Với đam mê và tâm huyết của tuổi trẻ, anh Phan Công Đức (SN 1990, trú tại TDP 4, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã gặt hái thành công bước đầu với mô hình nuôi ốc bươu trong nhà, mở ra hướng phát triển kinh tế mới bền vững, hiệu quả cao.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội, năm 2015, anh Đức trở về quê nhà thị trấn Phố Châu lập nghiệp bằng nghề kinh doanh phần mềm. Trong một lần tình cờ nghe bạn bè kể về nghề nuôi ốc bươu đen ở huyện Đức Thọ mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Đức đã rất hứng thú và muốn học hỏi.
Nghĩ là làm, đầu năm 2021, anh Phan Công Đức tìm đến cơ sở nuôi ốc bươu đen của anh Trần Song Anh ở xã Liên Minh, huyện Đức Thọ để học hỏi kinh nghiệm. Cùng với việc tìm hiểu thực tế, anh cũng tìm đọc và bổ sung kiến thức trên sách, báo về nghề nuôi ốc bươu và quyết định mượn 800 m2 đất vườn của ông ngoại tại thôn 7, xã Quang Diệm để nuôi ốc. Anh đã bỏ ra hơn 200 triệu đồng đầu tư bạt, phân chia ao nuôi rồi mua 10 vạn con giống từ xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang về thả nuôi.
Thế nhưng, “vạn sự khởi đầu nan”, mới nuôi được một khoảng thời gian ngắn, do áp lực nước trong các ao nuôi quá lớn trong khi các vách ngăn được làm bằng vải bạt bình thường không chống cự nổi nên bị vỡ bung, toàn bộ vốn liếng đầu tư hơn 200 triệu đồng gần như mất trắng.
Không nản chí, đầu năm 2022, anh Phan Công Đức tiếp tục đầu tư hơn 600 triệu đồng dựng lại toàn bộ khung nhà bằng thép, cột chống bằng bê tông rồi mua vải bạt HDPE (loại dùng để nuôi tôm công nghiệp, xử lý bể biogas) ngăn thành 24 ô vuông, mỗi ô từ 20 – 25 m2 bơm nước vào để nuôi ốc bươu đen. Sau khi nâng cấp, cơ sở hạ tầng khu vực nuôi trở nên chắc chắn, không bị tác động bởi thời tiết, anh tiếp tục thả 10 vạn con ốc bươu.
Theo anh Đức, ốc bươu đen là loại ưa sạch sẽ, chỉ sống trong môi trường nước sạch, không ô nhiễm; nếu không phòng tránh tốt sẽ rất dễ nhiễm các bệnh như: đường ruột, sưng vòi… Vì vậy, trước khi thả giống phải xử lý ao nuôi bằng vôi Dolemit (thường dùng trong nuôi trồng thủy sản – PV).
Trong quá trình nuôi, cứ 10 ngày, anh lại tiếp tục rải vôi Dolemit 1 lần để xử lý ao nuôi, giúp ốc khỏe mạnh, nhanh lớn. Cùng với đó, cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, đều đặn, không cho ăn quá nhiều. Thức ăn của ốc bươu đen chủ yếu là bèo cám, bèo hoa dâu, lá sắn, mướp, bầu bí rất rẻ và dễ tìm.
Đặc biệt, ốc bươu đen chịu nhiệt kém nên mùa hè cần phải chú ý chống nóng bằng cách thả thêm bèo vào hồ, làm mát bằng màng lưới hoặc trồng cây leo phủ bóng. Còn trong mùa đông, người chăn nuôi phải giảm bớt nước trong hồ, thả nhiều bèo để giữ ấm cho vật nuôi.
Anh Đức cho biết: “Nuôi ốc bươu đen dễ chăm sóc, không mất nhiều công sức, thời gian thu hồi vốn nhanh. Mặc dù chi phí đầu tư lớn nhưng thời gian sử dụng nhà nuôi ốc có thể kéo dài từ 8 – 10 năm nên càng những năm về sau chi phí đầu tư sẽ càng giảm cho người sản xuất. Đặc biệt, nuôi ốc trong nhà tránh được những rủi ro do thời tiết (mưa, gió, lũ lụt) nên không sợ ốc bị trôi. Hiện nay, mỗi tháng tôi bỏ ra 500.000 đồng tiền điện, trên 1 triệu đồng tiền thức ăn và chỉ một công người chăm sóc”.
Theo tính toán của anh Đức, chưa đầy 2 tháng sau khi thả nuôi 10 vạn con ốc thịt, vật nuôi sinh trưởng rất tốt và đã cho thu hoạch không dưới 2,5 tấn. Với giá bán như hiện nay (120.000 đồng/kg), trừ tất cả chi phí, anh Đức đã thu về 250 triệu đồng.
“Ốc bươu đen đang là món ăn được người dân ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao nên đầu ra rất dễ. Tôi đang có ý định tìm thuê đất tại những khu vực đất trống thuộc xã Quang Diệm để mở rộng thêm nhiều ao nuôi, phát triển mô hình nhằm đưa lại giá trị kinh tế cao hơn” – anh Phan Công Đức chia sẻ thêm.
Hiện tại, ngoài nuôi ốc thương phẩm, anh Phan Công Đức đang đầu tư cải tạo ao nuôi diện tích gần 100 m2 để ấp giống bán ra thị trường.
Hoài Nam
Báo Hà Tĩnh