(Aquaculture.vn) – Thành công trong nghề nuôi tôm phụ thuộc lớn vào chất lượng của ao nuôi. Một ao nuôi đạt tiêu chuẩn lý tưởng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tôm phát triển đến lúc thu hoạch, đồng thời giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh. Vậy, người nuôi tôm cần chú ý những gì để duy trì chất lượng ao nuôi? Hãy cùng tìm hiểu thêm trong bài viết này.
Các loại ao nuôi tôm
Tùy thuộc vào hình dạng và vật liệu sẽ có nhiều loại ao nuôi tôm khác nhau. Dưới đây là một số so sánh giữa các loại ao nuôi tôm phổ biến:
- Ao vuông
Ao vuông rất thích hợp cho những khu vực có địa hình đất, nhờ vào khả năng gia cố thành ao của đất. Chúng có thể áp dụng cho mọi cấp độ thâm canh, từ truyền thống đến siêu thâm canh. Hơn nữa, diện tích trang trại có thể được tối ưu hóa vì các ao vuông có thể xây dựng sát nhau. Nếu bạn quyết định nuôi tôm trong ao vuông, hãy đảm bảo ao được bảo vệ kỹ lưỡng để tránh bị mài mòn.
- Ao tròn
Ao tròn rất thích hợp cho những vùng đất cát nhờ vào ưu điểm chống xói mòn. Loại ao này cũng phù hợp với các hoạt động nuôi trồng quy mô hộ gia đình, không yêu cầu kích thước lớn. Về mật độ thả giống, ao tròn có thể đáp ứng được các hệ thống thâm canh đến siêu thâm canh. Một lợi thế nổi bật của ao tròn là không có góc chết, giúp thức ăn và chất thải được phân phối đều. Tuy nhiên, hình dạng tròn cũng gây khó khăn trong việc tối ưu hóa diện tích sản xuất. Việc không có góc còn khiến dòng nước từ quạt nước đẩy chất thải vào giữa, do đó cần phải vệ sinh thường xuyên hơn.
- Ao bê tông
Ao bê tông được ưa chuộng trong xây dựng vì tính chắc chắn và độ bền cao, rất phù hợp cho mục đích nuôi trồng lâu dài. Thêm vào đó, việc sử dụng bê tông có thể giảm thiểu hiện tượng lún đất do áp lực nước và giúp quy trình vệ sinh khử khuẩn dễ dafngm thuận tiện hơn. Tuy nhiên, loại ao này yêu cầu chi phí đầu tư cao và thời gian xây dựng kéo dài.
- Ao bạt
Ao bạt có chi phí xây dựng hợp lý hơn so với ao bê tông, phù hợp cho những người nuôi mới hoặc những hộ nuôi có nguồn vốn hạn chế. Loại ao này cũng dễ dàng trong việc lắp ráp, tháo rời và vệ sinh. Tuy nhiên, chúng có nguy cơ rò rỉ và độ ẩm cao, do đó cần thường xuyên quan sát và kiểm tra kỹ lưỡng trong mùa mưa.
- Ao đất
Ao đất được xây dựng bằng phương pháp đào ao thông thường, việc xây dựng ao đất cũng đơn giản hơn so với các phương pháp phía trên. Tuy nhiên, nhược điểm của ao đất là khó kiểm soát các loại virus, vi khuẩn, mầm bệnh và các động vật ngoại lai xâm nhập vào ao nuôi, tấn công tôm nuôi. Hơn nữa, nếu chất lượng đất không đảm bảo có thể tác động xấu đến chất lượng nước, gây cản trở cho sự phát triển của tôm.
Các yếu tố chính cần xem xét khi xây dựng ao nuôi tôm
Sau khi nghiên cứu các loại ao nuôi tôm khác nhau, dưới đây là một số yếu tố quan trọng cần xem xét trước khi tiến hành xây dựng ao nuôi tôm:
- Lựa chọn vị trí
Vị trí là một yếu tố quan trọng cần được xem xét kỹ lưỡng trước khi xây dựng ao nuôi tôm. Cần đảm bảo vị trí xây dựng ao nằm gần nguồn nước và không gây/bị ảnh hưởng tới những hộ nuôi xung quanh. Hơn nữa, ao nuôi tôm phải được thiết kế sao cho không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
- Chất lượng vật liệu
Lựa chọn vật liệu nền có chất lượng tốt, bền để tránh tình trạng rò rỉ hay hư hỏng trong quá trình vận hành ao nuôi. Nếu sử dụng nền bê tông, nên chọn loại hỗn hợp đáp ứng các tiêu chuẩn xây dựng ao. Chuẩn bị đủ vật liệu theo kích thước ao và mật độ thả tôm theo kế hoạch. Sau khi hoàn thiện xây dựng, kiểm tra bờ ao để đảm bảo độ chắc chắn và thường xuyên theo dõi tình trạng của ao để kịp thời xử lý khi có sự cố.
- Thoát nước
Ao nuôi tôm cần được trang bị hệ thống thoát nước hiệu quả để tối ưu hóa quá trình xử lý nước. Tránh để nước bị đọng lại xung quanh khu vực ao, có thể gây cản trở cho hoạt động nuôi trồng và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
- Bảo vệ khỏi tác động bên ngoài
Một yếu tố quan trọng khác là cần bảo vệ ao khỏi động vật ăn thịt và những động vật ngoại lai xâm phạm. Có thể thực hiện điều này bằng cách lắp đặt lưới chim cùng với việc dựng hàng rào để bảo vệ an toàn cho ao.
- Xử lý chất thải
Chất thải trong nuôi tôm cần được xử lý một cách hợp lý để ngăn chặn những tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh và giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Việc áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả để xử lý các loại chất thải như phân tôm, thức ăn thừa và các chất hữu cơ khác là rất quan trọng. Điều này sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững trong ngành tôm nói riêng, ngành nuôi trồng thủy sản nói chung.
Khi xây dựng ao nuôi tôm, người nuôi nên xem xét các yếu tố như vị trí phù hợp, vật liệu xây dựng, hệ thống thoát nước hiệu quả, đảm bảo an toàn trong xây dựng và quản lý chất thải một cách hợp lý. Việc chú trọng đến những yếu tố này sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển tối ưu của tôm, từ đó nâng cao năng suất và tính bền vững cho trang trại.
Vương Hằng