Hướng dẫn biện pháp phòng trị bệnh gan thận mủ trên cá lóc nuôi ao, vèo lưới, hồ xi măng.
Nghề nuôi cá lóc thâm canh trong ao, vèo lưới, hồ xi măng, phát triển mạnh khu vực Trà Cú tỉnh Trà Vinh, Trảng Bom, Định Quán tỉnh Đồng Nai, và một số huyện thuộc Hậu Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang. Nuôi cá lóc thâm canh góp phần quan trọng trong việc cải thiện kinh tế hộ, phát triển nghề nuôi thuỷ sản đa dạng hàng hoá.
Hiện nay, các mô hình nuôi cá lóc sử dụng hơn 90% thức ăn công nghiệp, thuận lợi cho các hộ trong việc điều tiết thức ăn theo nhu cầu sử dụng của cá, chủ động chăm sóc, chủ động giữ môi trường nuôi ít biến động xấu.
Tuy nhiên, cùng với vấn đề môi trường, dịch bệnh gan thận mủ trên cá lóc đang là vấn đề nan giải, gây khó khăn trong việc chuẩn đoán, điều trị, gây tốn kém chi phí thuốc, hoá chất. Dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống cá nuôi, đến tăng trưởng, độ đồng đều bầy đàn, thiệt hại về kinh tế.
Nguyên nhân gây bệnh gan thận mủ trên cá lóc
Về nguyên nhân gây bệnh đầu tiên do vi khuẩn Aeromonas sp, G- hình que, gây bệnh trên cá có vảy như cá rô đồng, cá lóc, diêu hồng. Streptococcus là vi khuẩn G-, bao gồm nhiều loài và gây bệnh trên nhiều loài động vật khác nhau…Gan bị vỡ mạch máu, hoại tử, thất thoát Enzyme tiêu hoá, mất chức năng khử độc, lọc máu. Nguyên nhân tiếp theo do di truyền, chọn giống, như sử dụng bầy cá bố mẹ sinh sản nhiều lần. Lai tạo giữa các bầy giống gần với nhau, cá giống bị đồng huyết, trùng huyết. Cá giống chất lượng kém, dễ bị dị hình, dị tật, phân đàn, chậm lớn, tỷ lệ sống thấp. Chất lượng cá giống giảm, ảnh hưởng sức đề kháng bệnh, vi khuẩn có trong nước dễ tấn công, gây bệnh.
Nguyên nhân khác do môi trường như chất lượng môi trường nuôi cá kém, nguồn nước ô nhiễm. Ao nhiều chất hữu cơ, khí độc tăng cao, hàm lượng oxy thấp. Tảo độc phát triển trong ao nuôi như tảo lam, làm thay đổi chất lượng nguồn nước. pH biến động liên tục, độ kềm, độ cứng… không phù hợp cho cá nuôi. Môi trường ảnh hưởng sức khoẻ cá, vi khuẩn tấn công, gây bệnh.
Thời tiết, khí hậu, cũng là nguyên nhân gây bệnh gan thận mủ trên cá lóc nuôi. Những diễn biến bất thường của thời tiết như nắng nóng, mưa dầm, gây sụp tảo, làm chất lượng nước kém. Nhiệt độ xuống thấp đột ngột, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm gây sốc cho cá nuôi. Mưa làm thay đổi pH và các thông số môi trường trong ao nuôi gây sốc cá.
Bên cạnh đó yếu tố dinh dưỡng cũng là tác nhân gây bệnh trên, việc bảo quản kém, thức ăn bị mốc, sinh độc tố, ảnh hưởng chất lượng thức ăn, sức khoẻ cá nuôi. Thức ăn thiếu chất dinh dưỡng cần thiết, thức ăn tươi sống, không đảm bảo chất lượng. Cho ăn dư thừa, gây ô nhiễm nguồn nước, biến động thông số môi trường, gây sốc cá.
Nguyên nhân sau cùng do chăm sóc, quản lý. Thay nước, diệt khuẩn, sổ ký sinh trùng… không thực hiện định kỳ, đầy đủ, kịp thời. Bổ xung men tiêu hoá, Enzyme, hỗ trợ gan, premix… chưa được quan tâm kịp thời
Triệu chứng bệnh gan thận mủ trên cá lóc
Bệnh gan thận mủ là một trong những bệnh phổ biến, thường gặp, trong nuôi cá lóc. Khi bị bệnh, cá thường xuyên nổi trên mặt nước, phản ứng chậm với tiếng động mạnh. Cá tách đàn, bơi lội chậm chạp, vô hướng. Cá hay tấp bơi dọc mé bờ, cơ thể mất cân đối
Cá bệnh xuất huyết nhiều vùng trên thân, tia vây, vây, vảy, cuống đuôi. Tia mang tưa, rách, cụt, trắng nhợt nhạt, hoại tử. Vảy xù, dựng đứng, rách, tróc, từng mảng khỏi thân. Hậu môn sưng, lồi, mắt lồi, thân chuyển màu sậm đen hoặc trắng nhợt. Phân lỏng, nhũn, mau rả, chuyển màu đen sậm hoặc trắng nhợt. Xuất hiện vết thương trên cơ thể, gây bưng mủ, ghẻ, hoại tử cơ thịt.
