Thứ Tư, 15/05/2024, 13:00

Thăm dò độc tính và khả năng gây mê của Azaperone trên cá rô phi vằn (Oreochromis niloticus)

Azaperone một dẫn xuất butyrophenone tương đối mới, có tính chất α-adrenergic có thể ứng dụng trong vận chuyển cá rô phi vằn.

Cá rô phi là đối tượng được nuôi phổ biến trên toàn thế giới với tổng sản lượng năm 2019 đạt 4,59 triệu tấn, giá trị cán mốc 9,18 tỷ đô la Mỹ (FAO, 2021) và hiện đã có mặt ở hơn 140 nước, trong đó có Việt Nam (FAO, 2018). Với mục tiêu nâng diện tích nuôi rô phi lên 40.000ha và 1.800.000m3 lồng nuôi, sản lượng đạt 400.000 tấn vào năm 2030 (Bộ NN&PTNT, 2016), Việt Nam đang là một trong những nước tiên phong trong phát triển công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm, đặc biệt là rô phi vằn (Oreochromis niloticus). Ngược lại, các công nghệ vận chuyển và chế biến vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Tại Việt Nam, các phương pháp vận chuyển phổ biến hiện nay bao gồm vận chuyển bằng phương tiện thô sơ và vận chuyển bằng túi PE hay PVC có bơm oxy. Tuy nhiên, hình thái đặc biệt của cá rô phi với nhiều gai sắc nhọn dễ gây xây xước khi tập trung trong không gian hẹp. Bên cạnh đó, rô phi cũng là loài có nhu cầu oxy lớn, có bản tính hung hăng, tấn công cá thể cùng đàn. Các đặc điểm này gây ra nhiều rủi ro, giảm hiệu quả và ảnh hưởng đến tỉ lệ sống của cá nếu sử dụng các phương pháp vận chuyển thông thường.

Azaperone là một dẫn xuất butyrophenone tương đối mới, có tính chất α-adrenergic, cấu trúc hóa học là (1-(4-fluorophenyl)-4-[4-(2-pyridinyl)-1-piperazin-yl]-1-butanone). Thuốc được sử dụng cho lợn để ngăn ngừa stress, sụt cân và tử vong trong quá trình vận chuyển (Sams & cs., 1996). Trên đối tượng thủy sản, Azaperone làm giảm phản ứng kích động của cá mập (Squalus acanthias) mà không gây suy giảm vận động, làm giảm hung dữ bằng cách ngăn chặn các thụ thể Dopaminergic-Ing (Latas, 1987). Với cơ chế tương tự, Azaperone cũng có thể làm giảm kích động, hô hấp và vận động của một số loài động vật thủy sản trong quá trình vận chuyển.

Nghiên cứu được thực hiện nhằm thăm dò độc tính và đánh khả năng gây mê của hoạt chất Azaperone trên cá rô phi vằn cỡ nhỏ, hướng đến ứng dụng trong quá trình vận chuyển cá giống.

Tùy vào mục đích công việc để tiến hành gây mê cá. Giai đoạn 1 thường được sử dụng để vận chuyển cá và điều trị. Giai đoạn 2 thường được sử dụng để thu hoạch, phân cỡ và tuyển chọn cá. Giai đoạn 3 thường được sử dụng để giải phẫu cá. Quá trình gây mê có thể sâu dần dần do nồng độ thuốc mê tăng lên trong não và cơ (Ross & Ross, 2001). Thời gian tiếp xúc với thuốc mê càng lâu càng gây nguy hiểm cho cá. Một loại thuốc gây mê với thời gian lý tưởng là trong vòng 180 giây và hồi phục là 300 giây (King & cs., 2005; Ross & Ross, 2008).\

Sự hồi phục xảy ra khi cá được thả vào nước không có thuốc gây mê (Harms, 1999; Horsberg & cs., 1999; Snyder & cs., 1998; Williams & cs., 2004). Hầu hết cá hồi phục hoàn toàn sau khi cảm ứng với thuốc mê trong vòng 5 phút, thời gian hồi phục kéo dài hơn 10 phút cho thấy việc sử dụng quá liều lượng hoặc có thể do động vật bị tổn thương (Ross, 2001; Stetter, 2001).  Khi cá phục hồi thì hô hấp sẽ tiếp tục trở lại, tăng trương lực cơ và cá sẽ bơi với tình trạng mất cân bằng dần dần cho đến khi lấy lại trạng thái cân bằng hoàn toàn. Một số cá trải qua giai đoạn phấn khích trong quá trình hồi phục và cần phải có những biện pháp nhằm ngăn chặn cá nhảy ra khỏi bể bằng cách sử dụng nắp đậy (Harms, 1999).

Các giai đoạn trong quá trình gây mê

Kết quả xác định được LC50-96 giờ (ở điều kiện 29,2℃, pH = 7,5 – 7,9, DO = 6,3mg/l) là 21,14ppm; khi tăng nồng độ Azaperone từ 12ppm lên tới 24ppm, thời gian phản ứng và hồi phục giảm xuống, nồng độ hiệu quả để gây mê cá rô phi ở 30oC là 20ppm với thời gian phản ứng và hồi phục lần lượt là 153 và 136 giây. Nhiệt độ có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả gây mê; khi giảm nhiệt độ xuống tới 20oC, thời gian phản ứng và hồi phục tăng vượt quá khoảng thích hợp. Như vậy, Azaperone có thể ứng dụng trong vận chuyển cá rô phi vằn.

Chi tiết tham khảo tại: http://tapchi.hoithuyvietnam.org.vn/

Vũ Đức Mạnh – Khoa Thủy sản

Nguồn: vnua.edu.vn