Thứ Sáu, 15/10/2021, 7:00

Bỏ túi phương pháp điều trị một số bệnh thường gặp ở tôm sú

Nghề nuôi tôm sú đang trở thành một nghề rất hấp dẫn tại nước ta. Bởi vì loài này mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên thực tế cho thấy việc nuôi tôm sú cũng gặp không ít rủi ro. Nguyên nhân có thể là do điều kiện khí hậu, thời tiết thay đổi cùng với môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm đã khiến các bệnh thường gặp ở tôm sú bùng phát làm ảnh hưởng đến quá trình nuôi tôm. Chính vì thế việc điều trị các bệnh thường gặp ở tôm sú là việc làm hết sức quan trọng để bảo đảm quá trình nuôi tôm đạt hiệu quả cao nhất

Nhận thức được khó khăn mà bà con mắc phải, hôm nay, nguoinuoitom.vn xin giới thiệu đến quý bà con một số thông tin hữu ích liên quan đến tôm sú. Cụ thể là về nguyên nhân hình thành bệnh, biểu hiện bệnh tích và cách điều trị bệnh. Hi vọng rằng bài viết sẽ mang lại cho bà con cái nhìn chi tiết nhất về các loại bệnh trên tôm sú. Từ đó giúp bà con mình tìm ra giải pháp phòng và trị bệnh hiệu quả nhất để có được những vụ mùa thành công.

Bệnh do Virus

Có rất nhiều loại bệnh do virus gây ra. Nhưng thường gặp hiện nay là bệnh thân đỏ đốm trắng (SEMBV) thường xảy ra ở giai đoạn tôm được 40-50 ngày tuổi.

Tôm mắc bệnh do virus thường có dấu hiệu bỏ ăn, bơi lờ đờ. Thân tôm xuất hiện các đốm trắng nhỏ liti tập trung nhiều ở phần đầu ngực và các đốt bụng. Màu sắc tôm biến đổi từ màu hồng sang màu đỏ nâu,… Sau khi nhiễm bệnh từ 5-7 ngày tôm sẽ có hiện tượng chết rải rác hoặc đồng loạt.

Cách điều trị: Bà con cần lưu ý đối với tôm mắc bệnh do virus, không có biện pháp xử lý nào hiệu quả. Do vậy, nếu tôm đạt kích cỡ thương phẩm thì nên thu hoạch ngay để hạn chế ảnh hưởng đến năng suất. Sau đó dùng Chlorine hay Formalin liều cao để xử lý nước ao nuôi tôm trước khi tháo nước ra ngoài.

Bệnh do Vi khuẩn

Vi khuẩn là tác nhân chính gây ra bệnh cho tôm nuôi. Tùy theo từng giai đoạn phát triển của tôm mà vi khuẩn sẽ gây ra một số bệnh như:

– Bệnh đứt râu, cụt đuôi, phụ bộ bị gãy đứt.

– Bệnh phát sáng.

– Bệnh đốm đen, đốm nâu ở mang và phụ bộ.

– Bệnh vi khuẩn dạng sợi.

– Bệnh hoại tử như teo nhỏ, chảy rữa gan tụy.

Cách điều trị: Để điều trị bệnh cho tôm, trước tiên bà con cần cải thiện chất lượng nước bằng cách thay nước sạch. Dùng vôi sống CaCO3 để lắng tụ chất bẩn hữu cơ, tăng cường sục khí, bổ sung vi sinh xử lý nước ao nuôi tôm để làm sạch nước. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm Vitamin C vào thức ăn cho tôm nhằm giúp tôm tăng sức đề kháng. Có thể dùng một số kháng sinh như: Furacin, Oxytetracylin, BKC,… kết hợp mở quạt nước hoặc sục khí.

Bệnh do nguyên sinh động vật

Phổ biến nhất là bệnh đóng rong. Bệnh này thường xảy ra khi tôm yếu cùng với sự phát triển của sinh vật và các chất bẩn trong ao bám lên tôm.

Tôm bị bệnh thường tách đàn nổi lên mặt nước bơi lờ đờ hay bám thành bờ. Phản ứng chậm chạp, kém ăn, không lột xác được. Bệnh nặng, các sinh vật bám vào mang làm tôm không thở được tôm bị thiếu ôxy nên chết.

Phương pháp điều trị: có thể dùng formalin (37-40% formaldehyde) với liều lượng thường dùng là 25-30 mL/m3 nước ao nuôi. Nên dùng ban ngày và sục khí liên tục trong quá trình xử lý. Formalin có tác dụng trực tiếp diệt sinh vật bám và kích thích sự lột xác của tôm.

Có thể dùng BKC 80 với liều 0,8 mL/m3. Đối với các loại BKC có hàm lượng hoạt chất thấp hơn thì sử dụng theo chỉ dẫn nhà sản xuất.

Bệnh do môi trường

Bệnh đen mang

Tôm bị bệnh thường có hiện tượng mang chuyển từ màu trắng ngà sang màu nâu hoặc đen. Hô hấp khó khăn, nổi đầu, dạt bờ, ăn kém hoặc bỏ ăn.

Điều trị bệnh đen mang: Bà con có thể sử dụng Clener 80 phun trực tiếp xuống ao với liều lượng thích hợp vào lúc 8-9g sáng kết hợp với việc thay nước. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm Vitamin C vào thức ăn hàng ngày của tôm. Nên tránh hiện tượng tảo tàn xảy ra trong ao.

Bệnh vỏ mềm

Tôm bị bệnh mềm vỏ thường có dấu hiệu xỉn màu, vỏ bị mềm có khi rất mềm, vỏ rời thịt. Những con mềm vỏ thường yếu, kém hoạt động, dễ bị con khác ăn thịt. Hoặc dễ bị các sinh vật gây bệnh tấn công. Tôm bị mềm vỏ thường chậm lớn.

Cách điều trị: Bà con cần quan tâm đến các vần đề dinh dưỡng của tôm. Đặc biệt là các khoáng chất và Vitamin. Đồng thời tăng hàm lượng oxy hòa tan, ổn định độ pH,… kết hợp bón vôi CaCO3 vào buổi chiều tối.