Mô hình nuôi cá chình của ông Nguyễn Phưởng, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) là một điển hình về phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Nhờ nuôi cá chình mà gia đình ông vươn lên khá giả.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng nhiều mô hình sản xuất mới, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình nuôi cá chình của ông Nguyễn Phưởng là một điển hình. Nhờ nuôi cá chình mà gia đình ông vươn lên khá giả.
Ông Nguyễn Phưởng chia sẻ: “Được hỗ trợ kinh phí từ Trung tâm Khuyến nông, năm 2021 tôi triển khai thực hiện mô hình nuôi cá chình thương phẩm trong ao nước ngọt. Với số lượng giống thả ban đầu là 500 con, kích cỡ 100 gam/con, sau 15 tháng thả nuôi, cá chình sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 90% và trọng lượng từ 1 – 1,2 kg/con, giá thương phẩm hiện nay khoảng 500 nghìn đồng/kg. So với một số vật nuôi khác, tôi thấy nuôi cá chình mang lại hiệu quả cao hơn”.
Lúc đầu, ông Phưởng nuôi 1 ao, diện tích khoảng 300 m2. Đến cuối vụ, gia đình ông thu hoạch được hơn 50 triệu đồng. Thấy mô hình nuôi cá chình có nhiều triển vọng, nên ông tiếp tục mở rộng lên 2 ao nuôi, với diện tích 600 m2 và thả 1.000 con cá chình giống.
Điều đáng phấn khởi là sau hơn hai năm nuôi và chăm sóc, mô hình nuôi cá chình của ông Phưởng đã hoàn chỉnh, gia đình ông đã vươn lên khá giả.
Theo ông Phưởng, cá chình rất thích nghi với môi trường nước ngọt lợ ở địa phương, dễ nuôi, ít bị bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, thức ăn đơn giản (chủ yếu là cá rô phi, cắt nhỏ).
Điều quan trọng nhất vẫn là cá chình giống phải được mua từ các cơ sở uy tín. Trong quá trình chăm sóc, cần chú trọng đến chất lượng nước ao nuôi, tạo môi trường trú ẩn cho cá chình.
Người nuôi cá chình thường xuyên theo dõi khả năng bắt mồi để có hướng điều chỉnh lượng thức ăn, tránh trường hợp thức ăn dư thừa gây ô nhiễm môi trường ao nuôi.
Ông Trần Văn Phá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) cho biết: “Hiện nay, một số hộ dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất sang nuôi cá chình. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân và sớm hoàn thành tiêu chí thu nhập về xây dựng nông thôn mới ở địa phương.