Bụng cá trương to, cơ thịt đàn hồi kém hoặc mất tính năng đàn hồi. Khi mổ cá, nôi tạng xuất huyết. Gan, mật, bao tử, bóng hơi, ruột sưng to, màu sắc nội tạng nhợt nhạt hoặc sậm đen, hoại tử thận chuyển màu đen, thâm tím, tái, trắng nhạt, tưa rách.
Cá giảm hoặc bỏ ăn, thường xuyên dư thừa thức ăn. Cá đi phân sống, phân lỏng, dễ tan rã trong nước. Nguồn nước ô nhiễm, keo đặc, có nhiều bọt nổi trên mặt nước, nước ao bốc mùi tanh, hôi thối. Thông số môi trường chuyển xấu, khí độc tăng cao. Cá chết nổi lên mặt nước, số lượng tăng dần. Chất lượng môi trường chuyển xấu nhanh. Thời gian nuôi kéo dài, FCR cao. Bệnh nặng khó điều trị dứt điểm, tỷ lệ cá nhiễm bệnh tăng cao, nhanh, trong thời gian ngắn. Bệnh có khả năng lây lan sang các ao, hồ liền kề, phát tán rộng sang nhiều khu nuôi. Bệnh xảy ra ở nhiều loài cá nuôi, lây lan nhiều loài cá khác nhau
Biện pháp phòng trị bệnh gan thận mủ trên cá lóc
Các biện pháp phòng bệnh được khuyến cáo thực hiện chủ động bao gồm các công việc như:
– Kiểm tra cá nuôi hàng ngày. Quan sát ngoại quan: thân, mang. Nội quan: hệ thống tiêu hoá.
– Kiểm tra độ đồng đều bầy đàn, hoạt động bơi lội, tiêu thụ mồi, tăng trưởng, ước tỷ lệ sống. Kiểm tra môi trường hàng ngày: biến động thông số môi trường, khí độc, chủng loại và mật độ tảo, độ trong. Cập nhật số liệu vào sổ nhật ký nuôi cá.
– Điều chỉnh lượng ăn, số thức ăn, hàm lượng đạm, thực hiện các bước xử lý cần thiết.
Phòng bệnh gan thận mủ bà con cần phối hợp nhiều giải pháp chủ động, đồng bộ, trong đó, môi trường: Dùng chế phẩm sinh học xử lý nền đáy, thay nước nuôi thường xuyên, nếu có điều kiện.
Về dinh dưỡng: Nên bổ sung chất hỗ trợ gan như Sorbitol, Methionine, Cholin, Inositol, Beta glucan, trộn vào thức ăn hàng ngày, tăng sức đề kháng. Trộn thêm Enzyme, vi sinh đường ruột, acid hữu cơ, hỗ trợ tiêu hoá. Sổ ký sinh trùng thường xuyên. Kiểm soát con giống, bổ sung Vitamin C, B12, Beta glucan, Premix.
Khi tiến hành điều trị bệnh gan thận mủ, việc làm trước khi xử lý là bà con ngưng cho cá ăn 1-2 ngày. Khi cho cá ăn lại 50% lượng ban đầu, tăng lượng từ từ.
Xử lý môi trường nước nuôi khi cá nhiễm bệnh bằng cách thay nước nếu có thể, diệt khuẩn nước ao nuôi bằng BKC, Iodine, H2O2, KMnO4. (loại hoá chất, liều lượng dùng, tuỳ thuộc sức khoẻ cá, chất lượng môi trường). Hỗ trợ bón vôi, cải thiện nền đáy, bón chế phẩm sinh học gây lại hệ vi sinh có lợi trong ao. Bổ sung giải gan Sorbitol, Methyonine, B12…, Beta – Glucan, Premix.
Khi điều trị bằng kháng sinh
– Dùng Doxycyclin phối hợp Florphenicol
– Hoặc dùng Sulfadimethoxin 5g/kg thức ăn phối hợp với Trimethoprim 2g
– Hoặc dùng Trimethoprim 5g phối hợp với Erythromycin 5g/kg thức ăn.
Lưu ý, kháng sinh trộn vào thức ăn cho cá ăn không quá 5 ngày, sau thời gian trên, ngưng kháng sinh. Tăng cường giải độc gan bằng các chất đã nêu trên, bổ sung B12 cho cá hoặc sắt, do cá xuất huyết, mất nhiều máu. Bổ sung men tiêu hoá nhóm Bacillus, Lactobacillus, Saccharomyces. Định kỳ xổ, phòng ký sinh trùng cho cá, giúp cá bắt mồi, tiêu hóa tốt, sinh trưởng nhanh. Dùng Praziquantel, Menbendazole, Fenbendazole, Albendazole … xổ cho KST ra ngoài. Nên xổ ký sinh trùng khi cá khoẻ, dùng hoá chất diệt KST khi xổ ra ngoài môi trường. Dùng hỗ trợ gan, hỗ trợ đề kháng, lợi khuẩn đường ruột cho cá, sau khi xổ ký sinh trùng.
Lý Vĩnh Phước
Tepbac.com