng cá thát lát cườm từ cơ sở sản xuất tại Cần thơ về áp dụng trên diện tích 5 ha tại xã Diễn Phúc huyện Diễn châu và đã mang lại kết quả cao, bước sang năm 2021 sau 03 năm trăn trở với 05 ao nuôi thử nghiệm trên 1 triệu con giống bà đã cho đẻ thành công tại điều kiện của Nghệ An và tiến hành xây dựng một số vùng nuôi để chủ động nguồn cá thương phẩm cho công đoạn chế biến chả cá, bà đã tiến hành cung cấp nguồn cá giống chất lượng, thức ăn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi và phòng bệnh, đặc biệt để người nuôi an tâm đầu tư sản xuất bà đã ký bao tiêu 100% cá thương phẩm với giá cao (60.000 đ/kg) cỡ 0,4-0,7 kg/con tại một số địa phương trong tỉnh: Hộ ông Lan xã Nghi liên, Thành phố Vinh …
Với cách làm này, bước đầu đã hình thành một mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm khép kín (từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm) góp phần đa dạng hóa sinh kế, mở ra hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng đảm bảo sự phát triển bền vững nâng cao đời sống cho người dân và góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
Trần Trung Thành – Nguồn TSKN