Mô hình nuôi ếch kết hợp nuôi cá rô đầu vuông tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích và đặc biệt là giảm ô nhiễm môi trường do dư thừa thức ăn trong chăn nuôi ếch, hạn chế dịch bệnh. Từ 0,5 ha mặt nước nuôi ếch kết hợp nuôi cá, mỗi năm gia đình anh thu lãi hàng trăm triệu đồng. Sự siêng năng, cần cù, chịu khó của anh Hưng đã giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định, kinh tế gia đình ngày một phát triển đi lên.
Trước khi đến với nghề nuôi ếch, anh Hưng đã có nhiều năm làm đủ các nghề nhưng điều kiện kinh tế gia đình vẫn còn khó khăn. Năm 2010, anh Hưng đã quyết định thay đổi cách sản xuất, chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang đào ao, thả cá. Khởi nghiệp bằng mô hình nuôi gà và thả cá nước ngọt với số vốn đầu tư 100 triệu đồng nhưng cho hiệu quả kinh tế không cao.
Trăn trở tìm hướng phát triển, anh Hưng lên mạng internet tìm hiểu các mô hình kinh tế hộ, đặc biệt là các mô hình chuyển đổi sản xuất khai thác tiềm năng sẵn có. Năm 2018, trong một lần thăm người thân tại huyện Ninh Giang thấy nhiều mô hình nuôi ếch kết hợp nuôi cá của bà con nông dân mang lại thu nhập khá nên anh Hưng mạnh dạn mua ếch giống về thả nuôi để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
Ban đầu anh thử nghiệm nuôi với 10.000 con ếch giống trong 8 tráng nuôi ếch trên ao nuôi cá của gia đình. Trong quá trình nuôi để nâng cao được năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi ếch, anh Hưng không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi, đặc tính từ những mô hình nuôi ếch thành công trong tỉnh và tham khảo các nguồn tài liệu trên mạng internet, tham gia các lớp tập huấn…với kiến thức có được anh áp dụng vào thực tế tại gia đình.
Đàn ếch của gia đình anh Hưng phát triển nhanh, không bị hao hụt, không bị chết… sau thời gian nuôi 2 tháng 10 ngày, đàn ếch có trọng lượng từ 250 – 270 gam/con, sau khi trừ chi phí, lãi được 50 triệu đồng. Thấy nuôi ếch chi phí thấp, công chăm sóc không nhiều, ít rủi ro, nên anh Hưng quyết định mở rộng mô hình nuôi ếch lên 6 vạn con kết hợp với nuôi cá rô đầu vuông.
Sau hơn 2 tháng nuôi anh Hưng thu được từ 14 – 15 tấn ếch thịt, với giá bán giao buôn từ 55 – 57 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Hưng thu lãi từ 280 – 300 triệu từ nuôi ếch thịt. Ngoài nguồn thu từ nuôi ếch thịt, để chủ động nguồn giống tại chỗ và phục vụ nhu cầu nuôi thả của bà con nông dân, gia đình anh Hưng còn tập trung phát triển sản xuất con giống. Mỗi năm gia đình anh Hưng xuất bán 10 vạn ếch giống đem lại thêm nguồn thu nhập 150 triệu đồng. Ngoài thu nhập từ ếch, anh Hưng còn có thêm nguồn thu nhập từ cá rô, sau khi trừ chi phí mỗi năm cho thu lãi 100 triệu đồng.
Để có được thành công từ mô hình nuôi ếch kết hợp với nuôi cá rô đầu vuông anh Hưng cho biêt “ Người nuôi cần phải nắm vững triệt để các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, quản lý, phòng chống dịch bệnh, xử lý kịp thời các tình huống bất lợi; nuôi ếch không tốn nhiều thời gian, chỉ cần thay nước thường xuyên nên ngày thay nước một lần, cần có thức ăn dành riêng cho ếch cho từng giai đoạn; Để giảm tỉ lệ hao hụt, gia đình anh thường cho ếch sinh sản tại chỗ để đảm bảo nguồn giống tốt. Trong quá trình ương giống, hạn chế việc sử dụng kháng sinh, thường xuyên chọn lọc, phân cỡ ếch đồng đều để hạn chế ếch ăn thịt lẫn nhau gây hao hụt. Trong quá trình chăm sóc ếch thường xuyên quan sát khả năng phát triển, thay đổi thời tiết để kịp thời điều chỉnh kỹ thuật cho phù hợp”.
Thực tế, mô hình nuôi ếch kết hợp với nuôi cá rô đầu vuông là môt mô hình mới, làm đa dạng thêm hình thức nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt, mô hình dễ thực hiện, đem lại lợi nhuận cao, thời gian quay vòng nhanh, rất phù hợp với cơ sở nuôi có ít đất sản xuất; giảm ô nhiễm môi trường do tận dụng được thức ăn dư thừa trong mô hình nuôi ếch, chất thải từ ếch và da của ếch sau khi lột làm thức ăn cho cá rô đầu vuông giúp giảm từ 20 – 30% lượng thức ăn sử dụng để nuôi cá (giảm hệ số thức ăn)… Thành công của mô hình nuôi ếch kết hợp nuôi cá rô đầu vuông của gia đình anh Nguyễn Văn Hưng thực sự đã mở hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi góp phần tăng thu nhập kinh tế cho người chăn nuôi.
Nguyễn Thị Tuyền
Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Hải Dương