Lươn là loài thủy đặc sản được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng do phẩm chất thịt thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Trong những năm gần đây nông dân ĐBSCL rất chú ý nghề nuôi lươn để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng nội địa và thị trường xuất khẩu, nếu áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật sẽ thu được năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Để đáp ứng cho nhu cầu phát triển nuôi đối tượng này, từ giải pháp sáng tạo kỹ thuật “Nghiên cứu ứng dụng sản xuất giống lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo” do Chi cục Thủy sản Vĩnh Long thực hiện từ năm 2013- 2015 đến nay đã mở ra một nghề lao động nông thôn mới trong tỉnh nói riêng và ĐBSCL nói chung, các mô hình sản xuất lươn giống đã tạo thêm nguồn thu nhập rất đáng kể cho người dân, đặc biệt là với những nông hộ có diện tích sản xuất hạn hep. Từ đó, đã chủ động được phần nào nguồn lươn giống nên phong trào nuôi lươn phát triển khá nhanh tại các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ.
Tuy nhiên, người sản xuất giống cũng gặp khó khăn khi muốn mở rộng quy mô sản xuất do nguồn thức ăn chính của lươn bột hiện nay là trùn chỉ ngày càng khan hiếm và chất lượng không ổn định. Ngoài ra, nguồn thức ăn tươi sống này còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao do khó kiểm soát được chất lượng đồng thời khi cho ăn trùn chỉ dư thừa cũng dễ gây ô nhiễm môi trường nước dẫn đến dịch bệnh có điều kiện phát sinh từ đó làm giảm tỉ lệ sống khi ương lươn từ giai đoạn bột lên giống.
Chính vì vậy, sử dụng thức ăn công nghiệp thích hợp để thay thế trùn chỉ khi ương lươn từ giai đoạn bột lên giống là biện pháp kỹ thuật cần được phổ biến nhằm tạo ra con giống thích nghi cho nghề nuôi thương phẩm hiện nay.
1. Chuẩn bị hệ thống ương
1.1 Dụng cụ và thiết bị:
– Hệ thống sục khí: bao gồm máy sục khí và các phụ kiện kèm theo (ống dây có kích thước từ 1-10 m, đá bọt sục khí). Chuẩn bị thêm sục khí pin phòng khi cúp điện.
– Dụng cụ: nhiệt kế; thau nhựa có đường kính từ 30 – 80 cm, chú ý chọn thau có màu sáng để dễ dàng quan sát lươn bột trong quá trình ương; giá thể nylon (có màu sáng) gồm 2 bộ để thay đổi; thùng lắng nước ương; muỗng, các loại vợt, ca múc nước…
1.2 Nguồn nước ương: tùy theo điều kiện nơi sản xuất, có thể sử dụng: (i) nước máy: được trữ trong thùng/bồn chứa để bay bớt Chlor ít nhất 1 ngày trước khi sử dụng; (ii) nước sông: có hệ thống lắng, lọc và khử khuẩn trước khi sử dụng.
1.3 Lươn bột và mật độ ương: nguồn lươn bột vừa hết noãn hoàn được mua tại cơ sở sản xuất giống có uy tín; mật độ ương: 200 – 250 con/lít.
1.4 Thức ăn cho lươn:
+ Trùn chỉ: chỉ sử dụng trong 5-7 ngày tập cho lươn quen dần với thức ăn công nghiệp;
+ Thức ăn công nghiệp (TĂCN): Có thể sử dụng TĂCN dùng cho tôm thẻ chân trắng PL #3-4 với tỉ lệ % Protein/Fat là 60/14, kích cỡ viên 300 – 550µm trong 30 ngày đầu, sau đó sử dụng loại có 40% Protein (đạm), có xuất xứ rõ ràng và được chứng nhận phù hợp với QCVN 02-31-1:2019/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thức ăn thủy sản Phần 1: thức ăn hỗn hợp.
2. Quản lý và chăm sóc: lươn bột được chứa trong dụng cụ có sục khí, từ nơi sản xuất đưa về nơi ương cần được để yên từ 30 – 45 phút sau đó xử lý nước muối 3 phần ngàn trước khi bố trí vào các thau/bể ương.
