(Aquaculture.vn) – Một nghiên cứu gần đây về cá hồi nuôi đã chứng minh rằng chế độ ăn có hàm lượng axit béo không bão hòa đa EPA cao hơn có lợi nhất đối với sức khỏe của cá.
Nghiên cứu đã thử nghiệm các tỷ lệ EPA:DHA khác nhau (0,1:1, 0,5:1, 1:1) trong thức ăn cho cá, điều chỉnh bằng các nguồn dầu khác nhau như: dầu cá, dầu tảo Veramaris (chứa cả EHA và DPA) và DSM-Firmenich’s Life’s DHA.
Thử nghiệm kéo dài 8 tuần được thực hiện bằng cách sử dụng cá hồi tại Viện Nghiên cứu Biển ở Na Uy. Tổng cộng có 540 con cá hồi được chia thành các nhóm với 45 cá thể và được phân bố ngẫu nhiên trong bể 12.400 lít.
Vào cuối thử nghiệm, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tỷ lệ EPA:DHA 0,5:1 dẫn đến sự tăng trưởng đáng kể, biểu hiện của các gen liên quan đến khả năng miễn dịch của cá và tỷ lệ EPA:DHA 1:1 cho thấy số lượng cá bị thương giảm rõ rệt.
Những phát hiện này cho thấy rằng việc đạt được sự cân bằng tối ưu giữa EPA và DHA trong chế độ ăn sẽ ảnh hưởng tích cực đến khả năng phục hồi sau chấn thương của cá và đối phó với những căng thẳng thường gặp trong môi trường nuôi.
Ý nghĩa của kết quả
Các chuyên gia dinh dưỡng thường chỉ định tổng lượng EPA và DHA trong thức ăn cho cá hồi, nhưng nghiên cứu mới này cho thấy tầm quan trọng của việc chỉ định tỷ lệ axit béo thiết yếu (EFA).
Cụ thể hơn, các gen liên quan đến khả năng miễn dịch của cá, chẳng hạn như Viperin và Mx, được thể hiện nhiều hơn ở cá hồi được cho ăn theo tỷ lệ EPA:DHA 0,5:1. Viperin kích thích phản ứng miễn dịch bẩm sinh, trong khi Mx ức chế sự phiên mã của bộ gen virus. Những kết quả này cho thấy rằng các EFA:EPA đóng một vai trò quan trọng trong phản ứng chống viêm và kháng bệnh ở cá. Do đó, tỷ lệ EPA cao hơn trong chế độ ăn của cá có thể cải thiện khả năng phản ứng của cá với vi khuẩn gây bệnh.
Hơn nữa, cá được nuôi bằng chế độ ăn có tỷ lệ EPA:DHA 1:1 có ít vết thương hơn so với cá được cho ăn bằng hai chế độ ăn còn lại. Vết thương là một vấn đề phúc lợi và sức khỏe chung trong các trang trại nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, ở cá hồi các vết thương làm suy giảm khả năng miễn dịch bẩm sinh và thích nghi của vật chủ. Các tổn thương cũng dẫn đến nhiễm khuẩn như vi khuẩn Moritella viscosa gây loét mùa đông.
Nghiên cứu này cung cấp hai thông tin quan trọng cho các nhà dinh dưỡng và công thức thức ăn về tỷ lệ EPA:DHA cao hơn mang lại lợi ích cho sức khỏe và phúc lợi của cá. Trên thực tế có thể đạt được tỷ lệ EPA:DHA tối ưu bằng cách sử dụng dầu vi tảo trong nuôi cá hồi đặc biệt là một bước quan trọng để tăng tính bền vững của ngành thủy sản đồng thời cải thiện sức khỏe và phúc lợi của cá cũng như chất lượng sản phẩm.
Một thay thế cho dầu cá?
Theo truyền thống, thức ăn thủy sản dựa vào dầu cá để cung cấp DHA và EPA. Tuy nhiên, sự cạn kiệt toàn cầu về nguồn cá và giá dầu cá trên thị trường cao, có nghĩa sự phụ thuộc vào cá đánh bắt tự nhiên không còn là một lựa chọn khả thi hoặc bền vững cho nuôi trồng thủy sản. Chuyển từ dầu cá sang các sản phẩm thay thế có nguồn gốc thực vật đã trở thành một giải pháp nhưng cũng đặt ra những thách thức riêng. Cụ thể, dầu thực vật thiếu axit béo omega-3. Do đó, mức độ của các EFA này đã giảm hơn 50% trong cá hồi nuôi, một quỹ đạo đáng lo ngại cho cả người nuôi và người tiêu dùng.
“Dầu tảo Veramaris là một loại dầu bền vững, giàu EFA, thu được từ vi tảo Schizochytrium sp., loại vi tảo tạo ra EPA và DHA với số lượng lớn và có thể dễ dàng đưa vào công thức thức ăn cho cá. Với nguồn EPA và DHA thay thế này, Veramaris đã tìm hiểu thêm về cách tối ưu hóa công thức thức ăn để cải thiện sức khỏe và phúc lợi của vật nuôi, và chất lượng sản phẩm,” Carr, Giám đốc phát triển kinh doanh toàn cầu tại Veramaris kết luận.
Ngọc Anh (Theo thefishsite)