Hiện nay, phương pháp nuôi lươn không bùn được người dân quan tâm vì có hiệu quả kinh tế do chi phí đầu tư thấp.
Phương pháp truyền thống sử dụng giá thể ni lông
Lươn là loài vật nhạy cảm dễ dàng nhiễm bệnh khi gặp môi trường bất lợi, đặc biệt môi trường nước hoặc giá thể trong bể bị nhiễm bẩn. Giá thể vừa là nơi trú ẩn cho lươn vừa là một mối nguy mang mầm bệnh tiềm ẩn.
Theo phương pháp truyền thống, người nuôi sử dụng giá thể ni lông để làm nơi trú ẩn cho lươn. Mặc dù, loại giá thể này làm nơi trú ẩn khá tốt nhưng gây khó khăn cho việc vệ sinh và không diệt được hết mầm bệnh tồn động. Hơn nữa, mỗi lần vệ sinh phải mang toàn bộ giá thể ra ngoài để giặt sạch, phơi nắng hoặc ngâm chất diệt khuẩn tốn rất nhiều công lao động và thời gian; bên cạnh đó, cần chuẩn bị giá thể mới để thay thế trong lúc giặt giá thể cũ, làm tăng chi phí sản xuất. Vì thế, để hạn chế mầm bệnh trong quá trình nuôi cũng như giảm thiểu công sức lao động người nuôi có thể thay thế giá thể ni lông bằng giá thể mới là lưới cước.
Lưới cước là loại giá thể mới giúp giảm chi phí sản xuất và công sức lao động.
Thay thế giá thể ni lông bằng lưới cước là một giải pháp đang được người dân sử dụng hiện nay. Lưới cước dùng để nuôi lươn có cỡ mắt lưới to khoảng 10cm, rộng khoảng 1- 2m.
* Một số ưu điểm của lưới cước:
– Hạn chế độ bám của thức ăn dư và dễ vệ sinh.
– Là giá thể dễ tìm kiếm, chi phí thấp
Lưới cước là loại giá thể phổ biến dễ tìm và chi phí thấp nên người dân có thể mua tại nhiều tại cửa hàng ở chợ. Giá khoảng 20.000đ – 60.000đ/1kg. Ước tính chi phí giá thể khoảng 80.000đ – 150.000đ cho một bể 10m2 thả 3500 con giống, và có thể tái sử dụng nhiều vụ nuôi. Từ đó, giúp người nuôi giảm chi phí sản xuất.
– Dễ dàng vệ sinh, ít tốn công lao động
Khi sử dụng lưới cước làm giá thể cho lươn người nuôi giảm công lao động vệ sinh giá thể (so với lưới ni lông) như không mang ra ngoài bể để vệ sinh thay vào đó có thể sử dụng vòi nước cấp để xịt trực tiếp rửa lưới và vào lươn nuôi giúp loại bỏ những mảng bám trên lưới và thân lươn, từ đó hạn chế mầm bệnh và làm sạch môi trường nước. Đồng thời kết hợp mở van xả, toàn bộ chất dơ và thức ăn dư thừa được đẩy ra khỏi bể nuôi và cấp nước trực tiếp từ vòi xịt tạo môi trường mới sạch mầm bệnh cho lươn nuôi.
– Có thể tái sử dụng
Sau khi kết thúc vụ nuôi, người dân có thể tái sử dụng lưới này cho nhiều vụ nuôi mới vì chất liệu bằng nhựa rất chắc chắn. Hoặc nếu không làm giá thể nuôi lươn có thể tận dụng lưới để làm chuồng nuôi gà, vịt hoặc rào một khu vườn nhỏ để trồng rau.
* Cách sử dụng lưới cước:
Cách sử dụng lưới cước tương tự như ni lông một bể khoảng 10 m2 thả khoảng 3.500 con lươn giống với 4 chùm giá thể, mỗi chùm có trọng lượng khoảng 1kg, dùng dây cột lại ở giữa để treo cố định một điểm giúp dễ dàng vệ sinh và đảm bảo đủ nơi trú ẩn cho lươn (như hình 2). Lưu ý: để kiểm tra độ phủ giá thể, người nuôi có thể kiểm tra vào ban đêm, dùng đèn pin để rọi vào giá thể, lươn có chui hết vào giá thể chưa, nếu chưa có thể thêm giá thể đến khi giá thể phủ kín lươn.
Nhìn chung, người dân có thể cân nhắc lựa chọn loại giá thể mới như lưới gà vừa giảm được chi phí sản xuất vừa giúp hạn chế được mầm bệnh trên lươn nuôi. Hơn thế nữa, với kích thước mắt lưới thưa không chiếm nhiều diện tích trong bể tạo một môi trường sạch vi khuẩn và đầy đủ oxy cho sự phát triển của động vật nuôi.
Bản tin NNNT
Nguồn: nongnghiep.vinhlong.gov.vn