– Ương lươn qua 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn bột lên hương (từ 0 – 20 ngày tuổi): lươn bột sau khi tiêu hết noãn hoàng được ương trong thau nhựa có bố trí giá thể (dây ni lon xé nhỏ) tạo nơi trú ẩn cho lươn đeo bám và sục khí nhằm tăng cường oxy cho lươn bột. Thể tích nước: 5 lít, mực nước 10 – 15 cm, cho ăn theo nhu cầu với tần suất cho ăn 3 lần/ngày (sáng, trưa, chiều). Do lươn có tính chọn lọc thức ăn cao nên trong quá trình ương cần phải có thời gian tập cho lươn với tỉ lệ thay tăng từ 10 – 100% TĂCN để lươn dần thích nghi bằng cách trộn 2 loại với nhau để chuyển dần từ thức ăn tươi sống (trùn chỉ) sang thức ăn hoàn toàn công nghiệp sau 5- 7 ngày. Chế độ thay nước: 2 ngày/lần với 100% lượng nước ương, hằng ngày tắm lươn bằng nước muối 3 phần ngàn nhằm hạn chế lươn nhiễm nấm thủy mi và một số bệnh khác.
+ Giai đoạn hương lên giống (từ 21 – 45 ngày tuồi): thể tích nước 10 lít, mức nước 15- 20 cm, cho ăn theo nhu cầu với tần suất 2 lần/ngày (sáng/chiều) với loại thức ăn có thành phần đạm là 40% Protein. Cần làm mềm thức ăn bằng nước và vo lại để trên gía thể cho lươn bắt mồi. Chế độ thay nước: 1 ngày/lần với 100% lượng nước ương, hằng ngày tắm lươn bằng nước muối 3 phần ngàn nhằm hạn chế lươn nhiễm nấm thủy mi và một số bệnh khác. Thường xuyên theo dõi hoạt động của lươn để kịp thời phòng trị khi có dịch bệnh xảy ra. Kiểm tra, khả năng bắt mồi, biểu hiện của lươn. Ghi nhận hàng ngày số lượng lươn chết (loại bỏ), lượng thức ăn sử dụng để điều chỉnh thỏa mãn nhu cầu của lươn.
*Lưu ý: Trước và sau khi ăn cần xi- phon rút cặn và thêm bù nước mới để đảm bảo môi trường nuôi sạch, phòng bệnh cho lươn.
3. Phòng bệnh cho lươn
Do trùn chỉ là thức ăn tươi sống nên khi cho ăn dư thừa rất dễ gây ô nhiễm môi trường nước dẫn đến dịch bệnh có điều kiện phát sinh từ đó làm giảm tỉ lệ sống khi ương lươn từ giai đoạn bột lên giống. Trong thực tiễn ở các cơ sở sản xuất giống thường có hiệu quả điều trị không cao ở giai đoạn lươn còn non. Vì thế trong quá trình ương phải rất thận trọng trong khâu quản lý chất lượng môi trường ương không để biến động ngoài ngưỡng thích hợp, khi chăm sóc hàng ngày lưu ý. Trùn chỉ khi mua về và mỗi lần cho lươn ăn đểu phải xử lý nước muối 3 – 5% khoảng 3 – 5 phút; trước khi cho ăn trước và sau khi ăn đều xi – phon rút chất thải và thức ăn dư thừa, bổ sung nước mới. Các dụng cụ (thau, vợt, giá thể…) phục vụ cho công tác sản xuất thường xuyên được sát khuẩn để hạn chế mầm bệnh xâm nhập. Sau khi sử dụng các dụng cụ (thau, ca, vợt, giá thể….) nhúng qua nước muối 5-10%, sau đó rửa lại bằng nước sạch, phơi khô để sử dụng cho lần sau. Định kỳ 3-5 ngày thay giá thể mới, dùng nước rửa chén giặt sạch giá thể, phơi khô để sử dụng cho lần thay sau.
Áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật trên mang lại hiệu quả phòng bệnh cao nên sẽ không có phát sinh bệnh dẫn đến tỉ lệ sống rất cao khi sử dụng thức ăn TĂCN,
4. Thu hoạch: Sau khi ương 45 – 50 ngày, lươn đạt kích cỡ 1000 – 1100con/kg, chiều dài từ 12 – 15cm thì có thể tiến hành thu hoạch bằng cách dùng vợt để xúc lươn vào dụng cụ chứa (thùng xốp) có sục khí pin để vận chuyển tới nơi nuôi thương phẩm. Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) trong 45 ngày ương 0,99 – 1 với tỉ lệ sống: 95 – 98%.
(*) Từ kết quả nghiên cứu khoa học đề tài “Thử nghiệm ương lươn đồng (Monopterus albus) giai đoạn bột lên giống bằng thức ăn công nghiệp“do TS. Phạm Thị Thu Hồng (trường Đại học Cửu Long) & ThS.Lê Thị Tiểu Mi (Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản) phối hợp thực hiện từ tháng 01 – 07/2021./.
Bản tin NNNT
Nguồn:nongnghiep.vinhlong.gov.vn